Giai đoạn đầu thập niên 1990, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ cực nhanh, kéo theo đó là tiềm lực quốc phòng cũng được phát triển mạnh mẽ. Chi tiêu quân sự của Bắc Kinh đều đặn năm sau cao hơn năm trước 25%, dẫn tới hệ quả tất yếu là các quân binh chủng của họ bước vào thời kỳ hiện đại hóa gấp rút.
Sau hàng thập kỷ đặt niềm tin vào những chiến đấu cơ nội địa như J-7, J-8... Trung Quốc đã nhập khẩu số lượng lớn tiêm kích chiếm ưu thế trên không Sukhoi Su-27SK từ Nga và cả giấy phép để sản xuất trong nước.
Mặc dù được đánh giá là xuất sắc, tuy nhiên Không quân Trung Quốc (PLAAF) cảm thấy như vậy vẫn là chưa đủ, họ cần một chiếc máy bay chiến đấu sở hữu nhiều tính năng ưu việt hơn.
Tiêm kích Su-27SK của Không quân Trung Quốc
Theo một vài nguồn tin, đầu năm 1992, Nga cùng với Trung Quốc đã tiến hành một số cuộc đàm phán xoay quanh thương vụ Moskva sẽ bán cho Bắc Kinh 12 tiêm kích đánh chặn tầm xa MiG-31 Foxhound.
Điều khoản bổ sung còn bao gồm chuyển giao công nghệ để Trung Quốc tự lắp ráp chiếc chiến đấu cơ này tại một nhà máy mới xây dựng ở Thẩm Dương, tốc độ sản xuất dự kiến sẽ là 4 chiếc/tháng, tổng số lượng có thể lên tới 200 máy bay, trong đó chiếc cuối cùng sẽ xuất xưởng vào năm 2000.
Thông tin này khi đó chắc hẳn đã làm nhiều nước láng giềng phải giật mình, nhưng đến thời điểm hiện tại thì mọi việc đã rõ ràng, hợp đồng trên không được thực hiện vì vướng phải một số rào cản kỹ thuật sau đây.
Tiêm kích đánh chặn tầm xa MiG-31
Khi thiết kế MiG-31, các công trình sư Liên Xô đã giao cho nó vai trò đánh chặn máy bay ném bom chiến lược và máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không của đối phương. Do vậy, MiG-31 sở hữu tốc độ cực lớn, radar rất khỏe và được trang bị các loại tên lửa không đối không tầm xa.
Tuy vậy MiG-31 lại bị nhận xét là tương đối nặng nề, kém linh hoạt, khó phát huy tác dụng khi đối đầu những chiếc tiêm kích có độ cơ động cao, thậm chí năng lực không chiến quần vòng của nó còn kém xa Su-27SK.
Bên cạnh đó, MiG-31 là một chiếc chiến đấu cơ đơn nhiệm, thiếu khả năng tấn công mục tiêu mặt đất, mặt nước, đây là điều khó chấp nhận đối với PLAAF vì tham vọng của họ không chỉ đơn thuần là phòng thủ khu vực.
Ngoài ra giá thành khai thác, bảo dưỡng của MiG-31 thuộc hàng đắt đỏ nhất thế giới, các trang thiết bị điện tử của nó áp dụng những công nghệ đã cũ, tiềm năng hiện đại hóa thấp. Hiện tại, năng lực không chiến tầm xa của MiG-31 đã bị Su-30SM hay Su-35S đuổi kịp và qua mặt.
Nguyên nhân cuối cùng cũng rất quan trọng, Nga muốn bán MiG-31 nhưng lại không sẵn sàng chuyển giao tên lửa không đối không tầm xa Vympel R-37, nếu vậy thì sức mạnh của Foxhound sẽ chỉ còn một nửa. Thực tế cũng cho thấy Trung Quốc chưa gặp phải mối đe dọa trên không lớn đến mức phải mua sắm chiếc tiêm kích đánh chặn tầm xa như MiG-31.
Với những lý do trên, Trung Quốc đã quyết định bỏ qua MiG-31 để đặt hàng dòng Su-30MK và sau này là Su-35S. Qua sự việc này, chúng ta cũng nhận thấy rõ hơn chính sách bán vũ khí của Nga cho các quốc gia nằm trong danh sách "Đối tác truyền thống" của họ.