RT đưa tin hồi tháng Bảy, Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan đã ký kết thỏa thuận mua bán vũ khí lớn nhất giữa hai nước trị giá 1,5 tỷ USD sau khi phải mất tới 4 năm đàm phán. Theo đó, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ (TAI) sẽ sản xuất 30 chiếc trực thăng đa nhiệm T129 ATAK cho quân đội Pakistan.
Tuy nhiên, thỏa thuận quân sự giữa Ankara và Islamabad vấp phải khó khăn lớn sau khi TAI không thể xin được giấy phép xuất khẩu từ Bộ Quốc phòng Mỹ.
Giấy phép này là thủ tục bắt buộc để các công ty Mỹ cung cấp linh kiện phục vụ chương trình sản xuất trực thăng T129 ATAK. Trong đó, động cơ trục tuabin LHTEC T800-4A được một công ty liên doanh giữa nhà sản xuất Honeywell tại Mỹ và hãng Rolls-Royce của Anh sản xuất.
“Đây không phải là vấn đề công nghệ hay tài chính mà đơn thuần là động cơ chính trị”, một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ với Defense News hồi tháng Tám.
Do vấn đề xin cấp phép xuất khẩu từ Bộ Quốc phòng Mỹ không khả thi, Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan đã chuyển sang tìm kiếm nguồn cung cấp động cơ thay thế.
Các nhà sản xuất ở Ba Lan và Pháp hiện nằm trong danh sách nhà cung ứng tiềm năng.
Còn trong triển lãm quân sự IDEAS 2018 diễn ra ở thành phố Karachi tại Pakistan trong tuần này, một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho hay khả năng Trung Quốc cũng nằm trong danh sách nhà cung ứng động cơ phục vụ chương trình sản xuất các trực thăng đa nhiệm T129.
Trong khi đó, một quan chức quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ với TASS rằng, Mỹ đã “vứt qua cửa sổ” hàng đống tiền khi từ bỏ nhiều thương vụ mua bán quân sự nhằm trừng phạt Ankara cũng như gây sức ép buộc Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ ý định mua các hệ thống phòng không tầm xa S-400 do Nga sản xuất. Tuy nhiên, bất chấp lời cảnh báo của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết mua S-400 của Nga.