Iran chỉ trích Mỹ “giả dối” với luận điệu vừa đàm phán vừa trừng phạt

Hồng Nhung |

Bộ Ngoại giao Iran cho các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ là minh chứng cho hành động “khủng bố kinh tế” và là sự tiếp diễn thái độ thù địch với Iran.

Iran hôm nay (8/6) đã lên tiếng chỉ trích tuyên bố để ngỏ cánh cửa đàm phán của Tổng thống Mỹ Donald Trump là giả dối trong khi Mỹ vẫn tiếp tục áp đặt trừng phạt đối với ngành công nghiệp khí hóa dầu của Iran.

Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi đã gọi các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Iran là một minh chứng cho hành động “khủng bố kinh tế” và là sự tiếp diễn của tình trạng thù địch chống Iran.

Chính sách gây áp lực tối đa của Mỹ là chính sách thất bại. Theo ông Mousavi, đây là con đường sai lầm và Mỹ sẽ không đạt được mục đích thông qua chính sách như vậy.

Tổng thống Mỹ Trump ngày 6/6 tuyên bố sẵn sàng để ngỏ đàm phán với Iran miễn là Iran phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, Iran đã bác bỏ đề nghị của Mỹ. Ngay sau đó một ngày, Bộ Tài chính Mỹ ngày 7/6 đã công bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào PGPIC - tập đoàn khí hóa dầu lớn nhất và sinh lời nhiều nhất của Iran.

Mỹ bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm vào Iran sau khi Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 vào tháng 5/2018. Ngay sau đó, vào tháng 8/2018, Mỹ đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đầu tiên nhằm vào Iran. Đến tháng 11/2018, Mỹ tiếp tục triển khai loạt biện pháp trừng phạt thứ 2 chống Iran.

Cùng ngày, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh trong cuộc trả lời phỏng vấn website ICANA của Quốc hội Iran cho biết, nước này không có ý định rời Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Theo ông Zanganeh, Iran không có ý định rời tổ chức này và lấy làm tiếc khi một số thành viên OPEC đang biến tổ chức này thành một diễn đàn chính trị nhằm đối đầu với hai thành viên sáng lập của OPEC là Iran và Venezuela.

Bên cạnh những sức ép từ bên ngoài, uy tín và vị thế của OPEC cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nhiều tranh cãi, bất đồng nội bộ giữa các nước thành viên, trong đó phải kể đến những mâu thuẫn dai dẳng giữa Saudi Arabia và Iran hay giữa Saudi Arabia với Qatar.

Trên lý thuyết, OPEC là một tổ chức kinh tế, song hoạt động của tổ chức không tránh khỏi bị tác động bởi yếu tố chính trị, bởi những căng thẳng ngoại giao, quân sự hay cuộc đua giành ảnh hưởng giữa một bên là Saudi Arabia và bên kia là Iran, thành viên sáng lập và cũng là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba trong OPEC. /.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại