Ông Trump tuyên bố giải quyết vấn đề Ukraine ngay khi đắc cử: Kịch bản đảo chiều 180 độ với Kiev?

Hữu Hiển |

Các đồng minh của Ukraine đang nỗ lực đảm bảo viện trợ dài hạn cho Kiev trong bối cảnh lo ngại về nhiệm kỳ tổng thống Mỹ thứ hai có thể diễn ra của ông Donald Trump.

Theo tờ Politico, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 15/6 đã chỉ trích quy mô hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine và nói rằng nếu ông tái đắc cử vào tháng 11, ông sẽ ngay lập tức "giải quyết vấn đề đó".

Ông Trump tuyên bố giải quyết vấn đề Ukraine ngay khi đắc cử: Kịch bản đảo chiều 180 độ với Kiev?- Ảnh 1.

Ông Donald Trump phát biểu tại chiến dịch tranh cử ở Detroit, Mỹ, vào ngày 15/6/2024. Ảnh: Viory

Trong một chiến dịch vận động tranh cử ở Detroit, ông Trump đã chỉ trích Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, gọi ông Zelensky là "nhà buôn vĩ đại nhất mọi thời" vì nỗ lực của Kyiv nhằm đảm bảo sự hỗ trợ của Mỹ trong việc bảo vệ Ukraine trong hơn hai năm qua trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.

"Ông ấy [Zelensky] vừa rời đi bốn ngày trước với 60 tỷ USD, khi về đến nhà, ông ấy thông báo rằng ông ấy cần thêm 60 tỷ USD nữa. Điều đó không bao giờ kết thúc", ông Trump nói.

Ông Trump - ứng cử viên được cho là của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ - cho biết: "Tôi sẽ giải quyết vấn đề đó trước khi nhậm chức Tổng thống đắc cử vào Nhà Trắng."

Theo tờ Kiyv Independent, tuyên bố của ông Trump có những điểm không chính xác về viện trợ của Mỹ cho Ukraine, vì dự luật viện trợ nước ngoài trị giá gần 61 tỷ USD cho Ukraine đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký vào cuối tháng 4.

Ông Trump trước đó từng tuyên bố rằng ông sẽ từ chối hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay. Ông Trump cũng tuyên bố Nga sẽ không phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi 2022 nếu ông giành được nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2020 (trên thực tế ông Trump đã thất bại trước ông Biden).

Theo Politico, các đồng minh phương Tây của Ukraine đang nỗ lực đảm bảo sự hỗ trợ lâu dài cho Kiev trong bối cảnh lo ngại rằng trong trường hợp ông Trump tái đắc cử có thể làm giảm sự hỗ trợ của Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước đã gia hạn bảo đảm an ninh lâu dài cho Ukraine. Điều đó diễn ra sau sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ vào tháng 4 về khoản viện trợ hơn 60 tỷ USD cho Ukraine.

Theo Politico, các nước NATO vào tuần trước cũng đã lên kế hoạch để liên minh này tiếp quản việc điều phối viện trợ quân sự cho Ukraine thay Mỹ, một sự thay đổi được nhiều người coi là nỗ lực nhằm "chống lại ông Trump".

Hôm 15/6, tại Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine kéo dài hai ngày ở Thụy Sĩ, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã công bố gói viện trợ trị giá 1,5 tỷ USD cho Ukraine, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng và hỗ trợ nhân đạo.

Cũng tại Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine, 12 quốc gia và tổ chức tham dự đã từ chối ký thông cáo chung kết thúc hội nghị, dựa trên danh sách các quốc gia đã ký vào tuyên bố chung, RIA Novosti đưa tin hôm 16/6.

Theo danh sách, Armenia, Brazil, Ấn Độ, Saudi Arabia, Nam Phi và UAE nằm trong số các quốc gia không ký tuyên bố chung, cũng như 4 tổ chức bao gồm Liên hợp quốc và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Trong khi đó, 79 quốc gia - bao gồm Hungary, Serbia, Argentina, Türkiye và Georgia - cũng như 4 tổ chức quốc tế đã cùng Ukraine phê chuẩn tài liệu này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại