Thổ Nhĩ Kỳ quá "cao tay" khi cho S-400 "tịt ngòi" trước ngày khai hỏa: Vừa "đẹp lòng" Mỹ, trong khi Nga cũng khó nổi cơn thịnh nộ?

Mạnh Kiên |

Việc Thổ Nhĩ Kỳ chuyển S-400 tới biên giới với Syria rõ ràng sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng mới với Nga. Do đó, cách tốt nhất chỉ có thể là tạm thời cất hệ thống phòng không vào một chỗ.

Lý do giấu kín

Khi Nga bắt đầu chuyển giao hệ thống phòng không S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ vào mùa hè năm ngoái, không khí tại quốc gia thành viên NATO này được mô tả là "vui như ngày hội", khi các kênh truyền hình phát sóng trực tiếp sự kiện máy bay chở hàng Nga hạ cánh xuống một căn cứ không quân bên ngoài Ankara.

Trong khoảng thời gian đó, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố hệ thống phòng không Nga sẽ đi vào hoạt động vào tháng 4/2020 – lịch trình mà ông đã xác nhận ít nhất bảy lần sau đó – bất chấp Mỹ có động thái can ngăn và đe dọa trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ.

Vào tháng 1 năm nay, các sĩ quan không quân Thổ Nhĩ Kỳ được đào tạo vận hành ở Nga cũng đã chính thức được giao nhiệm vụ mới.

Nhưng khi tháng 4 đã gần trôi qua, tên lửa S-400 vẫn đang nằm im lìm tại sân bay Murted. Ankara đã giải thích sự chậm trễ này bằng lý do dịch bệnh và lỗi kỹ thuật. "Không có quyết định kích hoạt S-400 nào do COVID-19, kế hoạch đã ấn định vào tháng 4 của chúng tôi sẽ bị trì hoãn", một quan chức ẩn danh nói với hãng tin Reuters ngày 20/4.

Sự chậm trễ này đã làm hài lòng Washington, mặc dù nước này vẫn nhắc lại mối quan ngại của mình và đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ hẳn tên lửa S-400 để thứ vũ khí này không cản trở quan hệ song phương.

Rõ ràng, lý do khiến quyết định của Ankara trì hoãn việc kích hoạt hệ thống S-400 trị giá 2,5 tỷ USD không hẳn là vấn đề kỹ thuật, theo Al-Monitor. Mặc dù đại dịch COVID-19 cũng được coi là một lý do, nhưng quyết định này hoàn toàn mang tính chính trị.

Nói một cách dễ hiểu, đại dịch đã không làm gián đoạn bất kỳ hoạt động quân sự nào của Thổ Nhĩ Kỳ ở trong nước hoặc ở Syria và Iraq. Chính vì vậy, nó cũng sẽ không ảnh hưởng gì đến các yếu tố quân sự đòi hỏi phải hoãn kích hoạt hệ thống.

Khủng hoảng kinh tế ngày càng tồi tệ ở Thổ Nhĩ Kỳ mới được coi là lý do chính đằng sau sự trì hoãn. Trên thực tế, bất kỳ biện pháp trừng phạt nào theo đạo luật CAATSA của Mỹ liên quan đến S-400 sẽ làm tăng rủi ro kinh tế nghiêm trọng mà đại dịch đang gây ra cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Đáng chú ý, Ankara đã tiếp cận Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ. Do những lo ngại chính trị trong nước, Ankara không muốn tìm kiếm sự giúp đỡ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Nói tóm lại, kích hoạt tên lửa S-400 có thể gây ra tổn hại kinh tế lớn cho Thổ Nhĩ Kỳ giống như cuộc khủng hoảng tiền tệ vào mùa hè năm 2018, khi căng thẳng Mỹ tăng cao.

Tuy nhiên, nhu cầu tiền tệ của Thổ Nhĩ Kỳ để cứu vãn nền kinh tế bị đại dịch chi phối không phải là yếu tố duy nhất. Sự chậm trễ trong việc kích hoạt S-400 được thúc đẩy bởi ít nhất ba yếu tố khác:

Thứ nhất là định hướng địa chiến lược thay đổi của Ankara ở Syria trong nỗ lực cân bằng Iran và Nga.

Thứ hai là cần phải duy trì quan hệ tốt đẹp với Tổng thống Mỹ Donald Trump - đồng minh duy nhất của Thổ Nhĩ Kỳ ở Washington.

Và thứ ba là xoa dịu dư luận trong nước.

3 yếu tố của Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ quá cao tay khi cho S-400 tịt ngòi trước ngày khai hỏa: Vừa đẹp lòng Mỹ, trong khi Nga cũng khó nổi cơn thịnh nộ? - Ảnh 2.

Tổng thống Erdogan đã dùng cái cớ COVID-19 để tránh khủng hoảng với Nga-Mỹ.

Tại Syria, khi Thổ Nhĩ Kỳ đối đầu với các đối tác Nga và Iran trong cuộc chiến Idlib vào tháng 2 vừa qua, lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã trở nên gắn kết hơn. Trong khi các giới hạn hợp tác với Moscow lại được phơi bày rõ ràng, cả ở phía tây bắc và đông bắc của Syria.

Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn giữa Tổng thống Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào đầu tháng 3, khoảng cách niềm tin giữa hai bên đã gia tăng đáng kể trên đường cao tốc M4 quan trọng ở miền Nam Idlib.

Về phần mình, Washington hoàn toàn nhận thức được rằng họ không thể có đồng minh nào khác ngoài Ankara có khả năng cân bằng Nga và chống lại sự hiện diện quân sự thân Iran ở miền Bắc Syria và xung quanh Deir ez-Zor.

Một yếu tố khác nữa đã thay đổi nhận thức của Thổ Nhĩ Kỳ, đó là mối quan hệ cá nhân giữa ông Erdogan và ông Trump, trong đó Tổng thống Mỹ đã khá khoan dung đối với Ankara trước áp lực của Quốc hội về các lệnh trừng phạt.

Theo một nguồn tin ở Ankara, cuộc khủng hoảng xoay quanh số phận mục sư Andrew Brunson năm 2018 đã dạy cho Tổng thống Erdogan một bài học về hậu quả của việc tranh cãi với người đồng cấp Trump, và đại dịch COVID-19 có lẽ là một cơ hội trời cho để tránh một cuộc khủng hoảng mới liên quan đến S-400.

Trong cuộc gặp tại Nhà Trắng tháng 11/2019, Tổng thống Trump từng nhấn mạnh lằn ranh đỏ cho Ankara, nói rằng ông sẽ không còn có thể bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ một khi S-400 được kích hoạt. Chính vì vậy, một cái cớ đến từ COVID-19 có thể giúp Thổ Nhĩ Kỳ hoãn đưa vũ khí Nga vào triển khai mà không sợ mất mặt.

Cuối cùng, ở mặt trận trong nước, kích hoạt S-400 hiện có nguy cơ bị phe đối lập yêu cầu chuyển hệ thống đến biên giới Syria để bảo vệ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib.

Khoảng 22.000 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang được triển khai tại 56 tiền đồn trên khắp Idlib, nhưng không có bất kỳ khả năng phòng thủ nào trước các tên lửa đạn đạo và không quân tầm trung, khiến cho hàng chục binh sĩ đã thiệt mạng kể từ tháng 2 trở lại đây.

Các cuộc thăm dò ý kiến ​​cho thấy chiến dịch tại Idlib của Thổ Nhĩ Kỳ đã thiếu sự ủng hộ của công chúng so với các chiến dịch quân sự trước đó ở Syria.

Tổng thống Erdogan sẽ rất khó để giải thích lý do tại sao ông lại chỉ kích hoạt hệ thống ở Ankara trong khi các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib lại đang rất cần lá chắn phòng vệ này.

Tuy nhiên, việc chuyển S-400 tới biên giới rõ ràng sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng mới với Moscow. Do đó, cách tốt nhất chỉ có thể là tạm thời cất hệ thống phòng không vào một chỗ.

Hoãn kích hoạt có thể chỉ được Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài thời gian trong một vài tháng. Cuối cùng Tổng thống Erdogan sẽ phải xử lý khủng hoảng thế nào để không gây phẫn nộ cho cả Nga và Mỹ sẽ là câu hỏi khó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại