Thông báo của Bộ chính trị TQ: Chi tiết lạ về kế hoạch của ông Tập và tín hiệu về "hội nghị bí ẩn nhất"

Hải Võ |

Một loạt thông báo chính sách lớn trong những tuần gần đây của Trung Quốc làm dấy lên đồn đoán liên quan đến "hội nghị bí ẩn" Bắc Đới Hà năm nay - theo Nikkei Asian Review.

Tín hiệu về "hội nghị bí ẩn" của Trung Quốc

"Hội nghị Bắc Đới Hà" trên thực tế là kỳ nghỉ dưỡng hàng năm của các lãnh đạo đương nhiệm và về hưu của Trung Quốc, được cho là tổ chức vào khoảng tháng 7-8, tại khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà, thành phố Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc.

Hội nghị Bắc Đới Hà được mô tả là "hội nghị bí ẩn nhất Trung Quốc", có nguồn gốc từ khi lãnh tụ Mao Trạch Đông của nước này bắt đầu thực hiện cơ chế "làm việc mùa hè" tại khu nghỉ này hồi thập niên 1950. Ngày nay, cơ chế này không còn hoạt động, song kỳ nghỉ dưỡng ở Bắc Đới Hà vẫn được các nhà quan sát xem là dịp để các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc "tề tựu", trao đổi và đưa ra nghị trình cho tương lai đất nước.

Nikkei cho hay, tính đến ngày thứ Năm, 6/8, chưa có báo cáo nào đề cập sự hiện diện của các lãnh đạo Trung Quốc ở khu nghỉ dưỡng ven biển này. Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa được truyền thông nhà nước đưa tin có mặt trong chuyến công tác tại Tây Tạng hôm 3/8.

Tuy nhiên, theo phân tích trên trang Đa Chiều, trong các chương trình Thời sự vào 19h hàng ngày kể từ hôm 1/8 không xuất hiện các bản tin về hoạt động công khai của 7 thành viên Ban thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc, dù Bắc Kinh vẫn phát đi điện thăm hỏi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi đến Lebanon để chia buồn về vụ nổ kinh hoàng ở Beirut mới đây, khiến hơn 5.000 người thương vong.

Trong những năm gần đây, sự "biến mất tập thể" trên truyền thông nhà nước của các lãnh đạo Trung Quốc thường được cho là tín hiệu mở đầu của kỳ nghỉ ở Bắc Đới Hà. Dù vậy, truyền thông Trung Quốc đến nay vẫn chưa đưa "bản tin thông lệ" về việc ban lãnh đạo thăm hỏi các chuyên gia, nhà khoa học,... được mời tới nghỉ dưỡng hàng năm tại đây.

Theo Đa Chiều, dù "hội nghị Bắc Đới Hà" ngày nay không còn giữ được vai trò và ảnh hưởng truyền thống trong nghị trình của đất nước, song đây vẫn là cơ hội để các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc tham gia thảo luận về các phương hướng, chiến lược lớn, giữa bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung Quốc xuống thấp nhất kể từ khi thiết lập quan hệ chính thức năm 1979, Trung Quốc đang tìm cách vượt qua tác động của đại dịch Covid-19,...

Thông báo của Bộ chính trị TQ: Chi tiết lạ về kế hoạch của ông Tập và tín hiệu về hội nghị bí ẩn nhất - Ảnh 2.

Ông Tập Cận Bình chủ trì một phiên thảo luận của Bộ chính trị Trung Quốc (Ảnh: Xinhua)

Ông Tập quyết liệt hướng đến mục tiêu dài hơi

Trong khi đó, Nikkei tin rằng có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh hiện nay không còn hào hứng với "hội nghị phi chính thức" kể trên. Trung Quốc đã công bố thời gian tổ chức các sự kiện chính trị quan trọng sắp tới, thay vì chờ đợi kỳ nghỉ dưỡng ở Bắc Đới Hà kết thúc như thông lệ.

Thông cáo của Tân Hoa Xã sau phiên họp của Bộ chính trị Trung Quốc ngày 30/7 xác nhận Hội nghị toàn thể trung ương 5 khóa XIX của đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ được tổ chức vào tháng 10 tới.

Nikkei chỉ ra, kể từ khi ông Tập trở thành lãnh đạo Trung Quốc vào năm 2012 đến nay, thời gian tổ chức các hội nghị trung ương chỉ được thông báo trước sự kiện 1-2 tháng và sau khi kỳ nghỉ Bắc Đới Hà khép lại.

Ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc sẽ nhóm họp tại Bắc Kinh từ ngày thứ Bảy, 8/8, đến ngày 11/8. Hầu hết quan chức cấp cao sẽ có mặt tại thủ đô trong những ngày này, theo Nikkei, cho thấy kỳ nghỉ ở Bắc Đới Hà năm nay - nếu có - được rút ngắn hơn nhiều so với các năm trước đây.

Bản tin của Tân Hoa Xã ngày 30/7 cũng cho hay tại Hội nghị trung ương 5, Ban chấp hành trung ương ĐCSTQ sẽ đánh giá các đề xuất xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm lần thứ 14 (2021-2025), cùng các mục tiêu tương lai đến năm 2035.

Trong khi thúc đẩy công cuộc hiện đại hóa qua nhiều năm, Trung Quốc vẫn duy trì một vài mô hình của nền kinh tế kế hoạch, mà Kế hoạch 5 năm là một trong số đó. Nghị trình này xuất hiện ở Hội nghị trung ương 5 không phải là thông tin đáng ngạc nhiên, song "các mục tiêu tương lai đến năm 2035" - nghị trình chưa có tiền lệ - đã làm dấy lên nhiều sự quan tâm.

Giữa bối cảnh tương lai gần ngày càng trở nên khó lường, đặc biệt khi dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành trên thế giới, việc tìm ra lộ trình cho 15 năm tiếp theo dường như là xa vời ngay cả với tư duy chiến lược của Trung Quốc. Nikkei mô tả điều này giống như hoạch định liền ba Kế hoạch 5 năm.

Tại Trung Quốc hiện nay, nhiều chương trình của chính phủ đặt thời hạn hoàn thành vào năm 2035, bao gồm khu kinh tế mới Hùng An - đô thị mới quy mô lớn ở tỉnh Hà Bắc có sự ủng hộ mạnh mẽ của ông Tập.

Hồi cuối tháng 7, ông Tập tuyên bố Hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu của Trung Quốc đã chính thức vận hành toàn cầu. Một quan chức phụ trách hệ thống khẳng định đến năm 2035 nó sẽ được nâng cấp.

Nikkei tin rằng kế hoạch dài hơi hướng đến năm 2035 đang là "trái tim" trong chính sách của ông Tập Cận Bình, và Trung Quốc sẽ thực thi lộ trình này một cách độc lập với các chính sách đối ngoại, nếu như chính sách trong nước đòi hỏi điều đó.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại