Theo hãng Reuters, giới phân tích cho rằng, tuyên bố của Triều Tiên hồi tuần trước về việc nước này đã thử nghiệm một "vũ khí chiến thuật vô cùng tối tân" không xác định đã nhấn mạnh mong muốn của Bình Nhưỡng nâng cấp các vũ khí thông thường và trấn an quân đội ngay khi cuộc đàm phán đang diễn ra nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của nước này.
Các chuyên gia cho biết, vụ thử nói trên là một phần sáng kiến của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhằm chuyển hướng trụ cột chính của sức mạnh quân sự thông thường từ lực lượng quân đội với gần 1,3 triệu người sang vũ khí công nghệ cao.
Phó Chủ tịch Viện nghiên cứu chính sách Asan tại Seoul, ông Choi Kang đánh giá: "Đây gần như là cách cải tổ quân đội của Triều Tiên. Nếu chúng ta phải tìm ra một thông điệp gửi thế giới bên ngoài ẩn sâu bên trong hành động này, thì đó chính là 'Đừng đánh giá thấp chúng tôi, chúng tôi cũng đang hiện đại hóa."
Vũ khí tối tân mới thậm chí có thể còn quan trọng hơn nếu như Triều Tiên từ bỏ ít nhất một vài loại trong kho vũ khí hạt nhân.
Mặc dù Bình Nhưỡng hứng chịu nhiều trừng phạt dễ dàng thua kém Seoul và Washington trong vấn đề chi tiêu quốc phòng, nhưng đội ngũ binh sỹ sẵn sàng hành động cùng với súng và các hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS) của Triều Tiên cũng tạo ra một mối đe dọa đáng kể cho quốc gia liên minh với nhau này.
Theo đánh giá năm 2016 của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, quân đội Triều Tiên có gần 5.500 MLRS, 4.300 xe tăng, 2.500 xe thiết giáp, 810 máy bay chiến đấu, 430 tàu chiến và 70 tàu ngầm.
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn một nguồn tin quân đội giấu tên cho biết vũ khí mới được Triều Tiên thử nghiệm là một mẫu mới của MLRS.
Các chuyên gia khác cho rằng đây có thể là một tên lửa tầm ngắn mới.
Chuyên gia quân sự tại Viện nghiên cứu Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam tại Seoul, ông Kim Dong-yub nhận định, bằng cách công khai một loại vũ khí hiện đại, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang tìm cách trấn an các tướng quân đội có lập trường cứng rắn và công chúng tại Triều Tiên, những người có thể đang lo lắng về một tương lai phi hạt nhân.
Giáo sư Kim Dong-yub nói: "Có lẽ là cần thiết cho ông ta (Kim Jong-un) củng cố quốc gia mặc dù một sự chỉ đạo như vậy có thể tạo ra một dấu hiệu tiêu cực cho thế giới bên ngoài".