Trong cuốn sách "Hun Sen: Nhân vật xuất chúng của Campuchia" (Hun Sen: Strongman of Cambodia) của Harish Mehta và Julie Mehta, khi 2 tác giả đặt câu hỏi về việc hành động quân sự của Việt Nam để lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot như là một "sự xâm chiếm", Thủ tướng Hun Sen đã thể hiện sự phẫn nộ.
"Ông đã nhanh chóng sửa lối giải thích lịch sử của chúng tôi, ông nói điều đó không bao giờ là một sự xâm chiếm, mà là một hành động giải phóng khỏi chế độ diệt chủng" - cuốn sách mô tả.
Giúp bạn cũng là giúp mình
Sinh năm 1952 và học trung học tại Phnom Penh, Hun Sen là người ủng hộ Quốc trưởng Norodom Sihanouk khi ông bị Lon Nol đảo chính lật đổ năm 1970.
Khi Sihanouk kêu gọi người dân trong nước đứng lên tham gia phong trào lật đổ Lon Nol, Hun Sen đã hưởng ứng, ông bỏ học và vào rừng để gia nhập Khmer Đỏ mà chưa biết rõ được dã tâm giết người của họ.
Dù được thăng tiến rất nhanh, trở thành lãnh đạo trung đoàn khi mới 24 tuổi nhưng khi nhận ra bản chất tàn bạo của chế độ Pol Pot, Hun Sen đã bỏ hàng ngũ Khmer Đỏ vào giữa năm 1977 và sang Việt Nam để tìm kiếm sự giúp đỡ chống lại Pol Pot.
Kể với 2 tác giả cuốn sách nêu trên, Hun Sen cho biết nguyên tắc tàn bạo, khắt khe trong nhiều năm của Khmer Đỏ đã khiến ông không thể chấp nhận được nữa. Ông quyết định rời bỏ Khmer Đỏ khi hơn 10 người chú bác và cháu trai đã bị Khmer Đỏ giết.
Được sự giúp đỡ của Việt Nam, ông đã cùng các đồng chí của mình thành lập Mặt trận Thống nhất Cứu nguy, Đoàn kết và Giải phóng Campuchia.
Theo Thủ tướng Hun Sen, ban đầu, Việt Nam từ chối ủng hộ quân sự cho ông vì không muốn can dự vào công việc của đất nước Campuchia. Chỉ đến khi quân Pol Pot tiến hành gây hấn tại biên giới và đưa quân sang xâm lược, sát hại người dân vô tội Việt Nam, mong muốn của ông mới thành hiện thực.
"Nếu Pol Pot không tấn công Việt Nam, tôi nghĩ chúng tôi sẽ không có được sự ủng hộ của Việt Nam để lật đổ chế độ Khmer Đỏ. Pol Pot đã vướng phải sai lầm là đã giết người dân của chính ông ta (kể cả những người gốc Việt) và phát động các cuộc tấn công vào Việt Nam…
Đến khi ấy, Việt Nam đã quyết định giúp Campuchia. Đó là một cơ hội bằng vàng cho tôi, là cơ hội cho chúng tôi tuyển mộ các lực lượng vũ trang của mình từ những người lánh nạn Campuchia đã sang Việt Nam.
Chính bản thân tôi đã không thể thuyết phục được Việt Nam. Nhưng khi Pol Pot tấn công thì Việt Nam phải trả đũa. Họ cảm thấy bị xúc phạm và đã quyết định giúp chúng tôi" - ông Hun Sen kể.
Các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia, với sự giúp đỡ to lớn của bộ đội Việt Nam, đã cùng tham gia quá trình giải phóng đất nước, tiến vào giải phóng Phnom Penh tháng 1-1979. Do đó, ông Hun Sen mới giải thích với các tác giả người Mỹ về việc không thể có chuyện quân đội của mình lại đi xâm chiếm chính đất nước của mình.
Kể về sự giúp đỡ của bộ đội Việt Nam trong cuộc chiến đấu giải phóng đất nước, ông Hun Sen thừa nhận đôi khi lực lượng của ông phải chờ bộ đội Việt Nam đến, vì "bên chúng tôi không ai biết lái xe tăng". Ở những nơi gặp phải sự chống cự mạnh, họ đã chờ các lực lượng Việt Nam đến chọc thủng phòng tuyến của Khmer Đỏ bằng xe tăng và pháo binh.
Ông kết luận: "Các cánh quân của tôi đều biết rõ họ không thể lật đổ được Khmer Đỏ mà không có sự hỗ trợ của bộ đội Việt Nam".
