Hòa Thân (1750-1799) tự Trí Giai, hiệu Gia Nhạc Đường, Thập Hốt Viên, Lục Dã Đình Chủ Nhân, được biết đến là một đại tham quan nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.
Hòa Thân là chính trị gia, thương nhân dưới triều đại vua Càn Long nhà Thanh.
Ban đầu, Hòa Thân làm quan khá thanh liêm.
Nhưng về sau, để củng cố địa vị chính trị cũng như thỏa mãn lòng tham của mình, ông ta đã lợi dụng chức quyền, kết bè kéo phái để làm ăn riêng mưu đồ lợi lộc, đả kích chính phái, tích trữ số lượng tài sản khổng lồ.
Sau khi vua Càn Long băng hà, vua Gia Khánh lên ngôi đã lập tức hạ chỉ cách chức Hòa Thân, tống giam vào đại ngục, ban cho tự vẫn.
Hình ảnh Hòa Thân ít nhiều đã được các bộ phim truyền hình khai thác dưới nhiều góc độ, chủ yếu là dưới cái nhìn châm biếm và đả kích. Mức độ tham lam của Hòa Thân được đánh giá là làm dao động cả nền móng quốc gia.
Không thể phủ nhận Hòa Thân là một đại tham quan, nhưng xét trên khía cạnh khác, ông ta cũng là một bậc đại tài.
Bởi nếu là một người đơn giản chỉ có lòng tham mà không có tài năng gì, chắc chắn ông ta sẽ không thể trở thành đại thần của nhà Thanh.
Kì thực, Hòa Thân vô cùng hiểu rõ đạo làm quan, cho nên Hoàng đế không khi nào bắt được điểm yếu cũng như chỗ sơ hở của ông ta. Vì thế, Hòa Thân có thể tiếp tục ngang nhiên tham ô mà không hề phải chịu tội.
Thứ nhất, Hòa Thân tuyệt đối không tham ô khoản tiền của triều đình dùng để cứu trợ thiên tai. Thời cổ xưa, việc sản xuất lương thực vô cùng lạc hậu, một khi gặp phải thiên tai như lũ lụt, hạn hán thì mùa màng xác định mất trắng.
Lúc này, triều đình sẽ điều động và mở kho lương thực để cấp phát cứu tế cho nhân dân. Không chỉ dừng lại ở cấp phát lương thực mà còn kèm theo cấp phát quần áo, tiền, vật dụng…
Số tiền và đồ dùng này sẽ giao cho quan địa phương thay mặt triều đình xử lý. Nhiều người cho rằng "trời cao ở xa" không quản lý nổi, thế nên chỉ cấp phát cho nhân dân một phần rất ít.
Rất nhiều viên quan nhỏ đã lợi dụng chức quyền để tham ô số tiền cứu trợ ấy mà không biết rằng sau khi thiên tai qua đi, Hoàng đế nhất định sẽ sai người điều tra.
Mỗi đợt cứu tế lại tra ra biết bao nhiêu người làm trái vương pháp, tham ô tiền của triều đình làm của riêng.
Nhìn lại Hòa Thân, ông ta không bao giờ tham ô khoản tiền cứu trợ thiên tai.
Hòa Thân hiểu rất rõ, tiền này nhất định không được tham, bởi chỉ tham một ít cũng sẽ bị tra ra, bị Hoàng đế bắt lấy làm điểm yếu, tất sẽ bị xử tội.
Hòa Thân hiểu rõ có rất nhiều người chỉ chờ ông ta mắc sai lầm là sẽ lập tức mượn cớ để lật lại hết những tội tham của mình.
Hòa Thân là vai diễn để đời của diễn viên Vương Cương
Thứ hai, Hòa Thân không tham ô khoản tiền triều đình dùng cho khoa cử. Vương triều phong kiến rất coi trọng việc trù bị nhân tài.
Từ khi chế độ khoa cử bắt đầu, mỗi dịp khoa cử đều được coi là việc trọng đại của quốc gia, là việc mà ai ai cũng nhìn vào.
Vì thế, Hòa Thân tuyệt đối không đụng đến khoản tiền này. Ông ta dẫu có lòng tham, nhưng rất biết trân trọng mạng sống của mình, và lại càng không muốn bị người ta đem ra "giết gà dọa khỉ".
Hòa Thân tham tiền tài, nhưng ông ta biết rõ tiền gì tham được tiền gì không tham được. Hòa Thân chỉ làm những việc mà bản thân nắm phần chắc chắn. Trên quan trường, Hòa Thân vô cùng cẩn thận, tỉ mỉ.
Hòa Thân hiểu rõ lòng tham của mình, cũng hiểu rõ Hoàng đế biết lòng tham của ông ta. Đây cũng là lý do khiến ông ta thân là tham quan nhưng lại không ai làm gì được. Chỉ cho tới khi vua Gia Khánh lên ngôi, Hòa Thân mới bị xử tới.
Hòa Thân luôn giữ cho mình thái độ biết khó mà lui nên đường quan trường vô cùng thuận lợi.
Hơn nữa, Hoàng đế rất thích Hòa Thân trên một số phương diện, Hòa Thân cũng hết lòng làm việc cho vua, ông ta chỉ lợi dụng chức quyền để tham ô những khoản tiền không nghiêm trọng, bởi vậy mà Hoàng đế nhiều khi cũng mắt nhắm mắt mở cho qua.