Theo trang Russia Beyond, nỗ lực trồng chuối ở Nga lần đầu tiên diễn ra vào giữa thế kỷ 18. Năm 1754, một cây chuối giống được chuyển đến nhà kính của Bá tước Peter Shuvalov ở St. Petersburg từ Châu Âu. Một năm sau, cây đã cao tới 2,5 mét và ra nhiều quả.
Chẳng bao lâu sau, loài cây này đã tìm được chỗ đứng trong khu vườn của Sa hoàng. Những trái chuối ngon nhất đã được bày lên bàn ăn của Nữ hoàng Nga Elizabeth Petrovna (1709 - 1762).
Giới quý tộc Nga đã cố gắng noi gương những người trị vì và cũng bắt đầu trồng chuối, nhưng không hiệu quả lắm - người ta chưa bao giờ nhìn thấy cây ra quả.
Theo Russia Beyond, trong 100 năm tiếp theo, chuối sẽ vẫn là một thứ gây tò mò, ngay cả đối với tầng lớp quý tộc Nga.
Những ghi chép còn được lưu giữ lại cho biết, vào giữa thế kỷ 19, nhà văn Nga Ivan Goncharov đã nhìn thấy một loại trái cây khác thường ở Madeira (quần đảo của Bồ Đào Nha) trong chuyến du lịch của mình. Khi biết đó là chuối, ông liền muốn ăn thử và đã thất vọng.
Ông ghi lại cảm nhận trong cuốn sách "Frigate Pallada" của mình rằng: "Tôi đã thử nó - tôi không thích nó: nó nhạt nhẽo, hơi ngọt một chút, nhưng dẻo và ngầy ngậy, vị như bột, hơi giống cả khoai tây và dưa, chỉ là không ngọt như dưa và không có hương vị của dưa, hoặc có mùi hương thô ráp của riêng nó. Nó giống một loại rau hơn là một loại trái cây, và trong số các loại trái cây, nó là một loại 'parvenu' ('mới nổi')."
Tuy nhiên, theo Russia Beyond, vào đầu thế kỷ 20, chuối đã được cung cấp cho những người dân thường ở St. Petersburg, khi chúng bắt đầu được vận chuyển tới với số lượng lớn trên các tàu hơi nước có kho lạnh từ Châu Mỹ và Châu Âu. Kết quả là, giá bán chuối trở nên phải chăng hơn và các nhà hàng ở St. Petersburg bắt đầu thử nghiệm các món ăn với chuối.
Trong Cách mạng Tháng Mười Nga (năm 1917) và hai cuộc Chiến tranh thế giới vào thế kỷ 20, công dân Liên Xô không quan tâm đến chuối ở nước ngoài.
Nhưng sau Thế chiến thứ hai, chuối lại trở nên phổ biến và bắt đầu được nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc. Chuối Việt Nam được đưa tới đến Liên Xô để đổi lấy quân nhu và viện trợ tài chính. Chuối được vận chuyển khi còn xanh, chưa chín rồi được để cho chín vàng.
Lãnh tụ Liên Xô Joseph Stalin được biết đến là một người rất thích ăn chuối. Chuối còn được tặng cho các quan chức thân cận và lao động tiên tiến như một phần thưởng cho sự đóng góp của họ.
Theo Russia Beyond, đến cuối những năm 1960, do chiến tranh tại Việt Nam và mối quan hệ của Liên Xô với Trung Quốc xấu đi, các chuyến hàng chuối từ châu Á đã dừng lại.
Vào những năm 1970-1980 dưới thời nhà lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev, chuối từ Việt Nam và Trung Quốc được thay thế bằng chuối đến từ Guinea và Ecuador. Chuối không còn quá đắt nữa, nhưng chúng vẫn còn là một mặt hàng xa lạ và vẫn có rất nhiều người Nga xếp hàng dài ở Moscow và St. Petersburg để mua được chuối.
Trước perestroika (những cải cách trong cơ cấu kinh tế và chính trị Liên Xô do Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev khởi xướng vào năm 1985-1991), việc nhập khẩu trái cây ngoại được miễn thuế hải quan, điều này góp phần làm cho chuối giảm giá nhiều hơn và thị trường trở nên bão hòa.
Ngày nay, chuối có thể được mua ở bất kỳ cửa hàng nào ở Nga.