Thời cơ Mỹ "săn con mồi" Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, Nga "rung đùi" hưởng lợi

Trương Mạnh Kiên |

Chính quyền Joe Biden dường như đang muốn quay trở lại đấu trường Syria, sẵn sàng đối đầu với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ. Sau tất cả, Nga lại được nhìn thấy NATO chia rẽ.

Mỹ-Thổ lại đối đầu ở Syria

Tháng 11 năm ngoái, Mỹ đã chứng kiến ​​ cuộc bầu cử Tổng thống gay cấn, mang đến rất nhiều sự thay đổi được cho là sẽ tác động lớn đến chính sách đối ngoại của Washington.

Chính quyền mới của Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần cho thấy ý định đưa ra một số điều chỉnh đối với tình hình hiện tại ở Trung Đông, trong đó tái tạo lại định dạng quan hệ với các cường quốc trong khu vực như Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời thúc đẩy hợp tác với người Kurd, đồng minh chính của Mỹ ở Syria.

Rõ ràng, những nỗ lực đầy tham vọng của Nhà Trắng đã không nhận được sự hoan nghênh rộng rãi trong khu vực.

Đặc biệt trong số đó là sự không hài lòng của Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia vẫn kiên định với chính sách đối đầu với người Kurd ở Syria, đặc biệt là Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân Người Kurd (YPG) thuộc Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) - một tổ chức mà Ankara coi là khủng bố và là mối đe dọa an ninh chính.

Sức mạnh ngày càng tăng của SDF dưới sự bảo hộ của Mỹ đã đi ngược lại lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ, theo Modern Diplomacy.

Về phần mình, chính sách đối ngoại gây tranh cãi của Ankara gần đây đã khiến nước này bị mang tiếng là một quốc gia “xâm lược” trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ hiện có quan hệ khá căng thẳng với cả các quốc gia châu Âu và Trung Đông.

Không những vậy, hợp đồng mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga đã gây ra rạn nứt giữa giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và chính quyền Mỹ.

Giới chức Mỹ bày tỏ lo ngại về tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria và kêu gọi chính quyền Joe Biden gây áp lực lên các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đồng tình với quan điểm này, cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ “không hành động như một đồng minh” và gọi thương vụ S-400 là “không thể chấp nhận được”.

Trong một động thái không nhượng bộ, phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin kêu gọi Tổng thống Mỹ ngừng hỗ trợ người Kurd, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng tiếp tục cuộc chiến “chống khủng bố” ở Syria.

Thời cơ Mỹ săn con mồi Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, Nga rung đùi hưởng lợi - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Kết cục

Như đổ thêm dầu vào lửa, các khu vực phía Bắc Syria do phe đối lập Syria có liên kết với Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát đang chứng kiến ​​sự gia tăng của các cuộc tấn công thường được đổ lỗi cho các phần tử người Kurd.

Trong ví dụ mới nhất, một loạt vụ nổ đã xảy ra ở các thành phố Azaz, Afrin và Al-Bab, dẫn đến cái chết của hơn 20 thường dân. Điều này được cho là sẽ khiến Ankara cảm thấy phẫn nộ và tiếp tục với mục tiêu xóa bỏ người Kurd hơn bao giờ hết.

Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu Thổ Nhĩ Kỳ - với lời lẽ đanh thép chống lại người Kurd - có thực sự đủ can đảm để đối đầu và sẵn sàng phá hỏng mối quan hệ với một đồng minh NATO được coi là mạnh hơn như Mỹ hay không?

Lúc này, hàng loạt thách thức ngoại giao đang bao trùm lên nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, khiến ông phải đưa ra lựa chọn khó xử, một bên là cuộc chiến chống lại chính quyền người Kurd ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và một bên là duy trì quan hệ với đồng minh chủ chốt.

Thời cơ Mỹ săn con mồi Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, Nga rung đùi hưởng lợi - Ảnh 3.

Mỹ có khả năng sẽ quay trở lại Syria, nối dài thêm những xung đột mới.


Điều đáng chú ý là trước khi nhậm chức, ông Joe Biden đã chỉ trích quyết định rút quân Mỹ khỏi Syria của chính quyền Donald Trump và coi đây là một “sự phản bội” ​​đối với đồng minh khu vực của Mỹ là SDF.

Nếu ông Biden kiên định với lập trường này đối với người Kurd, Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể nhận được bất kỳ nhượng bộ nào từ Washington.

Rất khó để nói một cách chắc chắn về kết quả của cuộc đối đầu leo ​​thang giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, bằng cách theo đuổi một chính sách quyết đoán như vậy ở Syria và tìm cách loại bỏ “mối đe dọa” người Kurd, Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ không chỉ bị mang tiếng là “kẻ xâm lược” trong khu vực mà còn khiến hàng loạt đồng minh quay lưng.

Thời gian sắp tới sẽ cho thấy liệu chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan có thể kiềm chế tham vọng chính trị của mình vì lợi ích duy trì quan hệ đối tác chiến lược quan trọng với Mỹ, hay Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đi theo con đường của một "giải pháp cuối cùng" cho câu hỏi về người Kurd, phớt lờ tất cả.

Nhưng có một điều rõ ràng, khi chính quyền Biden đưa Mỹ trở lại Syria, sẵn sàng leo thang căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ - và ở thế ngược lại – Ankara cũng không tỏ ra nhượng bộ, Nga sẽ là quốc gia ở giữa hưởng lợi từ sự căng thẳng giữa hai đồng minh phương Tây một lần nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại