Gần đây, việc Mỹ triển khai 6 máy bay ném bom chiến lược B-52H từ căn cứ Barksdale (bang Lousiana) tới Tây Âu đã trở thành chủ đề nóng hổi trên các phương tiện truyền thông và giới chuyên gia.
Không chỉ xuất hiện ở Tây Âu, việc B-52 liên tục thực hiện các chuyến bay gần biên giới Nga trên biển Baltic đã gây khó chịu cho Moscow khiến lực lượng phòng không nước này luôn phải cảnh giác cao độ.
Ghi nhận trong khoảng thời gian này, các máy bay Su-27 của Nga liên tục tiến hành "đánh chặn" B-52 ở Baltic.
Viết trên Twitter hôm 22/3, blogger quân sự Petri Makela cho hay, Quân đội Nga đã phải triển khai các hệ thống S-300 tới điểm cực Tây tỉnh Kaliningard, giáp biên giới Ba Lan để đề phòng các cuộc không kích tiềm cảnh.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Moscow và Washington, nhiều người bắt đầu tự hỏi liệu "ai sẽ giành chiến thắng" trong trận chiến giữa máy bay ném bom B-52 với hệ thống tên lửa S-400?
"Pháo đái bay" hồi sinh
Sự so sánh này có vẻ như sẽ hơi "khập khễnh" vì "tuổi đời" hai loại vũ khí chiến lược này như "lão già sắp về chín suối" với "thanh niên tuổi bẻ gãy sừng trâu", đó là chưa kể nhiệm vụ của hai bên cũng khác nhau.
Được phát triển vào những năm 1950, B-52 nay đã 64 tuổi nhưng vẫn là một trong 3 trụ cột không quân chiến lược Mỹ.
Chiếc máy bay thường được mệnh danh là "pháo đài bay" này đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh hơn bất kỳ loại máy bay ném bom hạng nặng nào trên thế giới hiện nay.
Cho tới hôm nay, B-52 vẫn được xem là "pháo đài bay" cực kỳ nguy hiểm có khả năng "giải phóng" lượng bom đạn lớn nhất của Mỹ từ trên không.
Tất nhiên, nếu tiến công theo kiểu cổ điển bay thật cao, dùng hệ thống gây nhiễu bảo vệ rồi "rải thảm bom" thì B-52 khó có cửa đấu với hệ thống phòng không hiện đại của Nga.
Thay vào đó, hiện nay Mỹ đã hiện đại hóa phần lớn các máy bay B-52 cho phép nó mang được nhiều loại tên lửa hành trình để thực hiện các cuộc không kích từ cự ly ngoài tầm phòng không.
Các kỹ thuật viên treo tên lửa AGM-86 lên cánh chiếc B-52.
Ví dụ như tên lửa AGM-86A (mang đầu đạn hạt nhân, tầm bắn 2.400km); AGM-86C (mang đầu đạn thường, tầm bắn 2.400km); AGM-84 (chống tàu mặt nước, tầm bắn 123km.
Với khả năng này, B-52 giống như được "cải tử hoàn sinh, trở về thời trai trẻ", hoàn toàn đủ sức mạnh đe dọa nước Nga.
Chẳng thế mà, theo một số báo cáo, 5 máy bay B-52H "táo tợn" tiến hành cuộc tấn công hạt nhân giả định vào TP Moscow và St Petersburg hôm 28/3.
Hay chuyến bay huấn luyện của B-52H với tiêm kích F-16 trên Biển Na Uy cũng là một trong những cuộc diễn tập giả định phóng tên lửa hành trình tấn công Nga từ cự ly ngoài tầm phòng không và bán kính chiến đấu của MiG-31.
Bắn xa 400km, B-52 chẳng phải đối thủ
Về phía "đối thủ" B-52, S-400 là một trong những hệ thống phòng không tầm bắn xa nhất và hiện đại nhất thế giới hiện nay.
S-400 do Cục thiết kế Almaz phát triển từ những năm 1990 trên cơ sở nâng cấp hệ thống S-300, cho nên ban đầu nó còn được gọi là S-300PMU-3. Nó chính thức gia nhập Quân đội Nga từ năm 2007 và liên tục được sản xuất phủ khắp lãnh thổ.
Theo các tài liệu quảng cáo của Nga, hệ thống S-400 có khả năng phát hiện mục tiêu ở cự ly tới 600km, có khả năng đánh chặn đồng thời 80 mục tiêu, số lượng tên lửa có thể cùng lúc triển khai 160km.
Tầm bắn với mục tiêu khí động từ 2-400km với độ cao từ 5m tới 27km (tối đa tới 30km); tầm bắn với mục tiêu tên lửa đạn đạo từ 5-60km.
Bệ phóng S-400 Triumf.
Hệ thống S-400 cũng được cho là có khả năng kháng nhiễu điện tử cao, đối tượng tác chiến mà nó hướng tới là máy bay ném bom chiến lược, máy bay cảnh báo sớm, máy bay tiêm kích, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo...
Nhìn chung, so với "tiền bối" S-75 Dvina thời chiến tranh Việt Nam, S-400 sở hữu khả năng tác chiến vô địch, mọi loại mục tiêu từ nhỏ nhất như UAV tới to nhất như B-52 đều khó lòng mà vượt qua hệ thống này.
Sự thật "động trời" S-400 và cơ hội nào cho "lão già" B-52?
Tuy nhiên, trong một báo cáo gần đây của Cục Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển đã đặt nhiều câu hỏi xung quanh về khả năng thực sự của S-400.
Cụ thể, giới chuyên gia cục này cho rằng, phạm vi tác chiến hiệu quả của hệ thống phòng không S-400 chỉ là 150-200km mà thôi. Nếu đúng thì đây quả là sự thật "động trời" và Nga đã "nổ" hơi bị quá về tầm bắn của S-400.
Khi chống lại các tên lửa hành trình bay thấp được phóng đi từ B-52, S-400 chỉ có thể hạ mục tiêu ở cự ly... 20km.
Trong khi đó siêu đạn 40N6 (tầm bắn 400km) hiện chưa đưa vào phục vụ do vấn đề trong quá trình phát triển và thử nghiệm.
Cấu hình hiện tại của S-400 chủ yếu được coi là mối đe dọa với các máy bay có giá trị cao như máy bay cảnh báo sớm AWACS hoặc máy bay vận tải ở độ cao từ trung - cao, phạm vi từ 150-250km.
Ngược lại, tầm bắn hiệu quả chống các máy bay chiến đấu chiến thuật cơ động cao và tên lửa hành trình bay thấp chỉ là từ 20-30km.
Hơn nữa, bất chấp việc đây là hệ thống vũ khí tinh vi, một khẩu đội S-400 phụ thuộc vào nền tảng radar dẫn đường duy nhất. Do đó, nó được cho là dễ bị tổn thương, vô hiệu hóa khi mất đài radar.
Kể cả nếu khi đạn 40N6 đi vào hoạt động, tầm bắn 400km không thể được khai thác có hiệu quả chống lại mục tiêu bay dưới độ cao khoảng 3.000m trừ khi dữ liệu mục tiêu có thể được cập nhật trong hành trình bay của đạn từ máy bay hoặc radar chuyển tiếp.
Bản đồ đánh dấu vị trí B-52 tiến hành diễn tập phóng tên lửa vào Moscow và Petersburg.
Nói như vậy, không có nghĩa hệ thống S-400 sẽ bại trận trước B-52, nhìn chung so sánh về mặt kỹ thuật thì "không ai thắng ai" nếu đánh theo kiểu "một chọi một".
B-52 thì không dám vào phạm vi phòng không của S-400, còn Triumf thì không thể bắn tới vị trí phóng tên lửa của "họ B". Cuộc chiến thực tế sẽ quyết định ở nhiệm vụ riêng của hai loại vũ khí.
Trong khi B-52 sẽ là làm thế nào phá hủy được các căn cứ quân sự, nhà máy quốc phòng hay bộ chỉ huy thì S-400 phải đánh thiệt hại nặng cuộc tập kích đường không.
Mà nhiệm vụ như thế, cả B-52 và S-400 phải có "đồng đội", không nhất thiết S-400 phải ra mặt để đánh chặn tên lửa hành trình bay thấp, nhiệm vụ đó là của Pantsir-S1, Tor-M2, Buk-M2/M3...
Nhiệm vụ của S-400 là "săn" các máy bay có giá trị như máy bay cảnh báo sớm hay máy bay ném bom B-52, B-1, B-2 Spirit.
Về phía B-52, dù có tên lửa hành trình nhưng loại vũ khí thông minh với giá đắt kinh khủng này không phải giải pháp tốt cho cuộc chiến lớn, đòi hỏi khối lượng đạn dược khổng lồ. Cho nên, bom vẫn là thứ vũ khí rẻ và gây ra sự hủy diệt kinh hoàng nhất.
Nếu có thể an toàn vượt qua lưới lửa phòng không của Nga, các phi đội B-52 có thể gây ra hậu quả khủng khiếp chưa từng thấy với bất kỳ mục tiêu nào bằng kiểu ném bom "rải thảm".
Tuy nhiên, bay vào phạm vi phòng không của đối phương cũng là "canh bạc hên xui", bởi đó là lúc các hệ thống tên lửa S-300, S-400 trổ tài.
Nói chung, cuộc chiến B-52 và S-400 - ai thắng ai là bài toán không có lời giải?
Máy bay ném bom B-52 tới châu Âu.