Đối với người dân tộc Bru – Vân Kiều xã Trường Sơn, để đến được với trung tâm huyện Quảng Ninh họ phải đi hàng chục, thậm chí cả trăm km bằng đường bộ mới đến nơi. Để tiết kiệm thời gian, người dân đã dùng thuyền đi trên dòng sông Long Đại.
Tuy nhiên cản trở lớn nhất của họ là thác Tam Lu, nơi những mỏm đá chắn ngang sông tạo thành 3 cấp nước chảy cuồn cuộn vào những ngày mưa.
Hình ảnh những con thuyền gắn máy Cole vượt thác Tam Lu và ngược dòng sông Long Đại không xa lạ đối với đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều xã Trường Sơn (Quảng Ninh - Quảng Bình) - Ảnh: Bùi Cường
Trong những năm gần đây, người dân xã Trường Sơn sống ở các bản dọc sông Long Đại đã sắm cho mình phương tiện là thuyền máy. Những chiếc thuyền nhôm gắn máy Cole giúp người dân di chuyển trên sông thuận lợi hơn. Họ có thể về xuôi giao lưu, đi chợ, đi làm… tất cả đều ở trên chiếc xuồng máy đó.
Ngày trước, mỗi lần vượt thác Tam Lu được xem là "cực hình" đối với những người dân. Tuy nhiên nhờ có thuyền máy, người dân vượt thác được dễ dàng hơn.
Việc vượt thác, không phải ai cũng làm được và chỉ có những người lái thuyền đủ can đảm, tinh tế và nhanh trí mới đưa con thuyền của mình qua ba bậc nước cao khoảng 20m so với mặt nước tự nhiên…
Chuẩn bị vượt thác - Ảnh: Bùi Cường
Người lái thuyền phải chọn vị trí, nơi dòng nước chảy lọt qua các tảng đá có đủ độ rộng, và đủ lượng nước để đưa con thuyền lướt qua - Ảnh: Bùi Cường
Ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) chia sẻ: Dòng sông Long Đại thực sự có nhiều cảnh đẹp hùng vĩ bởi những lèn đá cao sừng sững tựa những lâu đài được tự nhiên xây dựng nên ở giữa đại ngàn Trường Sơn. Cảnh vật hai bên sông thực sự rất đẹp bởi có nhiều thời điểm trong năm, cảnh đẹp của trời mây, non nước hòa quyện vào nhau tạo nên bức tranh thủy mặc tự nhiên tuyệt diệu.
Thời điểm con thuyền được người dân tăng ga lớn nhất và mũi thuyền lách qua các khe đá vượt các bậc thác Tam Lu là khoảnh khắc không dành cho du khách yếu tim - Ảnh: Bùi Cường
"Lãnh đạo huyện chúng tôi mong muốn rằng, thác Tam Lu sẽ thành một địa chỉ du lịch thu hút du khách trong nước và quốc tế. Việc khai thác tuyến đường sông này làm du lịch sẽ kích thích phát triển kinh tế của bà con Bru – Vân Kiều sống ở các bản Hôi Rấy, Nước Đắng… dọc sông. Tam Lu để lại những dấu ấn đặc biệt với nhiều nhà đầu tư, tuy nhiên để phát triển được du lịch cũng cần phải có những nhà đầu tư đủ lớn, đủ tầm" - ông Đông chia sẻ.
Khi thuyền xuôi dòng đòi hỏi sự khéo léo của người lái đừng để cho thuyền đâm vào các mỏm đá - Ảnh: Bùi Cường
Hiện nay, cụm di tích lịch sử - văn hóa Núi Thần Đinh - Bến phà Long Đại - Cầu Long Đại đã được đầu tư, đặc biệt ở đó được xây dựng 1 bến thuyền phục vụ khách du lịch tham quan dòng Long Đại và các điểm du lịch lân cận.
"Khi hoàn thành công trình sẽ mở ra điều kiện cho du khách thập phương khám phá thác Tam Lu và cũng là điều kiện cần để các nhà đầu tư quan tâm đặt những nền tảng đầu tiên cho việc phát triển du lịch trên sông Long Đại với việc chinh phục dòng thác Tam Lu, khám phá nét văn hóa của đồng bào Bru – Vân Kiều sinh sống dọc con sông này" - ông Đông cho biết thêm.
Theo ông Phạm Trung Đông, khi cụm di tích lịch sử - Văn hóa ở khu vực bến phà Long Đại, núi Thần Đinh đi vào hoạt động là cơ hội mở ra tuyến du lịch trải nghiệm thác Tam Lu, chiêm ngưỡng cảnh đẹp và những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Bru - Vân Kiều sống dọc sông Long Đại - Ảnh: Vĩnh Quý
Những con thuyền của người dân sẵn sàng cho việc vận chuyển, phục vụ khách du lịch - Ảnh: Bùi Cường
Những chiếc thuyền đưa du khách trải nghiệm dọc sông Long Đại - Ảnh: Bùi Cường
Cú "ôm cua" tạo sóng nước tuyệt đẹp của người lái thuyền khi di chuyển trên sông - Ảnh: Vĩnh Quý
Những bãi cát mịn tuyệt đẹp dọc hai bên bờ sông là nơi có thể cắm trại phục vụ du khách thích khám phá - Ảnh: Bùi Cường
Những người dân đi làm rẫy trở về - Ảnh: Vĩnh Quý
Một mỏm đá nhô lên khỏi mặt nước - Ảnh: Vĩnh Quý
Có những thời điểm sự tĩnh lặng của dòng nước làm cho du khách có thể chụp những bức ảnh đối xứng tuyệt đẹp mà khó phân biệt được đâu là mặt nước... Ảnh: Vĩnh Quý
Dòng sông tĩnh lặng giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ - Ảnh: Bùi Cường