Thiếu tá phi công Mỹ chết tức tưởi trong đêm: Sự xuất hiện bí ẩn của MiG-25

Hải Vy |

"Ai đã bắn hạ phi công Hải quân Mỹ Scott Speicher?" - Sau hàng năm trời, người ta mới có thể đưa ra kết luận cuối cùng.

Thiệt hại đầu tiên

Rạng sáng ngày 17/1/1991, khi cảnh vật vẫn còn chìm trong màn đêm, Hải quân Mỹ đã hứng chịu thiệt hại đầu tiên trong chiến dịch Bão táp sa mạc: Thiếu tá hải quân Scott Speicher bị bắn hạ trên chiếc McDonnell F/A-18C Hornet số hiệu 163484 khi cách Baghdad khoảng 100 dặm về phía tây.

Theo Tom Cooper - chuyên gia phân tích sức mạnh không quân tại Trung Đông, trong nhiều năm, người ta không rõ liệu Speicher đã chết hay bị bắt làm tù binh chiến tranh. Những thay đổi mang động cơ chính trị về tình trạng chính thức của viên phi công đã góp phần đáng kể gây ra làn sóng tranh cãi.

Sau khi chiếc máy bay bị bắn hạ, vào ngày hôm sau, quân đội Mỹ tuyên bố Speicher "đã tử trận". Nhưng trên thực tế, Lầu Năm Góc khi đó không chắc chắn về số phận của viên phi công và sau này họ đã thay đổi lại thông báo thành "đang mất tích".

Cho tới tháng 8/2009, tức là 18 năm sau đó, các quan chức Hải quân Mỹ xác nhận rằng Viện bệnh lý học của quân đội Mỹ đã nhận dạng những gì còn sót lại tại Iraq là của thiếu tá Speicher.

Tuy nhiên, cho tới nay, cái chết của Speicher vẫn là một bí ẩn. Ban đầu, Hải quân Mỹ khăng khăng cho rằng Speicher bị bắn hạ bởi tên lửa đất-đối-không.

Các báo cáo tương ứng đã được công bố trong những năm 1990, bất chấp việc một số phi công cùng thực hiện nhiệm vụ với Speicher kể lại rằng họ trông thấy một tiêm kích MiG-25 của Không quân Iraq xuất hiện gần thời điểm chiếc Hornet của Speicher bị bắn trúng và các tờ báo Iraq đã đăng tải một số câu chuyện về chiếc MiG trong thời gian sau vụ việc.

Năm 2001, CIA công bố bản tóm tắt báo cáo về cái chết của Speicher, trong đó cho rằng chiếc Hornet đã trúng tên lửa không-đối-không của chiến đấu cơ Iraq.

Một cuộc kiểm tra chéo hồi ức của các phi công MiG-25 Iraq, các phi công và nhân chứng của Mỹ tiết lộ rằng Hải quân Mỹ đã có thể thiệt hại tới 3 máy bay chiến đấu vào đêm hôm đó. Nhiều ý kiến nghi ngờ rằng, điều này không xảy ra là do tính kỷ luật cao của các phi công Iraq.

Ai đã bắn hạ Scott Speicher?

Thiếu tá phi công Mỹ chết tức tưởi trong đêm: Sự xuất hiện bí ẩn của MiG-25 - Ảnh 1.

Một chiếc F/A-18 trưng bày tại căn cứ hải quân Pensacola

Khoảng 2:30 ngày 17/1 (theo giờ Baghdad), 3 nhóm máy bay chiến đấu của Hải quân Mỹ tiến vào không phận Iraq để tấn công Tammuz - một căn cứ không quân lớn của Iraq, nơi đồn trú các phi đội bay vận hành tiêm kích MiG-25, MiG-29 và nhiều loại máy bay ném bom khác nhau.

Nhóm đầu tiên gồm 10 chiếc F/A-18C Hornet từ phi đội bay VFA-81 và VF-83. Chúng bay thành đội hình "bức tường" rộng - về cơ bản là một hàng dài máy bay chiến đấu bay ngang nhau, cách nhau từ 1-5 dặm. 5 máy bay bên trái (phía tây của bức tường) thuộc phi đội VFA-83. 5 máy bay bên phải (phía đông bức tường) thuộc phi đội VFA-81.

Nhiệm vụ của chúng là dọn đường cho máy bay ném bom và áp chế mạng lưới phòng không đối phương.

Phía sau những chiếc Hornet là 8 chiếc A-6E Intruder từ phi đội VA-35 và VA-75, được giao nhiệm vụ oanh tạc Tammuz. 3 chiếc EA-6B Prowler từ phi đội VAQ-130 và 2 cặp F-14A Tomcat từ phi đội VF-32 bay hỗ trợ Hornet và Intruder.

Do chưa được trang bị khả năng nhận dạng điện tử mới nhất nên Tomcat bay phía sau Hornet để hỗ trợ chúng và hộ tống các máy bay ném bom bay chậm.

Do bay ở độ cao lớn, đội hình máy bay Mỹ không khó bị phát hiện. 1 trong 4 chiếc MiG-25PD từ phi đội số 96 được đặt trong tình trạng báo động tại căn cứ không quân Qadessiya đã xuất kích để ngăn chặn.

Trung úy không quân Iraq Zuhair Dawoud cầm lái, chiếc máy bay rẽ sang phía nam, vọt lên sau khi động cơ đốt nhiên liệu phụ trội ở mức độ tối đa và tăng tốc tới Mach 1.4. Chiếc Foxbat của Iraq gần như lao thẳng tới trung tâm đội hình của VFA-83. Tất nhiên, chỉ huy phi đội VFA-83 Michael Anderson cũng phát hiện ra MiG-25 khi nó vừa cất cánh.

Thiếu tá phi công Mỹ chết tức tưởi trong đêm: Sự xuất hiện bí ẩn của MiG-25 - Ảnh 2.

Một phi công Iraq bên chiếc MiG-25PD mà trung úy không quân Dawoud đã điều khiển năm 1991.

Mặc dù nhận cảnh báo từ radar nhưng do không được lệnh khai hỏa, Dawoud lái máy bay về phía tây và bay "vòng quanh" chiếc Hornet của Anderson theo hướng ngược chiều kim đồng hồ nhưng vẫn cách khoảng 45 dặm.

Tuy nhận ra máy bay chiến đấu Iraq ở phía trước là kẻ địch nhưng Anderson vẫn chưa vội khai hỏa mà chờ xác nhận từ máy bay cảnh báo sớm E-3A Sentry của Không quân Mỹ. Tuy nhiên, chiếc MiG-25 nằm ở ngoài tầm phát hiện của Sentry và còn tắt radar nên kíp lái của E-3 đã không có đủ dữ liệu cần thiết để hoàn tất quá trình nhận dạng.

Trong khi đó, Anderson đã đuổi theo Dawoud theo vòng quay cho tới khi họ bay ngang qua nhau. Lúc này, phi công Iraq tắt động cơ đốt sau, khiến phi công Mỹ mất dấu vết. Dawoud báo cáo lại tình hình với trung tâm chỉ huy dưới mặt đất và nhận được chỉ thị quặt về hướng đông, rồi tấn công một mục tiêu khác cách xa 20 dặm.

Theo chỉ dẫn này, Dawoud kích hoạt radar, khóa mục tiêu tại khoảng cách 15,6 dặm và phóng 1 tên lửa R-40RD. Ông giữ khóa mục tiêu cho tới khi chứng kiến một vụ nổ khổng lồ phía trước và thấy máy bay địch lảo đảo rơi xuống rồi bị nhấn chìm trong biển lửa.

Sử dụng dữ liệu từ thiết bị lưu trữ kỹ thuật số trên chiếc Hornet của Speicher thu hồi lại từ Iraq vào năm 1995 dưới sự bảo trợ của Ủy ban chữ thập đỏ quốc tế, các nhà điều tra Hải quân Mỹ kết luận rằng tên lửa R-40D đã tiếp cận chiếc Hornet của Speicher từ bên trái và phát nổ phía dưới buồng lái.

Vụ nổ gây ra do đầu đạn nổ phân mảnh nặng 70kg đã lập tức hất chiếc máy bay văng về phía bên phải 50-60 độ, tạo ra một lực mạnh làm vỡ các thùng nhiên liệu trong máy bay và các giá treo của chúng. Speicher đã phóng ra khỏi máy bay nhưng tử vong sau đó. Máy bay của Speicher rơi xuống cách căn cứ Qadessiya 48 dặm về phía nam.

Thiếu tá phi công Mỹ chết tức tưởi trong đêm: Sự xuất hiện bí ẩn của MiG-25 - Ảnh 3.

Hình ảnh cắt ra từ đoạn video năm 1995 mà nhóm Hải quân Mỹ ghi lại khi điều tra hiện trường tai nạn của chiếc Hornet do Specher điều khiển

Dawoud chuyển sang tìm kiếm mục tiêu khác khi trung tâm chỉ huy thông báo với ông về nhóm máy bay Mỹ thứ 2 đang tiếp cận. Cách phía sau chiếc máy bay của Speicher 49 dặm, trung tá Robert Besal, chỉ huy phi đội VA-75, dẫn đầu một nhóm gồm 3 chiếc Intruder.

Lần này, chiếc Sentry của Mỹ đã phát hiện ra Foxbat kịp thời và trong khoảng 2 phút, sau khi Speicher bị bắn hạ, nó đã phát đi cảnh báo về "một chiếc máy bay có khả năng là Foxbat đang bay về phía nam".

MiG-25 lao xuống chiếc Intruder của Besal, song luồng lửa phụt ra từ 2 động cơ đốt sau cỡ lớn của máy bay Iraq hiện ra rõ mồn một trong bầu trời đêm.

Phi công của Besal - thiếu tá Mike Steinmetz cua gấp về bên phải, khiến chiếc MiG-25 bắn trượt. Nó bay sang bên trái chiếc Intruder chất đầy bom rồi phóng vọt lên phía trên.

Bất ngờ, Dawoud vòng lại về phía chiếc Intruder, lao xuống máy bay ném bom Mỹ theo hướng 6 giờ. Ông khóa lại mục tiêu và kích hoạt tên lửa tầm nhiệt R-40TD. Tuy nhiên, trung tâm chỉ huy đã từ chối đề nghị khai hỏa của Dawoud. Thay vào đó, họ yêu cầu Dawoud xác nhận mục tiêu bằng mắt thường.

Khi tiếp cận đủ gần để nhìn thấy ánh sáng trong buồng lái của chiếc A-6E chở Steinmetz và Besal, Dawoud gửi lại nhận dạng mục tiêu về trung tâm chỉ huy và đề nghị khai hỏa. Tuy nhiên, do vẫn không cảm thấy chắc chắn, trung tâm chỉ huy ra lệnh cho Dawoud ngừng chiến và quay trở lại căn cứ.

Trên đường bay về căn cứ, Dawoud cho rằng người Mỹ có thể sẽ phản công vào bất cứ thời điểm nào. Vì thế, ông luôn tập trung nhìn màn hình và để mắt tới hệ thống cảnh báo radar SPO.

Khi về tới nơi, Dawoud phát hiện căn cứ Qadessiya đã trở thành một đống hỗn loạn. 3 máy bay ném bom Tornado của Không quân Hoàng gia Anh đã rải hàng trăm quả mìn xuống đường bay tại đây. Chúng làm hư hại một trong những chiếc MiG-25 chuẩn bị cất cánh sau Dawoud và khiến viên phi công bị thương nghiêm trọng.

Chính vì thế, Dawoud đã buộc phải hạ cánh trên đường băng thứ 2 trước khi lăn bánh an toàn vào nhà chứa máy bay.

Bình minh lên, các phi công từ phi đội số 96 của Iraq tập trung lại bên những tách trà để thảo luận những gì đã xảy ra đêm hôm trước. Chỉ huy phi đội của Dawoud kết luận rằng viên phi công Mỹ - hoặc kíp lái của máy bay Mỹ - khó có khả năng sống sót trước đầu đạn vô cùng mạnh của R-40.

Dawoud điền vào bản báo cáo và gửi cùng bản báo cáo tương ứng của trung tâm chỉ huy dưới mặt đất tới cục phòng không của Không quân Iraq để xác nhận.

Tại đó, cuộc tranh cãi của phía Iraq bắt đầu. Các nhà chức trách không chấp nhận báo cáo của Dawoud và yêu cầu điều tra. Trong những ngày đầu của cuộc chiến tranh năm 1991, họ đã nhận được hàng tá các báo cáo tương tự và không có đủ phương tiện để kiểm tra chéo tất cả số đó.

Mặc dù Dawoud đã cung cấp thông tin bao quát về hướng di chuyển và vị trí phóng tên lửa trúng mục tiêu nhưng các nhà chứng trách không rõ sẽ tìm thấy mảnh vỡ của chiếc máy bay Mỹ bị bắn hạ ở đâu.

Cho tới khi quân Iraq bắt được đại úy hải quân Mỹ Larry Slade - sĩ quan trên chiếc F-14 Tomcat bị bắn hạ vài ngày sau đó, họ mới phát hiện ra một chiếc F/A-18C Hornet (cùng thuộc tàu sân bay USS Saratoga ) mất tích cùng với phi công.

Cơ quan tình báo Iraq phải mất gần 2 năm để xác nhận chắc chắn danh tính của viên phi công Hải quân Mỹ mất tích và mất thêm 2 năm nữa để kết luận rằng cái chết của viên phi công này trùng khớp với báo cáo của Dawoud.

Nhưng ngay cả khi đó, phía Iraq cũng không công bố xác nhận chính thức hoặc thông báo cho Không quân Mỹ. Họ cũng không đề cập tới việc Dawoud sẽ được tặng huân huy chương hoặc thăng cấp. Mãi cho tới năm 1995, phi công Iraq Dawoud mới được biết về tình hình của cuộc điều tra.

Dawoud đã viết một bức thư dài gửi tới tổng thống Iraq khi đó là ông Saddam Hussein, giải trình chi tiết nhiệm vụ của ông và những gì mà ông đọc được trên các tờ báo Mỹ. Baghdad sau đó đã phải ra xác nhận chính thức về vụ việc và trao tặng huân huy chương cho chiến công của Dawoud.

Song cũng giống như hàng trăm cựu sĩ quan và phi công của không quân Iraq dưới thời Saddam Hussein, từ năm 2003, Dawoud trở thành mục tiêu của lực lượng Vệ binh Cách Mạng Hồi giáo Iran. Ông buộc phải rời khỏi Iraq và hiện đang sinh sống trong cảnh tha hương.

Thiếu tá phi công Mỹ chết tức tưởi trong đêm: Sự xuất hiện bí ẩn của MiG-25 - Ảnh 4.

Một chiếc MiG-25 PD của Iraq bị quân đội Mỹ thu giữ vào tháng 4/2003.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại