Thủ tướng Trung Quốc: 'Nghe lén, đánh cắp tài sản trí tuệ không phải là cách người Trung Quốc làm việc'

Phương Anh |

Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh Bắc Kinh không ủng hộ bất kỳ nỗ lực nào của các công ty Trung Quốc nhằm đánh cắp các công nghệ hoặc tài sản trí tuệ.

Tại cuộc họp thượng đỉnh thường niên với Liên minh châu Âu ngày 9/4, Trung Quốc cam kết sẽ tăng cường quan hệ thương mại với EU bằng cách cung cấp một "sân chơi cấp độ" cho các doanh nghiệp của họ, trong khi Thủ tướng Trung Quốc Li Keqiang (Lý Khắc Cường) thẳng thừng phủ nhận cáo buộc Bắc Kinh đứng sau bất kỳ loại gián điệp công nghiệp nào - mối lo ngại của các quốc gia thành viên EU.

Theo SCMP, trong một chiến thắng ngoại giao cho Trung Quốc, các nhà lãnh đạo EU đã từ bỏ các tuyên bố đối đầu gần đây và không đưa ra bất kỳ đề cập nào đến Trung Quốc với tư cách là một "đối thủ mang tính hệ thống", hoặc gọi các hoạt động thương mại của họ là "bất công".

Đối với EU, việc Trung Quốc thỏa thuận mở rộng tiếp cận thị trường, phản đối chuyển giao công nghệ bắt buộc và hợp tác cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới về trợ cấp công nghiệp được coi là tiến bộ.

Tại cuộc họp ở Brussels, Trung Quốc và EU cũng đã đồng ý củng cố sự phối hợp giữa Sánh kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc và chương trình Kết nối Châu Âu và Châu Á của EU, hy vọng sẽ tăng kết nối giữa Châu Âu và Châu Á, cũng như Mạng lưới giao thông xuyên châu Âu đã được lên kế hoạch về thiết lập hệ thống đường bộ, đường sắt, hàng không và biển.

Sự hòa hợp là điều cần thiết, dù khó có được vào thời buổi ngày nay: EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc và Trung Quốc là đối tác lớn thứ hai của EU - sau Mỹ.

Những xung đột gia tăng cũng xuất hiện khi Bắc Kinh tiếp tục đàm phán một thỏa thuận thương mại với Mỹ, nước đã thúc giục các đồng minh EU của họ có lập trường mạnh mẽ hơn chống lại Trung Quốc trên các mặt trận thương mại, công nghệ và an ninh - ngay cả khi Washington cũng có va chạm thương mại với chính liên minh châu Âu.

Phát biểu cùng với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk tại Brussels ngày 9/4, ông Li nói Trung Quốc sẽ ký một thỏa thuận đầu tư đã được mong chờ từ lâu với EU vào cuối năm 2020, hoặc sớm hơn. Đại diện EU trước đây đã phàn nàn rằng Trung Quốc đã có những đảm bảo như vậy trong nhiều năm trong khi không ban hành nhiều cải cách thực tế. Nhưng thủ tướng nhấn mạnh rằng việc đưa ra thời hạn cho những thay đổi mà ông đã đồng ý cho thấy ý định làm tốt của Bắc Kinh.

"Tuyên bố chung này không chỉ là một tuyên bố chung", ông Lý Khắc Cường nói tại cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh. "Điều này không chỉ có lợi cho cải cách và mở cửa của Trung Quốc, mà còn có lợi cho sự thống nhất và thịnh vượng của Châu Âu."

"Khi chúng tôi nói điều đó, chúng tôi phải làm điều đó. Khi chúng tôi làm điều đó, sẽ có những thành tựu", ông nói.

Ông Tusk mô tả các cuộc đàm phán là khó khăn nhưng cuối cùng cũng có kết quả, thêm vào đó: "Chúng tôi đã xoay sở để thống nhất một tuyên bố chung, định hướng cho mối quan hệ đối tác của chúng tôi dựa trên sự có đi có lại."

Hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong bối cảnh EU tỏ ra hoài nghi về sức mạnh kinh tế của Trung Quốc và ý định của nước này, đặc biệt là các công ty như công ty công nghệ viễn thông khổng lồ Huawei Technologies - bị cáo buộc chia sẻ thông tin với chính phủ Trung Quốc - khiến họ đối mặt với sự giám sát kỹ lưỡng hơn khi cố gắng mở rộng sự hiện diện ở châu Âu.

Ông Lý nhấn mạnh rằng Bắc Kinh không ủng hộ bất kỳ nỗ lực nào của các công ty Trung Quốc nhằm đánh cắp các công nghệ hoặc tài sản trí tuệ. "Các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động ở nước ngoài phải tôn trọng các quy tắc quốc tế cũng như luật pháp và các quy định của các quốc gia tương ứng", ông nói.

Ông Lý nói thêm: "Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ yêu cầu, chứ đừng nói đến việc áp đặt bất kỳ luật hoặc quy định nào, bắt các doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, lợi ích thương mại hoặc quyền riêng tư cá nhân - hoặc thực hiện hành vi nghe lén. Đây không phải là cách người Trung Quốc làm việc".

Ông kêu gọi châu Âu đối xử bình đẳng với các công ty Trung Quốc.

Hai bên đã soạn thảo tuyên bố chung sau mười một giờ tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 21, bất chấp những gợi ý trước đó rằng châu Âu có thể tránh xa các cuộc đàm phán trong bối cảnh cứng rắn hơn về các hoạt động kinh doanh của Trung Quốc.

Một khía cạnh quan trọng trong tuyên bố của ông Lý là sự đảm bảo của ông về việc cho các doanh nghiệp EU tiếp cận nhiều hơn với thị trường Trung Quốc; trong số các lĩnh vực Bắc Kinh đã thảo luận trước đây là dịch vụ viễn thông, giáo dục và y tế.

Thủ tướng Trung Quốc cho biết ông dự kiến sẽ có nhiều tiến bộ vào thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh năm tới.

Trung Quốc cũng đồng ý rằng không nên bắt buộc chuyển giao công nghệ, theo tuyên bố chung. Về trợ cấp công nghiệp, ông Lý nhấn mạnh bất kỳ cuộc thảo luận nào với EU sẽ phải dựa trên các quy định của WTO, có liên hệ đến tình hình của Trung Quốc. "Một số trợ cấp mà chúng tôi đưa ra là dành cho những người lao động thất nghiệp để họ duy trì cuộc sống, chứ không nhằm mục đích (thúc đẩy) khả năng cạnh tranh kinh doanh", ông Lý nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại