Thoả thuận Nga - Thổ: Tổng thống Erdogan đạt lợi ích quan trọng, nhưng chỉ tạm thời

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R. Erdogan phải thừa nhận một thực tế mới tại Idlib và đồng ý tiếp tục thực hiện thoả thuận Sochi năm 2018.

Thoả thuận ngừng bắn hoàn toàn ở Idlib: Thành công lớn nhất của ông Erdogan

Ngày 5/3/2020, tại điện Kremlin đã dễn ra cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Nga V. Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R. Erdogan nhằm thảo luận tình hình căng thẳng leo thang tại Idlib của Syria. Sau 6 giờ đàm phán, hai bên đã ký một thoả thuận chung với nội dung chính như sau:

1. Ngừng tất cả các hành động quân sự trên đường giáp ranh hiện nay trong khu vực Idlib để giảm leo thang căng thẳng, kể từ 0 giờ ngày 6/3/2020.

2. Thành lập hành lang an toàn 6 km về phía bắc và 6 km về phía nam từ đường quốc lộ M4. Việc xác định khoảng cách chính xác cho hành lang này sẽ được phối hợp thông qua các kênh liên lạc giữa hai Bộ quốc phòng Liên bang Nga và Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng 7 ngày.

3. Bắt đầu tiến hành các cuộc tuần tra chung giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15/3/2020 dọc theo quốc lộ M4, từ thị trấn Tarnbah cách thành phố Saraqeb 2 km, đến thị trấn Ain Al-Hour.

Như vậy, sau hơn một tuần chiến sự ác liệt, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được tiếng nói chung về tình hình Idlib. Thoả thuận đạt được là cơ sở cho việc ngừng tất cả các hành động quân sự tại khu vực giảm căng thẳng Idlib, góp phần chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo, tạo điều kiện để tiếp tục tiến trình hoà bình giữa các bên xung đột tại Syria.

Thoả thuận Nga - Thổ: Tổng thống Erdogan đạt lợi ích quan trọng, nhưng chỉ tạm thời - Ảnh 1.

Khu vực Idlib. Ảnh: Sputnik.

Thoả thuận này mang tên "Nghị định thư bổ sung cho thoả thuận về việc thiết lập sự ổn định và giảm leo thang căng thẳng tại khu vực Idlib" được ký ngày 17/9/2018 tại Sochi. Như vậy, Thoả thuận Sochi vẫn được giữ nguyên với nội dung rất cơ bản là:

"Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, quyết tâm chống mọi hình thức khủng bố, đặc biệt là các tổ chức đã được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc liệt kê vào danh sách khủng bố."

Có thể nói, thành công lớn nhất của Tổng thống R. Erdogan đạt được trong cuộc gặp Tổng thống V. Putin tại Moskva là thoả thuận ngừng bắn hoàn toàn ở khu vực Idlib, tránh được cuộc đối đầu trực diện với quân đội Syria được các lực lượng vũ trang Nga, Iran và Hezbollah tập trung tại đây và đang trên đà tiến công.

Điều này có nghĩa là Ankara phải chấp nhận giữ nguyên hiện trạng tình hình sau khi quân đội Syria đã giải phóng và kiểm soát được các làng mạc và thị trấn ở tỉnh Idlib với diện tích hơn 600 km2, bao gồm cả thành phố chiến lược Saraqeb. Như vậy, thời hạn mà Tổng thống R. Erdogan đưa ra đòi quân Syria rút về giới tuyến trước ngày 27/2/2020, tức là trước khi quân Syria mở cuộc tấn công vào Idlib không có giá trị gì. Ông R. Erdogan buộc phải chấp nhận một thực tế mới.

Chiến lược của Tổng thống Putin

Chiến lược của Tổng thống V.Putin trong việc giải quyết cuộc xung đột Syria là bước đầu dùng sức mạnh quân sự tấn công chiếm một loạt khu vực ở Idlib, sau đó củng cố giữ các vị trí này thông qua các thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ là người ủng hộ các nhóm vũ trang thuộc phe đối lập, thành lập các đội tuần tra chung giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, thiết lập các trạm giám sát quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ để giám sát lệnh ngừng bắn. Chiến lược này trên thực tế đã vô hiệu hoá chiến dịch quân sự "Lá chắn mùa Xuân" của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn chặn bước tiến của quân đội Syria.

Lập trường của Nga là hết sức rõ ràng như đã được phát ngôn viên của Tổng thống V. Putin, D. Peskov nêu rõ trước khi ông R. Erdogan đến Moskva. 

Đó là Quân đội Syria mở cuộc tấn công vào Idlib được Nga ủng hộ là đúng theo tinh thần của Thỏa thuận Sochi do Thổ Nhĩ Kỳ không thực hiện các cam kết của mình trong việc tách các nhóm khủng bố vũ trang, đặc biệt là Mặt trận al-Nusra và Hayat Tahrir al-Sham ra khỏi các tổ chức đối lập ôn hoà. Đây là điều Nga hoàn toàn không thể nhân nhượng.

