Thổ Nhĩ Kỳ "ngáng chân" Nga, đưa binh lực khủng đến Libya

Đức Trí |

Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia khác đã triển khai binh lực hạng nặng đến Libya, động thái này được cho là “ngáng chân” Nga và có thể tạo ra các cuộc đối đầu trực tiếp.

Theo Military Times, báo cáo mới nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, trong những tháng đầu năm 2020 Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa 3.500 - 3.800 lính đánh thuê người Syria tới Libya. Đây là lần đầu tiên Mỹ đưa ra thông tin chi tiết về việc triển khai quân đội của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo báo cáo, cuộc xung đột tại Libya đã leo thang thành chiến tranh ủy nhiệm khu vực do các cường quốc nước ngoài đổ thêm vũ khí và lính đánh thuê vào nước này. Hàng nghìn lính đánh thuê nước ngoài được Thổ Nhĩ Kỳ “trao quyền” công dân Libya đang cùng với Chính phủ Hiệp định Quốc gia Libya (GNA) chiến đấu với Quân đội quốc gia Libya (LNA).

Thổ Nhĩ Kỳ ngáng chân Nga, đưa binh lực khủng đến Libya - Ảnh 1.

Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện tại Libya tháng 6/2020. Nguồn: huanqiu.

Có một số suy đoán cho rằng, những tay súng đánh thuê này có thể liên quan đến các tổ chức cực đoan như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hay al-Qaeda, tuy nhiên, phía Mỹ vẫn chưa thu thập được chứng cứ nào cho thấy lực lượng này có liên quan đến IS hay những tổ chức khác.

Từ tháng 5/2020, lực lượng GNA được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã đẩy lùi lực lượng LNA được Nga và một số quốc gia khác ủng hộ ra vùng ngoại ô thủ đô Tripoli.

Thông tin tình báo từ Bộ Tư lệnh Châu Phi của Mỹ cho thấy, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường triển khai quân sự ở Libya, trong đó, tháng 4/2020 Thổ Nhĩ đã đưa 300 tay súng vũ trang Syria đến Libya, trước đó, trong tháng 2, 3/2020, một "số lượng không xác định" binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã được triển khai tới Libya.

Báo cáo cũng dẫn lời một quan chức Quân đội Mỹ nói rằng, Nga cũng gửi hàng trăm lính đánh thuê đến Libya để hỗ trợ LNA.

Tập đoàn Wagner, một doanh nghiệp quân sự liên quan đến chính phủ Nga là đơn vị “nổ phát súng” đầu tiên khi đưa ra những tay súng bắn tỉa có kinh nghiệm vào Libya trong quý III năm 2019. Lực lượng này và máy bay không người lái (UAV) đã gây thương vong nặng nề cho GNA.

Cùng với việc đưa hàng nghìn lính đánh thuê đến Libya, Thổ Nhĩ Kỳ cũng điều động vũ khí hạng nặng đến quốc gia này. Theo báo cáo của truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ hôm 20/7, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã triển khai pháo binh và vũ khí hạng nặng khác tới Libya để giúp lực lượng GNA đánh chiếm thành phố cảng chiến lược Sirte. Động thái của Ankara được cho là đã “đạp đổ” mọi sự toan tính của Nga.

Theo báo cáo, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai nhiều hệ thống tên lửa bắn loạt T-122 Sakarya và pháo tự hành T-155 gần Sirte. Hai loại vũ khí này đã khẳng định được hiệu quả tuyệt vời của nó trong các hoạt động quân sự ở Syria.

Đại diện GNA tuyên bố, lực lượng này sẽ chiếm lại cảng Sirte từ LAN, do Sirte là cửa ngõ vào các mỏ dầu chính của Libya và căn cứ không quân Al-Jufra. Theo báo cáo, từ ngày 20/7, một đoàn khoảng 200 xe đã khởi hành từ quận Misrata ở phía bắc miền tây Libya, di chuyển đến Sirte.

Hành động của Thổ Nhĩ Kỳ đã công khai phá vỡ “thỏa thuận ngầm” về việc âm thầm đưa lực lượng đến Libya của các bên liên quan. Hành động này có thể tạo ra một bước ngoặt mới cho cuộc chiến tại đây.

Ai Cập đã cảnh báo rằng, nếu GNA cố gắng chiếm Sirte, nước này sẽ đáp trả bằng các biện pháp quân sự. Hiện, Ai Cập đã triển khai quân đội và vũ khí dọc biên giới phía tây với Libya, và đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự trên bộ và trên biển để sẵn sàng tiến hành các biện pháp can thiệp quân sự vào Libya trong trường hợp cần thiết.

Theo kênh Al Jazeera, hôm 20/7, Quốc hội Ai Cập đã thông qua luật cho phép triển khai quân ra bên ngoài đất nước. Quyết định này được đưa ra sau khi Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đe dọa dùng hành động quân sự chống lại lực lượng được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở nước láng giềng Libya.

Động thái này có thể đưa Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ - vốn ủng hộ các bên đối lập trong cuộc chiến ủy nhiệm ở Libya – bước vào cuộc đối đầu trực tiếp.

Cùng với Ai Cập, Algeria - quốc gia ủng hộ GNA cũng đang khẩn cấp triển khai các tổ hợp Iskander áp sát biên giới Libya, để sẵn sàng đối phó với nguy cơ bùng phát một chiến dịch tấn công quy mô lớn ở đây. Theo Avia.Pro, sự xuất hiện của Iskander có thể trở thành yếu tố quyết định bên nào sẽ chiến thắng trên lãnh thổ quốc gia châu Phi.

Libya chìm vào nội chiến kể từ năm 2011 sau khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ và sát hại trong chiến dịch quân sự do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hậu thuẫn. Ai Cập, Nga cùng Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) ủng hộ lực lượng LNA, trong khi GNA được Thổ Nhĩ Kỳ, Italy, Algeria và Qatar hậu thuẫn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại