Cũng chính vì số nợ vay lên tới gần 10 tỷ USD nói trên, nên trước khi Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với EVN chiều 21/6, người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu EVN phải lưu ý tới khoản vay này, thông qua việc tập trung vào nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Báo cáo tại buổi làm việc, Tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An cho hay dự kiến cả năm 2017, sản lượng điện ước đạt 196,8 tỷ kWh, tăng 11,1% so với cùng kỳ. Quy mô hệ thống điện của Việt Nam hiện đứng thứ 2 trong các nước ASEAN và thứ 30 của thế giới.
Lãnh đạo EVN thông tin tiến độ cổ phần hóa của tập đoàn, trong đó đã trình và được phê duyệt đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN. Hiện EVN đang tiếp tục thực hiện cổ phần hóa các Tổng công ty Phát điện 3 (dự kiến chuyển thành công ty cổ phần trong năm nay), Phát điện 1 và Phát điện 2 (hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2018). Tập đoàn sẽ thoái vốn xong tại Công ty Tài chính Điện lực trong năm 2017.
EVN cũng khẳng định đã khắc phục nhiều tồn tại, hạn chế trong thời gian qua. Rút kinh nghiệm các dự án trước đây, các dự án điện than đưa vào vận hành các năm vừa qua đã vận hành ổn định, tin cậy hơn nhiều ngay sau chạy thử nghiệm. Chủ động hơn nữa trong việc ứng phó với thiên tai, lũ lụt, các tình huống bất thường đe dọa an toàn các thủy điện, lưới điện.
“Chúng tôi sẽ siết chặt kỷ luật vận hành không để xảy ra sự cố chủ quan”, ông Đặng Hoàng An khẳng định.
Đồng thời, quyết liệt giảm 2.990 tỷ đồng chi phí sản xuất kinh doanh điện so với kế hoạch đầu năm.
Liên quan tới cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, mới đây nhất trong tháng 5, EVN đã ban hành quy trình kinh doanh mới, tiếp tục rút ngắn thời gian làm thủ tục tiếp cận điện năng cho khách hàng xuống còn 7 ngày (giảm 3 ngày so với quy định của Bộ Công Thương). EVN phấn đấu tới năm 2020, thủ tục tiếp cận điện năng của Việt Nam sẽ vào nhóm 4 nước tốt nhất ASEAN.
Chủ tịch EVN Dương Quang Thành cho hay, cho dù từ đầu năm đến nay có nhiều khó khăn, song EVN vẫn đảm bảo tốc độ tăng trưởng điện cao hơn.
Một số dự án trước đây bị chậm tiến độ, nhưng hiện đã được khắc phục và đã vận hành, đáp ứng cung ứng điện.
Đối với việc tái cơ cấu tập đoàn, hiện đã có nội dung chương trình thực hiện, trong đó có việc cổ phần hóa 3 tổng công ty phát điện. Hiện Kiểm toán Nhà nước đang kiểm toán giá trị doanh nghiệp của 3 doanh nghiệp này.
Đặc biệt, Chủ tịch EVN cho biết, việc thoái vốn ngoài ngành đã được EVN hoàn tất, hiện không còn đầu tư ngoài ngành. Duy chỉ còn 15% cổ phần của tập đoàn nằm trong Công ty Tài chính điện lực cũng đang được hoàn tất thủ tục thoái nốt.
“Như vậy có thể nói việc đầu tư ngoài ngành của EVN đến thời điểm này là không còn nữa”, ông Thành nói.
Đối với việc rà soát lại các dự án không hiệu quả, Chủ tịch EVN cũng thông tin tại Công ty mẹ không có dự án nào là “không hiệu quả”. Còn với các đơn vị trực thuộc, công ty con, lãnh đạo tập đoàn đang giao cho các đơn vị rà soát lại.
EVN cũng phấn đấu giảm tổn thất điện năng xuống còn 6,5% vào năm 2020, bằng với các nước tiên tiến trong khu vực. Hiện tổn tổn thất điện năng của Việt Nam ngang bằng với Thái Lan và Malaysia (17%).
Bên cạnh những thuận lợi, lãnh đạo EVN cũng nêu khá nhiều khó khăn mà tập đoàn đang phải đối mặt. Trong đó, với việc tăng giá bán than trong nước cho sản xuất điện và cập nhật các thông số đầu vào thì tổng chi phí sản xuất kinh doanh của EVN sẽ tăng 7.230 tỷ đồng trong năm nay. Cùng với đó là công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án điện.
“Hôm nay tôi cũng đề nghị Văn phòng Chính phủ giúp đỡ việc giải phóng mặt bằng tại Từ Sơn (Bắc Ninh) với dự án đường dây từ Long Biên đi Phố Nối. Với các dự án hiện nay thì tiền, kỹ thuật, năng lực xây lắp thì không còn vướng, nhưng giải phóng mặt bằng thực sự là nan giải”, ông Đặng Hoàng An cho biết.
Phải minh bạch giá điện
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Tổ phó tổ công tác Nguyễn Cao Lục, cho hay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một số ý kiến đề nghị EVN cần lưu ý, làm rõ.
Thứ nhất, sản xuất và phân phối điện là một trong 4 ngành công nghiệp nhóm 1, theo yêu cầu của Thủ tướng, phải đạt tăng trưởng 11,5% trong năm 2017, bảo đảm điện cho nền kinh tế, cung ứng điện cho miền Nam, không để xảy ra thiếu điện…
“Cung ứng đủ điện là một giải pháp để bảo đảm tăng trưởng chung của nền kinh tế, nhưng trong năm 2017 đã có tình trạng quá tải cục bộ gây mất an toàn ổn định vận hành hệ thống điện. Trong 4 ngày nắng nóng đầu tháng 6/2017, đã có tới 12.632 cuộc gọi tới Trung tâm Chăm sóc khách hàng của EVN liên quan đến sự cố, an toàn và mất điện. EVN cần nêu rõ trách nhiệm và các giải pháp, kế hoạch để không xảy ra tình trạng này”, Phó chủ nhiệm Nguyễn Cao Lục nêu thực tế.
Cùng với đó, tình trạng ngập lụt, xả lũ tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Thủ tướng chỉ đạo, “không thể để tình trạng xả lũ làm tăng ngập cho dân vùng hạ lưu rồi lại trả lời là xả đúng quy trình. Vậy cái quy trình đó là sai, không thể chấp nhận được”.
Một vấn đề khác là việc đầu tư một số dự án thuộc Quy hoạch điện 7 bị chậm so với dự kiến do các nguyên nhân chủ quan và khách quan, như thu xếp nguồn vốn khó khăn, vướng mắc thủ tục đầu tư xây dựng…EVN phải nêu giải pháp để đẩy nhanh tiến độ các dự án này, bảo đảm đủ điện cho nền kinh tế theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng.
“EVN cần tăng hiệu quả sử dụng vốn, đa dạng hóa ngoại tệ đi vay để giảm rủi ro tỷ giá. EVN cần báo cáo về giải pháp tái cơ cấu, giảm chi phí trực tiếp, gián tiếp, tăng hiệu quả đầu tư”, Thủ tướng yêu cầu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải yêu cầu EVN đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư trong những tháng còn lại của năm nay. Lưu ý các dự án chưa có hiệu quả như mong muốn. Cần phải kiểm soát chặt chẽ chi phí, ngay từ các khâu ban đầu như lập quy hoạch, thiết kế…
Đặc biệt, Thứ trưởng Hải lưu ý EVN cũng như toàn ngành điện phải minh bạch hóa mọi số liệu, chi phí, giá thành sản xuất điện…
“Đành rằng việc điều chỉnh giá điện có thể là bất khả kháng, trong nhiều trường hợp phải tăng giá, nhưng EVN phải làm sao để người dân hiểu được vì sao phải tăng giá điện, phải minh bạch mọi khâu”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải yêu cầu.