Sự tri ân đối với "Bộ đội nhà Phật"
Danh từ "Bộ đội nhà Phật" được nhiều người dân Campuchia nói để nhớ về công ơn của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã cứu dân tộc Khmer khỏi thảm họa diệt chủng.
Thủ tướng Hun Sen, vào ngày 2-1-2012, khi sang Việt Nam dự lễ khánh thành di tích lịch sử Sư đoàn 125, tiền thân Lực lượng vũ trang Đoàn kết cứu nước Campuchia ngay tại ấp Suối Râm, xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, đã đặt ra câu hỏi trong bài phát biểu của mình:
"Trên thế giới này có đất nước nào đã giúp nhân dân Campuchia, đặc biệt là giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot và ngăn cản sự quay lại của chúng?".
Và chính ông đã trả lời câu hỏi bằng những thực tế lịch sử: "Đúng vào lúc người dân Campuchia sắp chết, chỉ còn biết chắp tay khẩn cầu tiên Phật tới cứu thì bộ đội tình nguyện Việt Nam đã đến. Bộ đội Việt Nam chính là đội quân nhà Phật".
Thủ tướng Hun Sen từng khẳng định: "Không có bộ đội Việt Nam, chúng tôi sẽ chết, vợ và con tôi cũng sẽ chết". Thực tế, người con đầu của ông Hun Sen đã chết ngay sau khi sinh do những điều kiện y tế tệ hại của chế độ Pol Pot.
Trong khi đó, sau khi ông đào thoát sang Việt Nam, vợ ông đã bị bắt giam, bị đày đọa lao động khổ sai và may mắn trốn thoát khi tình cờ nghe được những người lính Pol Pot nói rằng chúng chuẩn bị giết bà vào ngày hôm sau.
Cố Quốc vương Norodom Sihanouk, trong cuốn hồi ký bằng tiếng Pháp "Người tù của Khmer Đỏ" xuất bản năm 1986, cũng đã viết rằng: "Cuộc tấn công chớp nhoáng của những người lính thiện chiến của Hà Nội đánh vào Phnom Penh tháng 1-1979 đã có hiệu quả là giải phóng được một bộ phận trong gia đình đông đảo con cháu của tôi".
Trong gia đình quốc vương, có tới gần 20 người, các con, cháu của ông đã bị Khmer Đỏ đưa ra khỏi Phnom Penh, bị sát hại và mất tích.
Trong cuốn sách "Hun Sen: Nhân vật xuất chúng của Campuchia", các tác giả cũng xác nhận rằng sau ngày giải phóng, nếu không có sự giúp đỡ của Việt Nam, chính phủ Campuchia sẽ không tồn tại.
Về việc bộ đội Việt Nam ở lại Campuchia sau đó, Thủ tướng Hun Sen đã khẳng định "Chính phủ Việt Nam không muốn để quân ở lại. Phía chúng tôi yêu cầu họ như thế".
Sự biết ơn của chính phủ và nhân dân Campuchia đối với công lao của các lực lượng quân tình nguyện Việt Nam không chỉ nằm ở những tượng đài, mà nằm sâu trong lòng mỗi người dân.
Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia, Heng Samrin, trong lễ kỷ niệm 35 năm ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng, tổ chức ngày 5-1-2014, đã xúc động chia sẻ:
"Nhân dân Campuchia chúng tôi mãi mãi tri ân công lao đó và xin khắc ghi trong lịch sử của mình để nhắc nhở cho con cháu muôn đời sau. Bởi nếu không có sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Việt Nam thì nhân dân Campuchia chúng tôi chắc chắn không còn tên tuổi của mình trên thế giới này".
Vun đắp mối quan hệ Việt Nam - Campuchia
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã gửi Điện mừng tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia.
Nội dung bức Điện có đoạn viết: "Đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam khẳng định sẽ làm hết sức mình cùng với Đảng Nhân dân Campuchia, nhà nước và nhân dân Campuchia mãi mãi giữ gìn và vun đắp cho mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài Việt Nam - Campuchia không ngừng phát triển vì sự phồn vinh của nhân dân của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới".
H.Nghi
Việt Nam mất mát quá nhiều
Ghi nhớ những hy sinh, xương máu của các lực lượng quân đội Việt Nam trong khi làm nghĩa vụ cao cả giúp đất nước và nhân dân Campuchia, tháng 12-2013, trong chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Hun Sen ghi nhận: "Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia đã hy sinh hàng vạn người, bị thương không biết bao nhiêu. Việt Nam đã phải trả một cái giá rất lớn khi giúp đỡ Campuchia... Điều này chẳng thể nào quên được!".