Tờ SCMP đưa tin, hai ngày trước khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đáp chuyến bay từ Bắc Kinh tới Brussels để tham dự hội nghị thượng đỉnh thường niên với các nhà lãnh đạo EU, vừa diễn ra hôm thứ Ba (9/4), đội ngũ ngoại giao của ông đã trải qua một phen "thót tim".
Họ phải rất nỗ lực mới có thể đưa được các đồng nghiệp châu Âu quay trở lại bàn thương thảo về một tuyên bố chung, dự kiến được công bố vào cuối thượng đỉnh, giữa Thủ tướng Lý, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk.
(Từ trái qua) Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tại thượng đỉnh EU - Trung Quốc 2019 (ảnh: Reuters)
Vào phút cuối cùng, rốt cuộc, hai phái đoàn ngoại giao cũng đã thống nhất được một tuyên bố chung; nhưng chỉ sau khi các nhà đàm phán châu Âu đe dọa rời khỏi cuộc thảo luận do không biết rõ được những cải cách, và quan trọng nhất là thời gian thực hiện những cải cách đó từ phía Trung Quốc.
Giới phân tích nhận định, thái độ khó khăn hiếm gặp trên của EU phản chiếu sự thiếu kiên nhẫn trước một Bắc Kinh không đưa ra được những đảm bảo đáng tin cậy về cải cách thị trường mà châu Âu đã mong chờ nhiều năm qua. Bên cạnh đó, các đại diện châu Âu dường như cũng được "tiếp thêm sức mạnh" sau cách mà chính quyền Tổng thống Donald Trump gây áp lực lên Trung Quốc - nhằm có được những điều khoản thương mại phù hợp hơn.
Nhiều tuần trước thượng đỉnh, châu Âu đã cho thấy một bộ mặt cứng rắn hơn bao giờ hết.
Ngày 12/3, EU công bố tài liệu "EU – Trung Quốc: một cái nhìn chiến lược", trong đó gọi Bắc Kinh là một "đối thủ hệ thống" cùng với 10 đề xuất để đối phó với quốc gia châu Á.
Bản báo cáo được đưa ra trước thềm chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới châu Âu. Trong khi Bắc Kinh thành công thuyết phục Itay tham gia Sáng kiến Một vành đai, một con đường; thì một nhà lãnh đạo châu Âu khác lại tỏ ra cứng rắn hơn.
Vài ngày trước khi tiếp đón ông Tập tại Điện Elysee, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố: "thời kỳ của một châu Âu ngây thơ" trong các vấn đề Trung Quốc. Trong một dấu hiệu thể hiện sức ảnh hưởng mạnh mẽ của chiến lược EU tới Berlin, BDI – cơ quan vận động hành lang chủ chốt của Đức, mới đây cũng bắt đầu miêu tả Bắc Kinh là một yếu tố cạnh tranh "hệ thống".
"Cơn gió phía đông đang thổi khá mạnh, và gần đây, bắt đầu hơi có vấn đề. Chúng ta cần phải có một cơn gió tây mạnh hơn", Reinhard Bütikofer, Phó chủ tịch phái đoàn Nghị viện châu Âu trong quan hệ với Trung Quốc, nói.
Trong khi đó, phái đoàn Trung Quốc tại EU cũng có những nỗ lực "phản pháo". Đại sứ Zhang Minh trả lời phỏng vấn tờ Politico rằng, ông không đồng ý với thuật ngữ "đối thủ hệ thống" của EU. "Trong văn hóa Trung Quốc, các đối thủ có xu thế tìm kiếm vị thế cao hơn so với bên còn lại", ông Zhang nhấn mạnh.
Quay trở lại tình thế "giằng co" trước thượng đỉnh Trung Quốc – EU, Mikko Huotari, phó giám đốc Viện Trung Quốc Mercator tại Đức, đánh giá: "theo tôi hiểu, phía Trung Quốc thực sự muốn có một tuyên bố chung". Mặc dù một số nhà ngoại giao châu Âu vận động để có một tuyên bố chung, nhưng EU vẫn quyết định kéo dài quá trình đàm phán, gây áp lực lên phái đoàn Trung Quốc.
Theo SCMP, trong ba ngày cuối tuần vừa rồi, các nhà ngoại giao Trung Quốc quay trở lại bàn đàm phán với một phiên bản thông cáo đã chỉnh sửa.
"Đối với người Trung Quốc, có được tuyên bố chung là một điều quan trọng", một nhà ngoại giao giấu tên chia sẻ. "Còn đối với châu Âu, điều đó không có tầm quan trọng nhiều như vậy, nhưng sẽ là một cơ hội tốt để đề cập tới các chủ đề mà chúng tôi muốn".
"Việc có được một tuyên bố chung mang tính biểu tượng cho Trung Quốc, đặc biệt là vào thời điểm họ hy vọng có được mối quan hệ đối tác với EU giữa cuộc chiến thương mại với Mỹ", ông Huotari chỉ ra. Sau khi Trung Quốc có được văn kiện họ muốn, thì châu Âu cũng có được thời gian biểu cụ thể cho những cải cách từ quốc gia châu Á – điều mà Bắc Kinh vẫn từ chối cung cấp trong nhiều năm qua.
Theo Thủ tướng Lý Khắc Cường, vào cuối năm nay, Trung Quốc và EU sẽ thống nhất một danh sách các chỉ số địa lý – một kế hoạch mà EU tìm kiếm nhằm bảo hộ các nông dân của mình, thông qua việc dán nhãn cho các sản phẩm có chất lượng liên quan tới nguồn gốc địa lý cụ thể, ví dụ như rượu champagne hay phomai Parmesan…
Quan trọng hơn đối với EU, chính là việc Trung Quốc đồng ý ký kết một thỏa thuận đầu tư đã bị trì hoãn quá lâu, vào "cuối năm sau, thậm chí là sớm hơn".
Jo Leinen, Chủ tịch phái đoàn Nghị viện châu Âu trong quan hệ với Trung Quốc, coi những hứa hẹn trên là kết quả tích cực mà một lập trường cứng rắn hơn của EU đem lại.
"Chúng ta nhìn thấy rõ hơn là tình huống hai bên cùng thắng lợi trước đây đang trở thành kẻ thắng – người thua", ông nói. "Trung Quốc thay đổi trong một vài lĩnh vực và giờ đây lại đưa ra lời hứa trong các lĩnh vực khác". "Vì vậy, đó là sự kết hợp của một bước tiến lên phía trước, đồng thời đem lại hy vọng rằng các bước tiếp theo sẽ xuất hiện", ông Leinen cho hay.
Cùng lúc, một số nhà ngoại giao EU vẫn tỏ ra nghi ngờ. "Liệu đó có phải là điều quá tốt để trở thành sự thực hay không – chỉ có thời gian mới trả lời được", một người chia sẻ.