MiG-31 Foxhound là chiếc tiêm kích nhanh nhất thế giới vào thời điểm hiện tại khi đạt tốc độ giới hạn Mach 2,83 (trên 3.000 km/h), thậm chí khi cần thiết thì con số này còn được đẩy đến Mach 3,2, tuy nhiên sẽ gây hư hỏng nặng cho động cơ cũng như ảnh hưởng tiêu cực tới khung thân.
Ước tính sau khi Liên Xô sụp đổ, trong biên chế Không quân Nga có khoảng 152 - 190 chiếc MiG-31/B/BM, họ được bổ sung 18 máy bay MiG-31BM vào năm 2014, con số tổng lên tới 80 chiếc ở thời điểm cuối 2016, ngoài ra còn 100 - 120 chiếc khác đang được gấp rút phục hồi và nâng cấp tại Nhà máy công nghệ cao Sokol và Nhà máy sửa chữa máy bay Rzhevsky để bàn giao trong năm 2018.
Đây là số MiG-31 đã bị rút khỏi trang bị và đưa vào diện niêm cất bảo quản khi kinh tế Nga gặp khó khăn thời kỳ hậu Xô Viết, chúng bao gồm các phiên bản MiG-31, MiG-31 01DZ và MiG-31B. Dự kiến tất cả sẽ được đưa lên chuẩn MiG-31BM sau quá trình hiện đại hóa. Trong những tấm ảnh trên, có lẽ thu hút nhất lại là các bức tranh tường cổ động từ thời Liên Xô.
Với nhiệm vụ chính là tiêu diệt máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không (AWACS) và máy bay ném bom chiến lược của đối phương, MiG-31BM được trang bị radar mảng pha quét thụ động Zaslon-M có tầm hoạt động 300 - 400 km, theo dõi 24 mục tiêu và tiêu diệt 6 trong số đó cùng lúc.
Vũ khí đáng chú ý nhất của MiG-31BM là tên lửa không đối không tầm xa R-37 có tầm bắn 150 - 398 km, tốc độ hành trình Mach 6, sử dụng hệ dẫn đường kết hợp quán tính và radar chủ động, lắp đầu đạn nổ phân mảnh trọng lượng 60 kg.
MiG-31BM thực sự là một chiếc tiêm kích đa năng, đã vượt khỏi khái niệm "đánh chặn" nguyên bản khi có thể thực hiện nhiệm vụ chế áp phòng không đối phương (SEAD) bằng tên lửa chống radar Kh-31P, Kh-58. Bên cạnh đó nó còn tiêu diệt được mục tiêu mặt đất bằng tên lửa Kh-29, hoặc chống hạm bằng tên lửa Kh-31A, Kh-59.
Ước tính biên đội gồm 4 tiêm kích MiG-31BM đủ khả năng kiểm soát không phận phía trước có chiều dài 1.100 km. MiG-31BM khi kết hợp với các loại chiến đấu cơ thế hệ mới sở hữu độ linh hoạt cao như Su-30SM hay Su-35S sẽ tạo ra biên đội tác chiến hỗn hợp cực mạnh cho Không quân Nga.
Không quân Mỹ cũng như NATO chắc chắn sẽ phải đau đầu tìm cách đối phó những chiến đấu cơ cực mạnh này, giải pháp đưa ra không loại trừ sẽ là khôi phục lại dây chuyền sản xuất F-22 hay đẩy nhanh quá trình sản xuất F-35.