Thổ Nhĩ Kỳ lo lắng khi ‘chạm mặt’ Nga ở chiến trường Armenia và Azerbaijan

Đức Trí |

Tình hình giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan ngày càng căng thẳng, Nga đã bày tỏ lập trường về vấn đề đưa quân đến đây, điều lo lắng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ sắp xảy ra?

Sau khi ký kết thỏa thuận ngừng bắn, mâu thuẫn giữa ArmeniaAzerbaijan vẫn chưa dần lắng dịu mà ngày càng gay gắt. Với sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác, Azerbaijan bắt đầu cố gắng mở cuộc tấn công vào đất liền Armenia để mở rộng xung đột.

Nếu xung đột không được kiểm soát trong một thời gian dài, toàn bộ tình hình Caucasus có thể dễ dàng vượt khỏi tầm kiểm soát. Trước tình hình đó, Nga đã không ngần ngại vạch ra lằn ranh đỏ và chỉ rõ điều kiện đưa quân sang trực tiếp hỗ trợ Armenia để ngăn chặn tình hình xấu đi.

Theo báo cáo của Sputnik ngày 1/11, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, Nga và Armenia đã có một hiệp ước an ninh chung, nếu xung đột tại khu vực Caucasus lan tới nội địa của Armenia, Nga sẽ trực tiếp đưa quân đến ngăn chặn và cũng sẽ cung cấp cho Armenia mọi sự trợ giúp cần thiết.

Trước đó, Thủ tướng Armenia đã kêu gọi Nga tham vấn về việc giúp Armenia đảm bảo an ninh.

Thổ Nhĩ Kỳ lo lắng khi ‘chạm mặt’ Nga ở chiến trường Armenia và Azerbaijan - Ảnh 1.

Nga sẽ đưa quân đến Nagorno-Karabakh nếu Thổ Nhĩ Kỳ vượt “lằn ranh đỏ”? Nguồn: Sohu.

Nga đã xây dựng một căn cứ quân sự tại thành phố Gyumri của Armenia và có hiệp ước quốc phòng với Yerevan. Tuy nhiên, sau yêu cầu trợ giúp quân sự của Thủ tướng Pashinyan, Moscow cho biết, hiệp ước quốc phòng của họ với Armenia không mở rộng đến khu vực ly khai Nagorno-Karabakh.

Xung đột giữa Armenia và Azerbaijan nổ ra từ ngày 27/09, những cuộc tấn công tại đây đã cướp đi sinh mạng hơn 1.000 người kể từ hồi cuối tháng 9 vừa qua. Các quốc gia trên thế giới đã đồng loạt lên tiếng yêu cầu Armenia-Azerbaijan có biện pháp giải quyết hòa bình, song tới nay, tình hình vẫn chưa được cải thiện dù hai bên đã đạt tới 3 thỏa thuận ngừng bắn dưới sự trung gian hòa giải của Nga và Mỹ.

Khi Thổ Nhĩ Kỳ công khai hỗ trợ quân sự cho Azerbaijan, Armenia đã khẩn cấp yêu cầu Nga giúp đỡ, và Nga cũng đã "vạch ra lằn ranh đỏ" với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuyên bố của Nga ngày 1/11 đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế và yêu cầu hỗ trợ của Armenia đã gây ra mối quan ngại rộng rãi vì nó có thể khiến xung đột cục bộ kéo dài.

Thời gian qua, các loại thiết bị bay không người lái được bán cho Azerbaijan bởi Israel và Thổ Nhĩ Kỳ, như TB2 Bayraktar, ThunderB, Orbiter 3, SkyStriker hay IAI Harop…. thường xuyên xuất hiện tại khu vực Nagorno-Karabakh.

Nhiều đoạn phim từ cuộc xung đột cho thấy quân đội Azerbaijan đang sử dụng rất hiệu quả các thiết bị bay không người lái này trong việc tấn công những khẩu đội pháo hay các đoàn xe tiếp tế, làm rối loạn hệ thống phòng không và gây thương vong lớn đối với các binh sĩ Armenia.

Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ đang giúp đỡ Azerbaijan bằng cách chia sẻ thông tin tình báo, hỗ trợ hậu cần cả trên không lẫn dưới mặt đất, nhưng quan trọng hơn cả, là cử lính đánh thuê từ Syria đến cùng chiến đấu và hỗ trợ cho quân đội Azerbaijan.

Một số thông tin cho rằng, ngay sau khi Nga để ngỏ khả năng đưa quân tới Armenia, Thổ Nhĩ Kỳ đã ngay lập tức tìm cách kết nối với Nga về vấn đề này, để tránh trường hợp Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải đối mặt với Quân đội Nga ở Chiến trường Armenia, đây là điều Ankara không hề mong muốn. Syria đã là bài học đắt giá cho Thổ Nhĩ Kỳ khi phải đối mặt với Nga.

Về phía Armenia, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã công khai ủng hộ Nga đưa quân đến nước này, khi cho rằng, việc đưa lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga vào Nagorno-Karabakh có thể là giải pháp tối ưu cho cuộc xung đột tại khu vực.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với báo The Daily Telegraph, ông Pashinyan nói: "Tôi ủng hộ việc đưa lực lượng gìn giữ hòa bình Nga vào khu vực xung đột. Nhưng vấn đề là ở chỗ việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình từ Nga phải được sự chấp thuận của tất cả các bên tham gia xung đột".

Trước đó, hôm 29/10, Cố vấn của Thủ tướng Armenia Vagharshak Harutyunyan khẳng định, Nga đang đóng vai trò then chốt trong việc duy trì lệnh ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh. Theo ông, Nga là đối tác bảo đảm cho an ninh và ổn định.

Tổng thống Pashinyan từng đề nghị Nhóm Minsk thuộc OSCE (gồm Nga, Mỹ, Pháp) thảo luận về khả năng đưa lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga vào Nagorno-Karabakh. Điện Kremlin sau đó giải thích rằng, giải pháp này chỉ khả thi khi có sự đồng ý của cả hai bên tham gia xung đột là Armenia và Azerbaijan.

Tổng thống Putin cũng đã đưa ra hướng giải quyết xung đột Armenia-Azerbaijan là cần phải đạt được sự cân bằng lợi ích giữa hai bên, đồng thời cho biết, ban đầu, Moscow đã "tiếp cận suy nghĩ về khả năng chuyển giao 5 + 2 khu vực cho Azerbaijan với việc đảm bảo một chế độ nhất định cho khu vực Karabakh và hợp tác với Armenia".

Giới chuyên gia cho rằng, trên thực tế, Nga đã đưa quân đến khu vực giao tranh giữa Azerbaijan và Armenia để ngăn chặn lính đánh thuê tại khu vực này xâm nhập vào biên giới Nga. Theo nguồn tin từ Kênh Telegram WarGonzo, chốt biên phòng của Nga tại Armenia, với lực lượng gồm 4.500 người đã bị tấn công với ít nhất 4 quả đạn pháo.

Thứ trưởng ngoại giao Nga Oleg Syromolotov cũng cho biết, Bộ Ngoại giao Nga không loại bỏ khả năng lính đánh thuê từ Syria và Libya hiện đang chiến đấu ở Nagorno-Karabakh có thể xâm nhập vào Nga.

"Tất nhiên, không thể phủ nhận mối nguy hiểm này", Syromolotov nói, đồng thời nhấn mạnh rằng điều quan trọng là phải phân tích tất cả các rủi ro, bao gồm cả những rủi ro tiềm ẩn và chủ động.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại