Quốc gia đang phát triển lớn nhất thế giới
Trung Quốc sẽ khước từ một đề xuất mà Mỹ đưa ra nhằm hạn chế những đặc quyền mà Trung Quốc và một số quốc gia khác đang được hưởng trong lĩnh vực thương mại. Đó là đề xuất Bắc Kinh từ bỏ "chế độ đặc biệt và khác biệt" mà nước này có khi được xếp vào hạng "quốc gia đang phát triển" tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), SCMP đưa tin.
Việc xếp hạng này tạo điều kiện cho Trung Quốc cung cấp các mức trợ giá trong nông nghiệp và quyền lợi áp đặt các rào cản vào thị trường cao hơn so với các nền kinh tế phát triển hơn.
Bất đồng này phản ánh sự chia rẽ cơ bản trong nội bộ WTO, đe dọa tới tương lai của hệ thống thương mại đa phương toàn cầu.
Lâu nay Mỹ vẫn phàn nàn rằng quá nhiều thành viên WTO - khoảng 2/3 - xác định mình là các quốc gia đang phát triển để lợi dụng các điều khoản mà trạng thái này mang lại cho họ về mặt thương mại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích WTO và gọi tổ chức này là "thảm họa". Tuy nhiên, những nước như Trung Quốc và Ấn Độ kiên quyết khẳng định rằng chế độ ưu ái là một nền tảng quan trọng của hệ thống thương mại toàn cầu.
Mặc dù là nền kinh tế thứ hai thế giới và là nhà xuất khẩu lớn nhất, Bắc Kinh vẫn gắn cho mình cái mác "quốc gia đang phát triển lớn nhất thế giới".
WTO đã đi quá xa?
Trong cuộc họp báo mới đây, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng cho biết, Trung Quốc sẽ vẫn gắn bó với vị trí này, kể cả khi Brazil chấp nhận từ bỏ trạng thái này để đổi lấy sự ủng hộ của Mỹ cho con đường gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), cơ quan kinh tế đa chính phủ giàu tầm ảnh hưởng với 36 quốc gia thành viên.
"Lập trường của Trung Quốc đối với cải cách WTO rất rõ ràng. Trung Quốc là quốc gia đang phát triển lớn nhất thế giới", Gao nói.
"Chúng tôi không né tránh trách nhiệm quốc tế và sẵn sàng gánh vác những nghĩa vụ trong WTO - những nghĩa vụ phù hợp với mức độ và khả năng phát triển kinh tế của chúng tôi. Trên thực tế, chúng tôi làm như vậy và sẽ tiếp tục duy trì điều đó".
Về phần mình, Mỹ cho rằng các quy định hiện thời của WTO đi quá xa khi để Trung Quốc trợ giá cho các ngành công nghiệp của mình, hỗ trợ các công ty thuộc quyề sở hữu nhà nước và phân biệt đối xử với các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo Washington, các điều khoản của WTO đã góp phần dẫn tới các vấn đề như chuyển giao công nghệ cưỡng ép, đánh cắp tài sản trí tuệ.
Tại Diễn đàn Châu Á Bác Ngao ở Hải Nam hồi cuối tuần qua, Chu Tiểu Xuyên, cựu thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc thừa nhận rằng một số quan điểm chỉ trích mà phía Mỹ đưa ra là hợp lý. Tuy nhiên, ông Chu cũng cho rằng một số thành viên WTO có những hiểu lầm liên quan tới hành vi thương mại của Trung Quốc.
"Căn bản, chúng tôi đã giảm bớt những hành vi gây biến dạng thị trường và các khoản trợ giá vô lý [nhằm chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường], nhưng bởi đây là một quá trình chuyển đổi nên cần phải mất nhiều năm, vì vậy, một số động thái gây biến dạng vẫn còn", ông Chu nói.
"Chúng tôi cần thực hiện một số công tác làm rõ. Trung Quốc là một quốc gia lớn. Trong quá trình thực hiện có thể có những mâu thuẫn. Việc áp dụng ở mức độ địa phương có thể không đồng nhất và các chính quyền địa phương có thể cư xử chưa phù hợp nhưng điều này không đại diện cho lập trường của chính phủ Trung Quốc".
Ngay từ đầu năm nay, đã có thông tin Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi và Venezuela phản đối đề xuất cải cách "chế độ đặc biệt và khác biệt" của Mỹ. Bốn nước này đã trình đơn lên WTO và nói rằng việc tự xếp hạng thành viên đang phát triển vốn là tiền lệ lâu nay và phù hợp với các mục tiêu của WTO.
Tài liệu này còn nhận định rằng nhiều quy định của WTO thực ra rất có lợi cho Mỹ và các nước đã phát triển, trong những lĩnh vực như xuất khẩu nông sản, hạn ngạch đối với hàng dệt may và bảo vệ quyền sở hữu tài sản trí tuệ.