Tổng thống V. Putin khẳng định với Tổng thống R. Erdogan, chính các hành động khiêu khích của các chiến binh ở Idlib đã dẫn đến bùng nổ chiến sự, làm nhiều binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ bị thiệt mạng. Điều này có nghĩa là Nga ngầm bác bỏ việc Ankara đổ lỗi cho Syria về tình hình leo thang căng thẳng vừa qua ở Idlib và thừa nhận quan điểm của Nga.

Đáng chú ý, thoả thuận Moskva hoàn toàn không đề cập gì đến con đường bộ cao tốc M5 nối Aleppo với Damascus và các cuộc tuần tra chung giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ chỉ giới hạn dọc theo quốc lộ M4 nối Aleppo với Latakia. Điều này có nghĩa là con đường M5 sẽ hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm vũ trang thân Ankara sẽ không có bất kỳ vai trò an ninh nào đối với quốc lộ huyết mạch này. Đây là bước đột phá rất quan trọng đối với nền kinh tế, cũng như chủ quyền và uy tín quốc gia của nhà nước Syria, đồng thời là bàn đạp để tấn công tiêu diệt bọn khủng bố.

Việc thành lập một hành lang an toàn trong khu vực Idlib theo thoả thuận có nghĩa là cho phép dân thường Syria rời khỏi thành phố để đi đến các khu vực do quân đội Syria kiểm soát, giống như đã từng làm trước đây ở Đông Aleppo, khu vực thung lũng Ghouta và miền nam Syria. Như vậy, các lực lượng khủng bố sẽ bị cô lập và không thể dùng dân thường làm lá chắn cho mình nữa.

Thực chất của thỏa thuận Moskva

Thoả thuận Moskva lần này giữa Tổng thống V. Putin và Tổng thống R. Erdogan thực chất là một văn bản bổ sung cho Thoả thuận Sochi năm 2018, phản ánh những thay đổi mới trên mặt trận Idlib, khẳng định những thành quả giành được của quân đội Syria và Nga trong chiến dịch quân sự vừa qua.

Điều có ý nghĩa hết sức quan trọng là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa nhất trí "cuộc xung đột Syria chỉ có thể được giải quyết thông qua một tiến trình chính trị do chính người Syria lãnh đạo và thực hiện, với sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc theo Nghị quyết 2254 (2015) của Hội đồng Bảo an".

Thỏa thuận mới giữa Moskva và Ankara sẽ cho phép thực hiện các thỏa thuận song phương đã đạt được trước đó về khu vực giảm căng thẳng ở Idlib, góp phần ngăn chặn các cuộc khủng hoảng mới ở Syria, đặc biệt là các hành động quá khích của các tổ chức khủng bố.

Thoả thuận này khẳng định Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vẫn là đối tác chiến lược trong các vấn đề chính trị, kinh tế, quân sự và việc hợp tác giữa hai nước đóng vai trò rất quan trọng trong trong việc tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột Syria và các vấn đề của khu vực Trung Đông, bất chấp những âm mưu của một số thế lực nhằm chia rẽ Ankara với Moskva.

Điều lo ngại lớn nhất đối với Tổng thống Erdogan là một số người tị nạn lớn sẽ vượt biên vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ vốn đang phải cưu mang hơn ba triệu người tỵ nạn Syria. Thoả thuận thành lập một hành lang an toàn cho người tỵ nạn di chuyển sang các khu vực do chính quyền Syria kiểm soát sẽ góp phần làm giảm mức độ lo ngại của ông về vấn đề này.

Thoả thuận Nga - Thổ: Tổng thống Erdogan đạt lợi ích quan trọng, nhưng chỉ tạm thời - Ảnh 3.

Tổng thống Erdogan đã đạt được một lợi ích quan trọng, nhưng có lẽ chỉ là tạm thời. 

Đó là tránh được nguy cơ leo thang căng thẳng và đối đầu quân sự với các lực lượng Syria và Nga khi Nga đã đưa một lực lượng lớn hải quân và không quân đến Địa Trung Hải sát bờ biển Syria để gây sức ép buộc Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện các điều khoản của Thỏa thuận Sochi.

Nguy cơ xung đột quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ở Idlib có thể đã chấm dứt, nhưng Ankara vẫn phải đối phó với ba vấn đề không kém phần phức tạp: Thứ nhất là bất đồng với Liên minh châu Âu (EU) trong vấn đề người tỵ nạn. 

Thứ hai là ông Erdogan phải đối phó với sự phản đối mạnh mẽ trong nước chống lại việc đưa quân sang Syria và Libya không được sự đồng ý của Quốc hội làm nhiều binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ bị thiệt mạng, dẫn đến đối đầu căng thẳng không cần thiết với Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại