EU mở cánh cửa lịch sử cho Ukraine
Hãng tin Reuters (Anh) ngày 14/12 đưa tin, trong cuộc họp cùng ngày, các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) đã đưa ra một quyết định lịch sử: Mở cửa cho các cuộc đàm phán thành viên với Ukraine, bỏ qua sự phản đối từ Hungary để mang lại cho Kiev một động lực chính trị lớn khi cuộc xung đột với Moscow vẫn tiếp diễn.
"Đây là một thời điểm lịch sử và nó cho thấy uy tín của Liên minh châu Âu, sức mạnh của Liên minh châu Âu. Quyết định đã được đưa ra. Chúng tôi mở các cuộc đàm phán với Ukraine và Moldova", Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết trên mạng xã hội X.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen gọi quyết định này là "chiến lược" và "một ngày sẽ được khắc sâu trong lịch sử" của Liên minh Châu Âu.
Bà nói: "Tự hào rằng chúng tôi đã thực hiện đúng lời hứa của mình và rất vui mừng cho các đối tác của mình".
Thủ tướng Đức Olaf Scholz viết trên tài khoản X rằng "rõ ràng những quốc gia này thuộc về gia đình châu Âu".
EU mở cánh cửa đàm phán gia nhập cho Ukraine. Ảnh: Reuters
Tổng thống Zelensky ca ngợi "chiến thắng" của Kiev
Việc bật đèn xanh của EU ngay lập tức được nhà lãnh đạo Ukraine hoan nghênh.
Tổng thống Volodymyr Zelensky ca ngợi quyết định trên là "chiến thắng" cho Ukraine và châu Âu bất chấp sự phản đối của Hungary trong nhiều tháng.
"Đây là một chiến thắng cho Ukraine. Một chiến thắng cho toàn bộ châu Âu. Một chiến thắng tạo động lực, truyền cảm hứng và tiếp thêm sức mạnh", Tổng thống Zelensky viết trên tài khoản X vào ngày 14/12.
Tổng thống sau đó cũng gửi một loạt thông điệp cảm ơn Chủ tịch Charles Michel vì đã đích thân thông báo kết quả và bày tỏ lòng biết ơn tới các nhà lãnh đạo châu Âu.
Những người này bao gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz, người đã gặp Thủ tướng Hungary Viktor Orban trước khi kết quả được công bố.
Trong khi đó, tờ The New York Times cho rằng, đây là một quyết định có thể làm Moscow giận dữ.
Tổng thống Ukraine gọi đây là quyết định lịch sử. Ảnh: Reuters
Hungary tiếp tục phản đối
Tại cuộc họp hôm 14/12, Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người phản đối các cuộc đàm phán gia nhập EU của Ukraine, đã quyết định rời khỏi phòng họp, trong khi 26 lãnh đạo đại diện cho 26 quốc gia thành viên còn lại của EU tiếp tục thảo luận và bỏ phiếu quyết định.
Đầu tuần này, Thủ tướng Orban tuyên bố rằng Ukraine vẫn cần đáp ứng 3 trong số 7 điều kiện cần thiết để bật đèn xanh cho các cuộc đàm phán gia nhập nên hiện tại không có lý do gì để Ukraine có thể đàm phán tư cách thành viên EU.
Về thông báo mới mở cánh cửa gia nhập EU đối với Ukraine, theo CNN, Thủ tướng Orban cho rằng đó là một quyết định "hoàn toàn vô nghĩa, phi lý và không chính xác", đồng thời tuyên bố Hungary "không tham gia vào quyết định ngày hôm nay".
"Lập trường của Hungary rất rõ ràng; Ukraine chưa sẵn sàng bắt đầu đàm phán về tư cách thành viên EU", Orban viết trên X.
"Mặt khác, 26 quốc gia khác nhất quyết yêu cầu đưa ra quyết định đó. Vì vậy, Hungary quyết định rằng nếu 26 thành viên quyết định làm như vậy thì họ nên đi theo con đường riêng của mình. Hungary không muốn chia sẻ quyết định... này".
Đáp lại phát biểu của Thủ tướng Hungary, Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa cho biết, ông Orban không yêu cầu bất cứ điều gì để đổi lấy việc đưa ra quyết định.
"Ông ấy nhận ra rằng chúng tôi đang ở trong tình huống mà 26 người có cùng quan điểm và ông ấy có quan điểm khác. Vì vậy, ông ấy không muốn ngăn chặn nó và giải pháp này đã được tìm ra", Thủ tướng Costa nói.
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo thẳng thừng hơn khi cho rằng đã đến lúc ông Orban phải dừng lại. "Nếu bạn là một phần của quyết định, bạn cần đồng ý với quyết định đó, hoặc bạn chỉ cần im lặng".
Trở ngại vẫn còn
Bất chấp ý nghĩa chính trị của động thái trên, Ukraine vẫn phải đối mặt với một số trở ngại trong nỗ lực gia nhập EU.
Ukraine sẽ không được phép bỏ qua quá trình mà tất cả các nước phải trải qua trước khi gia nhập EU và nói chung có thể phải mất một thập kỷ nữa Ukraine mới thực sự gia nhập EU cũng như được hưởng các lợi ích với tư cách thành viên đầy đủ.
Ukraine có thể vẫn cần phải đáp ứng các điều kiện của Tiêu chí Copenhagen trước khi chuyển sang giai đoạn đàm phán tiếp theo.
Nếu Ukraine có thể đáp ứng Tiêu chí Copenhagen, các quan chức EU và Ukraine có thể bắt đầu đàm phán về 35 chương hiệp định trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, tiền tệ, tư pháp, năng lượng...
Các chương đàm phán sau khi được hoàn tất và được các quốc gia thành viên EU đồng thuận, sẽ được trình lên Nghị viện EU phê chuẩn.