"Khất nợ" bất thành, Ukraine tiến sát bờ vực vỡ nợ: Nguy cơ mất luôn nguồn tiền then chốt để đấu Nga

Hữu Hiển |

Bộ trưởng Tài chính Ukraine Sergey Marchenko cho biết, nền kinh tế nước này đang trong một "sự cân bằng mong manh" phụ thuộc vào sự hỗ trợ nhất quán và đáng kể từ các đối tác.

Theo Reuters, Chính phủ Ukraine hôm 17/6 tuyên bố họ đã không đạt được thỏa thuận với một nhóm trái chủ nước ngoài bao gồm các gã khổng lồ tài chính BlackRock và Pimco của Mỹ về việc tái cơ cấu 20 tỷ USD trái phiếu châu Âu của Ukraine.

Vào tháng 2/2022, các trái chủ đã cho Ukraine được khoanh nợ trong hai năm do xung đột với Nga. Nhưng thỏa thuận đó sẽ kết thúc vào tháng 8 tới và các trái chủ đang nghi ngờ về việc Kiev có thể bắt đầu trả lãi nợ của mình.

"Khất nợ" bất thành, Ukraine tiến sát bờ vực vỡ nợ: Nguy cơ mất luôn nguồn tiền then chốt để đấu Nga- Ảnh 1.

Theo Reuters, Ukraine có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ nếu việc giảm nợ không được thực hiện; điều này sẽ làm tổn hại đến xếp hạng tín dụng của Kiev và làm khó nước này khi đi vay trong tương lai. Ảnh: NDTV

Các cuộc đàm phán chính thức giữa Kiev và một ủy ban chủ nợ đặc biệt nắm giữ 1/5 trong số 20 tỷ USD trái phiếu châu Âu đang tồn đọng của nước này đã được tiến hành trong gần hai tuần. Ukraine đang kêu gọi các trái chủ chấp nhận giảm giá trị khoản nợ khi cố gắng đáp ứng yêu cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về cơ cấu lại trái phiếu nhằm duy trì khả năng tiếp cận thị trường quốc tế.

"Mặc dù Ukraine và Ủy ban chủ nợ đặc biệt không đạt được thỏa thuận về các điều khoản tái cơ cấu trong thời gian tham vấn, [họ] sẽ tiếp tục tham gia và thảo luận mang tính xây dựng thông qua các cố vấn tương ứng của họ", Chính phủ Ukraine cho biết trong một tuyên bố, đồng thời cho biết thêm sẽ đàm phán với các nhà đầu tư khác.

Bộ trưởng Tài chính Ukraine Sergey Marchenko xác nhận rằng các cuộc đàm phán với các trái chủ sẽ tiếp tục và nói thêm rằng ông dự kiến sẽ đạt được thỏa thuận trước ngày 1/8 tới.

Theo ông Marchenko, nền kinh tế Ukraine đang ở trong một "sự cân bằng mong manh" phụ thuộc vào sự hỗ trợ nhất quán và đáng kể từ các đối tác.

"Việc tái cơ cấu nợ kịp thời là một phần quan trọng của sự hỗ trợ này. Quân đội mạnh phải được củng cố bởi nền kinh tế mạnh để giành chiến thắng trong các cuộc chiến", ông Marchenko lập luận.

Trang Investing dẫn một nguồn thạo tin cho biết, điều có thể tạo ra sự khác biệt là IMF sẽ đưa ra những ước tính mới về nền kinh tế Ukraine trong vài tuần tới như một phần của đợt đánh giá lần thứ tư về chương trình hỗ trợ trị giá 15,6 tỷ USD mà tổ chức này đã dành cho Ukraine vào năm ngoái.

Một mặt, việc quân đội Nga đang tiến vào thành phố lớn thứ hai của Ukraine là Kharkiv và các cuộc tấn công đã triệt tiêu một nửa năng lực sản xuất điện của Ukraine trong những tháng gần đây có thể đồng nghĩa với việc các số liệu có thể trở nên tồi tệ hơn. 

Chính phủ Ukraine cảnh báo trong tuyên bố hôm 17/6 rằng “các cấu trúc minh họa và kinh tế liên quan” từ số liệu của IMF có thể sẽ được điều chỉnh giảm xuống trong lần đánh giá thứ tư.

Tuy nhiên, cùng lúc đó, các nước G7 vừa đồng ý sử dụng lợi nhuận từ tài sản bị đóng băng của Nga để cung cấp cho Ukraine khoản vay 50 tỷ USD nhằm giúp nước này tái vũ trang quân đội và xây dựng lại nền kinh tế.

Theo Investing, những khó khăn trong cuộc đàm phán với các trái chủ đã phản ánh sự không chắc chắn về những gì sẽ xảy ra trong cuộc chiến và số nợ mà nền kinh tế Ukraine sẽ có thể gánh sau đó.

Nếu không đạt được thỏa thuận nào, Ukraine có thể sẽ vỡ nợ vào tháng 8, trừ khi nước này quyết định bắt đầu thanh toán lại hoặc gia hạn thỏa thuận khoanh nợ hiện tại.

Tuy nhiên, vấn đề lớn là nếu Kiev không cắt giảm mức nợ, IMF có thể chịu áp lực phải tạm dừng chương trình hỗ trợ quan trọng của mình, vì tài chính của Ukraine sẽ bị coi là quá không bền vững.

Theo Reuters, kể từ khi bắt đầu xung đột với Nga, Ngân hàng Thế giới (WB) và IMF đã cung cấp hơn 85 tỷ USD tiền tài trợ cho ngân sách nhà nước của Ukraine.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại