Thỏa thuận hạt nhân Iran và 2 mặt trận ngầm

Hải Ngọc |

Một trong những nỗ lực quyết liệt nhất nhằm cứu thỏa thuận hạt nhân Iran đang được dẫn dắt bởi cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Cách đây 2 tuần, ông Kerry đến trụ sở Liên Hiệp Quốc ở TP New York để gặp gỡ Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif.

Đây là lần thứ hai trong vòng 2 tháng họ gặp nhau để tìm cách cứu thỏa thuận mà họ tốn nhiều năm liền đàm phán mới thành công vào năm 2015.

Theo các nguồn tin, vào tháng 4, ông Kerry gặp Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, gọi điện cho đại diện cấp cao về đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini. Cựu ngoại trưởng Mỹ còn gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ở cả Paris và New York. Ông cũng gọi điện cho hàng chục nghị sĩ Mỹ, bao gồm Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan.

Dù vậy, theo báo Boston Globe, chiến dịch vận động của ông Kerry và các đồng sự diễn ra lặng lẽ bởi họ tin rằng nếu các nhân vật chủ chốt của Đảng Dân chủ lên tiếng thì sẽ phản tác dụng và chọc giận Tổng thống Donald Trump - người luôn chỉ trích thỏa thuận trên không đủ mạnh tay với Iran và sẽ quyết định Mỹ tiếp tục tuân thủ hay rút khỏi thỏa thuận vào ngày 12-5.

Thay vào đó, Boston Globe cho hay cựu ngoại trưởng đang vận dụng các mối quen biết để gây sức ép với chính quyền ông Trump từ bên ngoài - bao gồm từ các nước châu Âu và cả Israel... Một trong những dấu hiệu thành công, theo ông Kerry, là bức thư do 26 cựu quan chức an ninh và quân đội cấp cao Israel cùng ký tên với nội dung thúc giục Mỹ duy trì thỏa thuận.

Từ phía Iran, nếu thỏa thuận hạt nhân đổ vỡ, nước này sẽ lại chứng kiến những cuộc đấu đá chính trị trỗi dậy. Để đối phó Tổng thống Trump, các phe phái ở Iran có thể đoàn kết bề mặt nhưng "khi khủng hoảng qua đi, phe cứng rắn sẽ tìm cách loại Tổng thống Hassan Rouhani ra lề", theo các quan chức và nhà phân tích chính trị nước này. Chuyên gia Hamid Farahvashian cho hay phe ôn hòa và cải cách, vốn ủng hộ chính sách xuống thang căng thẳng với phương Tây của Tổng thống Rouhani, cũng có thể suy yếu.

Nếu ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt với Iran, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ ngần ngại đầu tư vào nước này và một lần nữa Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) thống trị nền kinh tế. Kịch bản này càng tạo thêm nguy cơ cho ông Rouhani, người luôn tìm cách hạn chế hoạt động kinh tế của IRGC để thu hút đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, theo Reuters, ngay cả có IRGC hậu thuẫn, phe cứng rắn ở Iran cũng không dám quá mạnh tay vì sợ tái diễn các cuộc biểu tình chống chính phủ rầm rộ hồi tháng 1 vừa qua (do kinh tế khó khăn).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại