Thổ Nhĩ Kỳ diệt gọn tổ hợp tên lửa 2K12 Kub ở Libya?
Ngày 05/05, các nhà ủng hộ Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) tuyên bố các máy bay không người lái vũ trang (UCAV) của Thổ Nhĩ Kỳ đã tiêu diệt thành công một tổ hợp tên lửa phòng không 2K12 Kub [NATO định danh là SA-6 Gainful] vốn được mệnh danh là "3 ngón tay thần chết" của Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do tướng Haftar chỉ huy.
Hệ thống tên lửa phòng không này được cho là bị phá hủy trong cuộc tấn công ác liệt của lực lượng GNA vào căn cứ sân bay al-Watiya nằm ở Tây Nam Thủ đô Tripoli. Mặc dù đợt tấn công này đã bị đẩy lùi nhưng đây được coi là một tổn thất khá nặng nề của lực lượng LNA.
Các nhà ủng hộ GNA đã chia sẻ những bức ảnh cho thấy 2 xe bệ phóng tự hành 2P25 bị phá hủy hoàn toàn, còn xe đài radar SURN 1S91 nhìn vòng và chiếu xạ cũng bị hư hại nặng. Những bức ảnh được cho là chụp tại căn cứ sân bay al-Watiya, nhưng hiện vẫn chưa chính thức được xác nhận.
Một xe bệ phóng tự hành 2P25 bị tiêu diệt
xe đài radar SURN 1S91 nhìn vòng và chiếu xạ cũng bị hư hại nặng
Lực lượng phòng không của LNA được cho là đang sở hữu và vận hành ít nhất 1 tổ hợp tên lửa phòng không 2K12 Kub.
Trước đó, chưa từng có ghi nhận nào về các tổ hợp phòng không loại này hoạt động hay xuất hiện ở khu vực căn cứ sân bay al-Watiya. Vì thế, thông tin này hiện vẫn là dấu hỏi lớn bởi các nguồn tin chính thức nào của GNA tuyên bố về việc tiêu diệt hay phá hủy bất cứ tổ hợp phòng không nào của LNA trong cuộc tấn công vào căn cứ không quân nói trên.
Cho dù tuyên bố của các nhà hoạt động ủng hộ GNA đúng hay sai thì có một hiện thực rõ ràng là gần đây các UCAV của Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động dày đặc ở Libya, trong đó nhiều chiếc đã phòng không của LNA bắn hạ.
"Ba ngón tay thần Chết", nỗi kinh hoàng đối với phi công Israel
Hiếm có vũ khí phòng không nào do Liên Xô sản xuất như tên lửa 2K12 Kub (Kvadrat) lại nhận được tôn trọng của đối phương và được đặt biệt mệnh danh là "Ba ngón tay Thần Chết".
Sau khi được trang bị cho Quân đội Liên Xô, tổ hợp Kub sau đó được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó sớm nhất là các quốc gia Cận Đông và từng tham gia nhiều cuộc chiến nảy lửa tại đây.
Trong số những trận chiến giữa Israel và khối Ả rập, cuộc chiến Yom Kippur (tên một ngày lễ thiêng liêng của người Do Thái) năm 1973 đã làm nên danh tiếng và biệt danh đặc biệt của tổ hợp Kub.
Do nắm bắt được các yếu điểm của tổ hợp Dvina, Pechora là rất khó đối phó được với các mục tiêu bay thấp, trong cuộc chiến Yom Kippur, không quân Israel tiếp tục sử dụng chiến thuật này. Với việc bay thấp bám địa hình và đột ngột công kích, các máy bay chiến đấu Israel tưởng như sẽ giành lợi thế trên không hoàn toàn trước khối Ả rập.
Máy bay chiến đấu F-4 Phantom của Không quân Israel.
Tuy nhiên, họ không biết rằng, có một mối nguy hiểm mới đang rình rập. Những máy bay chiến đấu bay thấp của Israel đã trở thành mồi ngon cho các tổ hợp tên lửa Kub. Những trận địa tên lửa phòng không Kub theo sát các đoàn chiến xa khối Ả rập đã giáng nhưng đòn chí mạng tới không quân.
Do là tổ hợp tên lửa mới, hệ thống máy thu phát tín hiệu và cảnh báo SAM trang bị trên máy bay chiến đấu A-4 Skyhawk, F-4 Phantom đều không nhận diện và cảnh báo sớm cho phi công Israel khi bị radar chiếu xạ của Kub ngắm bắn.
Có thể nói, trong cuộc chiến Yom Kippur, không quân Israel đã hoàn toàn bất lực trước Kub.
Hiệu quả chiến đấu của tổ hợp Kub được tổng kết sau cuộc chiến Yom Kippur do phía Ả rập chỉ ra cho thấy, đã có 65 máy bay chiến đấu Israel bị hạ với 95 tên lửa được phóng lên bởi các tổ hợp Kub. Tuy nhiên, phía Israel chỉ thừa nhận đã mất hơn 100 máy bay trong cuộc chiến, trong đó có 40 máy bay bị bắn hạ bởi Kub.
Chính vì uy lực bất ngờ của tổ hợp Kub, phi công Israel đã đặt biệt danh cho dòng vũ khí phòng không này là "Ba ngón tay thần Chết" vì mỗi bệ phóng Kub mang theo 3 đạn tên lửa.
Sau cuộc chiến Yom Kippur, Israel đã phải gấp rút phát triển phương tiện đối phó và cảnh báo giúp hạn chế khả năng chiến đấu cảu Kub. Trong khi đó, khối Ả rập lại không có những thay đổi cần thiết tương ứng, nên hiệu quả tác chiến của Kub sau này bị hạn chế nhiều.