Tuy nhiên, ông Donald Trump rất khó có thể xoay sở chống lại nhiều người chỉ trích Ankara ở Washington - theo Reuters.
Mua S-400 của Nga khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu trách nhiệm pháp lý theo luật của Mỹ năm 2017, có tên Đạo luật chống lại kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt, hay CAATSA.
Để được miễn bất kỳ lệnh trừng phạt nào do Quốc hội Mỹ áp đặt theo luật CAATSA, ông Donald Trump sẽ phải chứng minh rằng việc mua tên lửa S-400 không phải là một “giao dịch quan trọng”, và nó sẽ không gây nguy hiểm cho sự toàn vẹn của NATO hoặc ảnh hưởng xấu đến các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ.
Hai đồng minh NATO này đã tranh cãi trong nhiều tháng qua về việc Thổ Nhĩ Kỳ đặt mua các khẩu đội tên lửa phòng không S-400 tiên tiến, mà Washington cho rằng không tương thích với mạng lưới phòng thủ của liên minh phương Tây cũng như sẽ đe dọa máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ mà Thổ Nhĩ Kỳ cũng có kế hoạch mua.
Ngoại trưởng Mike Pompeo và một số thượng nghị sĩ có tiếng của Mỹ đã cảnh báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đối mặt với các hình phạt, vì đã mua tên lửa S-400, theo điều luật trừng phạt các nước mua thiết bị quân sự từ Nga. Thổ Nhĩ Kỳ nói, với tư cách là một thành viên NATO, nước này không gây ra mối đe dọa nào đối với Mỹ và các biện pháp trừng phạt không nên được áp dụng.
Nếu giải quyết được tranh chấp này, điều đó có thể giúp hai chính phủ xoay chuyển tình thế của các mối quan hệ căng thẳng trong nhiều năm qua.
Điều này quan trọng hơn đối với Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đang bị sa lầy trong suy thoái sau khi một cuộc tranh chấp ngoại giao khác của Mỹ vào năm ngoái đã gây ra một cuộc khủng hoảng tiền tệ. Cuộc khủng hoảng đó lại ám ảnh trong những tuần gần đây khi các mối quan hệ tiếp tục trở nên xấu đi.
Hai tháng trước khi lô tên lửa S-400 đầu tiên có thể được giao cho Thổ Nhĩ Kỳ, một nhóm các bộ trưởng cao cấp của Thổ Nhĩ Kỳ đã đến thăm Washington trong tuần này để đàm phán nhằm giảm bớt khủng hoảng. Đỉnh điểm của chuyến thăm là một cuộc họp không có trong kế hoạch với Tổng thống Mỹ tại Phòng Bầu dục.
Ngay cả các lệnh trừng phạt nhỏ của Mỹ cũng có thể gây ra thêm một đợt bán tháo mạnh mẽ đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ, làm trầm trọng thêm cuộc suy thoái trong nền kinh tế lớn nhất Trung Đông. Sau khi giảm 30% giá trị vào năm ngoái, đồng tiền này đã giảm thêm 10% và thị trường tiếp tục lao đao.