Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm đưa quân đội đến Libya "đấu tay đôi" với Nga: "Vuốt mặt nhưng không nể mũi"?

Mạnh Kiên |

Tổng thống Erdogan và Tổng thống Putin đã tham khảo ý kiến ​​của nhau về các vùng ảnh hưởng ở Libya để tránh xung đột, nhưng khả năng xảy ra đụng độ là có thật.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn đưa quân tới Libya

Bình luận trên tờ Arab News, các chuyên gia tin rằng, sự rạn nứt giữa Moscow và Ankara liên quan đến chiến lược ở Libya có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan quyết định gửi quân tới chống lại Quân đội Quốc gia Lybia (LNA) theo yêu cầu của Chính phủ Hiệp định quốc gia (GNA).

Sự hiện diện của một phái đoàn cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ tới Moscow hôm 30/12 để gặp các đối tác Nga được coi là một nỗ lực nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng song phương lan rộng.

Mặc dù hoan nghênh những nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia Bắc Phi, Nga không chấp nhận bất kỳ sự can thiệp nào vào các vấn đề nội bộ của Libya đến từ các thế lực ngoài cuộc, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh vài ngày trước.

"Chúng tôi đã nhiều lần nhắc lại lập trường của Nga về cuộc khủng hoảng Libya. Moscow đang tìm kiếm một giải pháp kịp thời cho cuộc xung đột và chấm dứt đổ máu tại quốc gia này", ông Peskov nói với các phóng viên.

Konstantin Kosachev, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề quốc tế của Hội đồng Liên đoàn Nga bày tỏ quan điểm rằng sự can thiệp của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào Libya có thể là kịch bản tồi tệ nhất.

Kosachev cũng chỉ trích những tuyên bố gần đây của Tổng thống Erdogan về việc công ty Wagner của Nga đã đưa 2.000 lính đánh thuê tới Libya hỗ trợ lực lượng của tướng Khalifa Haftar.

Tổng thống Erdogan lên án sự hiện diện của Nga ở Libya, nói rằng lực lượng này đã không được chính phủ chính thức (GNA) mời đến.

"Nói một cách tử tế, khi xem xét mức độ quan hệ song phương của hai nước, thật không đúng đắn chút nào khi nghe những tuyên bố như vậy từ Ankara", Kosachev nói.

Những bình luận từ phía Nga được đưa ra sau khi ông Erdogan tuyên bố sẽ đệ trình kiến ​​nghị lên Quốc hội vào đầu tháng tới nhằm đưa quân đội tới Libya. Cần có sự phê chuẩn của Quốc hội để triển khai quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tới Libya mặc dù đã có một thỏa thuận hợp tác quân sự giữa hai bên.

Samuel Ramani, một nhà phân tích địa chính trị từ Đại học Oxford (Anh) chỉ ra nguy cơ cuộc đối đầu Ankara-Moscow trước chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 8/1.

Mọi sự chú ý đang đổ dồn về chuyến thăm này, bởi không chỉ có các thảo luận về mở đường ống khí đốt TurkStream mà còn có cả nghị sự về tình hình ở Libya.

"Tổng thống Erdogan và Tổng thống Putin đã tham khảo ý kiến ​​của nhau về các vùng ảnh hưởng ở Libya để tránh xung đột, nhưng khả năng xảy ra đụng độ là có thật", Ramani nói với Arab News.

Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm đưa quân đội đến Libya đấu tay đôi với Nga: Vuốt mặt nhưng không nể mũi? - Ảnh 2.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn đưa quân đến Libya nhằm bảo vệ GNA trước cuộc tiến công của tướng Haftar.

Xung đột không mong chờ

Ở Syria và Libya, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang ủng hộ các bên đối lập. Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Chính phủ GNA của Thủ tướng Fayez Al-Serraj ở Tripoli, kiểm soát phía Tây của đất nước, trong khi Nga được cho là đang nghiêng về Quân đội Quốc gia Libya (LNA) ở phía Đông của tướng Haftar, theo giới quan sát.

Nhà phân tích Ramani nhận định, bất kỳ cuộc đối đầu nào giữa Ankara và Moscow đều không được mong chờ và gây ra hậu quả tại thời điểm cả hai quốc gia đang cố gắng đạt được một thỏa thuận về vấn đề Idlib và Syria.

Michael Tanchum, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu châu Âu về chính sách an ninh (AIES) có trụ sở tại Áo, nói với Arab News rằng Nga không muốn hỗn loạn ở Libya và Điện Kremlin muốn tiếp tục sử dụng quân bài Thổ Nhĩ Kỳ để khiến cho NATO bị chia rẽ và mất cân bằng .

"Mục tiêu tốt nhất mà Tổng thống Erdogan hướng tới là một khi GNA sụp đổ sẽ có nhiều xung đột và bất ổn hơn, trong khi đó quan hệ đối tác Thổ Nhĩ Kỳ - Nga trong việc quản lý Libya sẽ trở nên dễ dàng hơn", ông nói.

"Bất chấp sự linh hoạt trước đây mà Nga đã thể hiện đối với tham vọng chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ, trường hợp Libya có thể khác. Cần phải tính toán đến trọng lượng của các mối quan hệ Nga-Ai Cập và Nga-UAE khi đánh giá tính toán chiến lược của Nga. Tất cả những yếu tố này đang tham gia vào cuộc xung đột".

Đối với Timur Akhmetov, nhà nghiên cứu tại Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga , Moscow đang phải đối mặt với một vấn đề nan giải khi họ phải chấp nhận các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ trong giải quyết vấn đề Libya nhưng phải giữ cho sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ không ảnh hưởng đến lợi ích của chính mình.

"Xu hướng chung hiện nay là Thổ Nhĩ Kỳ - do bị cô lập trong khu vực - đang thực thi các lập trường ngoại giao của mình với sự phụ thuộc nặng nề hơn vào sức mạnh quân sự. Nhưng điều đó không nghĩa là Ankara hoàn toàn chỉ thể hiện sự thù địch", ông nói với Arab News.

Đối với Akhmetov, Nga có thể sẽ chấp nhận sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ ở một mức độ phù hợp cho các lợi ích lâu dài của Nga như ổn định xung đột, đảm bảo tài sản kinh tế và cuối cùng là khiến tất cả các bên ngồi vào bàn đàm phán.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại