Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm 24/1 tuyên bố muốn mở rộng chiến dịch quân sự tại Syria bất chấp nguy cơ đối đầu với chính những đồng minh của nước này trong Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong đó có Mỹ.
Đây cũng được xem là một sự “đe dọa” đối với tham vọng của Mỹ áp đặt ảnh hưởng tại khu vực thông qua việc ổn định và tái thiết khu vực Đông Bắc rộng lớn của Syria.
Thị trấn Manbij là mục tiêu tiếp theo của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch quân sự đang được triển khai ở miền Bắc Syria, mà theo nước này là nhằm ngăn chặn nguy cơ các nhóm nổi dậy người Kurd thiết lập một vùng lãnh thổ trải dài ở khu vực biên giới hai nước.
Tuy nhiên, không giống như Afrin, Manbij, thị trấn cách đó chỉ khoảng 100 km về phía Đông lại là một trong những khu vực người Kurd mà quân đội Mỹ hiện triển khai lực lượng.
Có thể nói, chiến dịch “ Nhành Ô liu ” của Thổ Nhĩ Kỳ đã mở ra một mặt trận mới trong cuộc khủng hoảng vốn đã rất phức tạp của Syria. Theo chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, đây là một “cuộc đấu tranh dân tộc”, một cuộc chiến chống lại những kẻ khủng bố. Song với Mỹ, thì điều này lại có một ý nghĩa khác. Bởi Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd, mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ lại chính là lực lượng đang nhận được sự hỗ trợ quân sự trực tiếp của Mỹ và cũng là nòng cốt trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ tại Syria.
Theo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, với chiến dịch “Nhành Ô liu”, nước này đã một lần nữa ngăn cản được các lực lượng mà các mối quan tâm của họ không nằm trong lợi ích của khu vực và chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ dừng lại ở Afrin hay Manbij.
Trong một phát biểu cùng ngày, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag cũng thừa nhận “khả năng, dù là rất nhỏ” xảy ra một cuộc đối đầu trực diện giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ tại khu vực.
“Nhành Ô liu” sẽ là tên của cuộc chiến mới tại Syria? VOV.VN -Theo các nguồn tin, Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp tục chuyển khí tài quân sự tới Afrin thông qua một cửa khẩu ở Kilis.
Ông Bogdag phát biểu: “Tôi không nhìn thấy khả năng xảy ra đối đầu quân sự giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch của chúng tôi tại khu vực. Tôi chỉ thấy khả năng này là rất nhỏ, bởi Thổ Nhĩ Kỳ chưa bao giờ lừa dối Mỹ về vấn đề Manbij.
Chúng tôi sẵn sàng cho mọi hình thức hợp tác và đoàn kết với Mỹ và Nga nếu điều này mang lại hòa bình và ổn định cho khu vực. Trên thực tế, chúng tôi cũng từng nói rằng, là rất quan trọng nếu Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, và Nga có thể đi tới một thỏa thuận và cùng nhau hành động nhằm mang lại hòa bình cho khu vực”.
Mối bất hòa giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan cuộc khủng hoảng Syria đã dẫn tới những căng thẳng nghiêm trọng giữa hai nước đồng minh trong Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Theo các nhà phân tích, nếu Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng chiến dịch sang Manbij, thì điều này có thể làm trầm trọng hơn mối quan hệ giữa hai nước.
Tới nay sự phản đối của Mỹ trước chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria mới chỉ dừng lại ở những tuyên bố bày tỏ lo ngại, bởi dù sao Mỹ cũng không triển khai lực lượng tại khu vực này. Song Manbij thì khác.
Dư luận đang theo dõi sát diễn biến tình hình khu vực và chờ đợi Mỹ sẽ hành động như thế nào để không đẩy những căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ đi quá xa, mà lại vẫn duy trì được ảnh hưởng của mình tại khu vực./.