Thông tin mới liên quan vụ bắt ông Lưu Bình Nhưỡng

Duy Anh |

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình cho biết, hành vi phạm tội của bị can Lưu Bình Nhưỡng là đồng phạm, với vai trò giúp sức để Phạm Minh Cường cưỡng đoạt tài sản.

3 tỉnh tiến hành rà soát toàn bộ văn bản do ông Lưu Bình Nhưỡng

Báo Tiền phong đưa tin, UBND tỉnh Thanh Hoá đã nhận được văn bản của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình về việc cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ điều tra vụ án Phạm Minh Cường, ông Lưu Bình Nhưỡng và đồng phạm phạm tội Cưỡng đoạt tài sản xảy ra tại huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình.

Để cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ điều tra vụ án hình sự trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu giám đốc các Sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, rà soát, thống kê danh sách và kết quả thực hiện các nội dung tại các văn bản kiến nghị, phiếu chuyển đơn hoặc văn bản khác do ông Lưu Bình Nhưỡng ký với chức vụ Đại biểu Quốc hội hoặc Phó Trưởng ban Ban Dân nguyện Uỷ ban Thường vụ Quốc hội gửi đến, trong thời gian từ tháng 7/2016 đến nay.

Theo đó, danh sách tiếp nhận, xử lý văn bản do ông Lưu Bình Nhưỡng gửi đến bao gồm các thông tin như: Ngày ký văn bản kiến nghị, phiếu chuyển đơn; tên cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi đến ông Lưu Bình Nhưỡng; nội dung kiến nghị của ông Lưu Bình Nhưỡng; đối tượng kiến nghị (tên dự án, vụ án, vụ việc...); nơi nhận văn bản của ông Lưu Bình Nhưỡng; kết quả xử lý, giải quyết; số, ngày văn bản phúc đáp gửi ông Lưu Bình Nhưỡng...

Thông tin mới liên quan vụ bắt ông Lưu Bình Nhưỡng - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng thực hiện lệnh bắt đối với ông Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Bộ Công an

Trước đó, ngày 4/12, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị, địa phương trong tỉnh phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ điều tra vụ án hình sự theo đề nghị từ Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thái Bình đối với vụ án liên quan tới ông Lưu Bình Nhưỡng.

Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố rà soát toàn bộ các văn bản kiến nghị, phiếu chuyển đơn hoặc văn bản khác do ông Lưu Bình Nhưỡng ký với chức vụ Đại biểu Quốc hội hoặc Phó trưởng Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi đến UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố. Bên cạnh đó là kết quả xử lý, trả lời đối với các văn bản của ông Lưu Bình Nhưỡng từ tháng 7/2016 đến nay.

Ngoài 2 tỉnh trên, UBND tỉnh Nam Định cũng đã ra văn bản gửi các sở, ngành; UBND các huyện và thành phố Nam Định đề nghị thực hiện nội dung trên. Đồng thời, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai, thực hiện, gửi thông tin, tài liệu về Thanh tra tỉnh để tổng hợp.

Mối quan hệ giữa Cường “Quắt” và ông Lưu Bình Nhưỡng

Liên quan việc khởi tố, bắt giam ông Lưu Bình Nhưỡng, chiều 7/12 vừa qua, ông Lại Hợp Mạnh - viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã trao đổi thêm đến các đại biểu tại kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Thái Bình khóa XVII.

Thông tin mới liên quan vụ bắt ông Lưu Bình Nhưỡng - Ảnh 2.

Công an tỉnh Thái Bình bắt giữ đối tượng Cường "Quắt" vào tháng 4/2022 (Ảnh: Công an Thái Bình).

Báo Tuổi trẻ dẫn lời ông Mạnh cho biết, việc khởi tố, bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng căn cứ theo kết quả điều tra mở rộng vụ án Phạm Minh Cường (37 tuổi, giang hồ cộm cán với biệt danh Cường "Quắt" và có 3 tiền án) cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp.

Cụ thể, trong giai đoạn từ 2020 - 2022, Cường cùng đồng bọn cưỡng đoạt số tiền gần 5 tỉ đồng của một số doanh nghiệp được UBND tỉnh Thái Bình cấp phép khai thác cát ven biển thuộc xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy.

Để gây sức ép với doanh nghiệp, Cường cùng đồng bọn tự ý cắm cọc lập vây, lập chòi tại các bãi triều có diện tích khoảng 180 ha hòng xác lập quyền sở hữu trái phép để gây sức ép, buộc các doanh nghiệp phải trả tiền theo khối lượng cát khai thác được với giá 1.500 đồng/m³.

Quá trình gây khó dễ cho doanh nghiệp, Cường bị một số nhóm xã hội cản trở dẫn tới việc chiếm đoạt tiền bị giảm sút.

Lợi dụng việc ông Nhưỡng từng nhận Cường là cháu và Cường cho biết ông Nhưỡng là "bố nuôi" nên đã nhờ ông Lưu Bình Nhưỡng can thiệp, tác động với cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình để các nhóm xã hội không gây sự với Cường. Nhờ đó, Cường có thể tiếp tục thực hiện việc cưỡng đoạt tiền của doanh nghiệp.

Theo ông Mạnh, hành vi phạm tội của bị can Lưu Bình Nhưỡng là đồng phạm, với vai trò giúp sức để Phạm Minh Cường cưỡng đoạt tài sản, theo khoản 4, điều 170 Bộ luật Hình sự.

Ông Lưu Bình Nhưỡng là tiến sĩ Luật kinh tế, từng là đại biểu Quốc hội khóa 14 (2016-2021) thuộc đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre, ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Hồi tháng 9/2018, ông Nhưỡng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó trưởng Ban dân nguyện cho đến nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại