Theo Sputnitk, con số này xấp xỉ một nửa giá trị tất cả các loại vũ khí được bán trên toàn cầu năm 2016. Doanh thu bán vũ khí toàn cầu giảm từ 89 tỷ USD năm 2014 xuống còn 80 tỷ năm 2015, nhiều khả năng do giá dầu sụt giảm ảnh hưởng lượng tiền một số quốc gia đổ vào việc mua bán vũ khí.
Tuy nhiên, theo một báo cáo gần đây của quốc hội Mỹ, trong bối cảnh trên, Qatar vẫn chi khoảng 17 tỷ USD mua vũ khí.
Các đơn đặt hàng mới từ Saudi Arabia, Iraq và Hàn Quốc chiếm một phần lớn trong doanh thu bán vũ khí của Mỹ.
Trong khi đó, những mối quan hệ từ lâu với các khách hàng quân sự trên thế giới giúp Mỹ tiếp tục ký kết nhiều đơn hàng từ các nước quen sử dụng các hệ thống vũ khí do Mỹ cung cấp.
Ngoài ra, tác giả của bản báo cáo Catherine Theohary nhấn mạnh các hợp đồng vũ khí của Mỹ trải rộng trên nhiều loại hình sản phẩm, từ các phần thay thế, đạn dược, huấn luyện đến dịch vụ hỗ trợ. Những sản phẩm này có chi phí đáng kể.
Trong năm qua, Mỹ bán nhiều tên lửa Patriot PAC-3 cho Saudi Arabia. Trong khi đó, Qatar mua tên lửa PAC-3, Javelin và trực thăng Apache của Mỹ.
Trong năm 2016, các hợp đồng quan trọng với Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Việt Nam, Myanmar và Indonesia giúp Nga phát triển kinh doanh vũ khí. Tên lửa và máy bay là những món hàng giúp Nga hút khách dù các hệ thống hải quân không có được sức hấp dẫn như vậy.