Trung tâm dữ liệu của Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới.
Thị trường Châu Á tăng tốc đầu tư phát triển trung tâm dữ liệu
Các nước châu Á đang ghi nhận sự gia tăng về nhu cầu đối với trung tâm dữ liệu nhằm phục vụ nền kinh tế kỹ thuật số nội địa và các thị trường phát triển.
Ông Thomas Rooney, Quản lý Cấp cao, Dịch vụ Tư vấn Công Nghiệp, Savills Hà Nội, cho biết: “Các quốc gia Châu Á đang phát triển sẽ ghi nhận nhu cầu về trung tâm dự liệu ngày một tăng, khi nền kinh tế kỹ thuật số và thói quen mua sắm trực tuyến tăng lên. Ấn Độ, Indonesia và Malaysia là những quốc gia đã đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của họ.”
Hơn 200 triệu trong số 275 triệu dân số của Indonesia có thể truy cập Internet và thị trường bán lẻ trực tuyến của nước này được dự đoán sẽ tăng lên 95 tỷ USD vào năm 2025. Quốc gia này đồng thời là trung tâm của việc phát triển công nghệ, với một số kỳ lân trong nước bao gồm GoTo, doanh nghiệp huy động được hơn 1 tỷ USD khi được niêm yết vào năm ngoái.
Sức hút của trung tâm dữ liệu tại Indonesia không chỉ nằm tại trong nước mà còn tại cả các đảo lân cận để có thể phục vụ được cả nhu cầu trong lẫn ngoài nước. Một trong số đó là Batam, một hòn đảo của Indonesia gần Singapore, được dự đoán sẽ trở thành điểm nóng về trung tâm dữ liệu trong tương lai, phục vụ cả nhu cầu từ Indonesia và Singapore. Hòn đảo này được phát triển và tận dụng năng lượng thông thường và năng lượng tái tạo, từ đó trở nên hấp dẫn đối với các đơn vị khai thác dữ liệu.
Malaysia cũng đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, thông qua việc triển khai các tuyến cáp quang biển, tăng cường kết nối nội địa và phát triển 5G. Điều này đã thu hút sự quan tâm từ các công ty nước ngoài, chẳng hạn như nhà đầu tư trung tâm dữ liệu NEXTDC của Úc, đang xây dựng một trung tâm dữ liệu 65MW, đây sẽ là cơ sở Cấp IV lớn nhất của Malaysia.
Trong khi đó, dân số khổng lồ và sự giàu có ngày càng tăng tại Ấn Độ đồng nghĩa với việc quốc gia này sẽ trở thành tâm điểm của trung tâm dữ liệu tại khu vực. Theo báo cáo của Savills Impacts, tổng công suất các trung tâm dữ liệu của Ấn Độ được bổ sung trong năm 2022 là 150 MW và trong năm 2023 là 250 MW, nâng tổng công suất các trung tâm dữ liệu hiện tại ở Ấn Độ đạt 1 GW.
Các sáng kiến do chính phủ khởi xướng như Ấn Độ Kỹ thuật số, hoặc việc nhấn mạnh vào khả năng tự lực và bảo vệ dữ liệu thông qua việc nội địa hóa dữ liệu, dự kiến sẽ làm tăng khối lượng dữ liệu trong nước, dẫn đến nhu cầu về trung tâm dữ liệu tăng lên.
Ngành trung tâm dữ liệu của Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới
Báo cáo của Savills Châu Á Thái Bình Dương cho thấy Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam có ít trung tâm dữ liệu hơn Hong Kong và Singapore, mặc dù có dân số đông hơn 30 lần. Tuy nhiên, Trung tâm dữ liệu của Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới nhờ quá trình số hóa của nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước và dân số trẻ hiểu biết về kỹ thuật số, sự xuất hiện của 5G, nhu càu tự cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và luật nội địa hóa dữ liệu.
Tại Việt Nam, theo ghi nhận của Savills Việt Nam, cả nước có tổng số 28 dự án trung tâm dữ liệu với tổng công suất đạt 45 MW. Thị trường ghi nhận sự tham gia của 44 nhà cung cấp dịch vụ.
Kể từ Quý 1/2021, yêu cầu từ các đơn vị khai thác trung tâm dữ liệu nước ngoài đang tìm kiếm địa điểm và đối tác liên doanh tiềm năng tại Việt Nam đã tăng lên do các công ty siêu quy mô công bố sự quan tâm đến Việt Nam. Đáng chú ý, vào tháng 8 năm 2022, Amazon Web Services (AWS) công bố ra mắt các trung tâm dữ liệu tại Hà Nội và TP.HCM.
Hiện tại, hầu hết các công ty tham gia phân khúc trung tâm dữ liệu của Việt Nam đều là các công ty viễn thông trong nước như Viettel IDC, Các Trung tâm Dữ liệu toàn cầu NTT, FPT Telecom, CMC Telecom, HTC Telecom International, VNPT và VNTT. Các nhà cung cấp cơ sở hạ tầng CNTT bao gồm HP, Deli, Cisco System, Fujitsu, Hitachi, Huawei, IBM, Lenovo, NetApp, NEC Corp và Oracle.
Chính phủ đặt mục tiêu Việt Nam trở thành trung tâm kỹ thuật số quan trọng. Thị trường trung tâm dữ liệu của Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên 1,04 tỷ USD vào năm 2023, tăng từ mức 561 triệu USD vào năm 2022 và đạt tốc độ tăng trưởng kép là 10,7%. Theo Viettel IDC, việc đẩy nhanh thương mại hóa và công nghệ 5G là điều cần thiết để đáp ứng các phong trào Công nghiệp 4.0 như AI, Big Data và IoT.
Chính phủ có Chương trình Chuyển đổi Kỹ thuật số với mục tiêu chuyển 50% hoạt động kinh doanh sang nền tảng kỹ thuật số vào năm 2025. Kết nối 5G của Việt Nam hỗ trợ triển khai trung tâm dữ liệu biên và cung cấp kết nối chặng cuối cùng các dịch vụ có độ trễ thấp hơn. Vào tháng 2 năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố kế hoạch nghiên cứu phát triển công nghệ 6G nhằm đáp ứng nhu cầu của các lĩnh vực công nghệ đang phát triển nhanh nhất.
Trên cả nước hiện có 5 tuyến cáp ngầm kết nối với các nước APAC, EMEA và Hoa Kỳ. Hai tuyến cáp sắp ra mắt dự kiến từ năm 2023 đến năm 2024 bao gồm Cáp trực tiếp châu Á (ADC) và Cáp 2 Đông Nam Á-Nhật Bản (SJC2).
Ông Thomas Rooney cho rằng, tăng trưởng nhanh chóng mang lại rủi ro và trách nhiệm đảm bảo quyền riêng tư dữ liệu, an ninh mạng, tiêu thụ tài nguyên bền vững, độ tin cậy và chất lượng dịch vụ. Điều này có nghĩa là Việt Nam phải giải quyết các thách thức và cơ hội về điện toán đám mây, dịch vụ cho thuê chỗ đặt máy chủ (colocation), doanh nghiệp và điện toán biên cũng như vai trò của chúng trong việc thúc đẩy tương lai kỹ thuật số của đất nước.
Cũng theo ông Thomas: “Việc phát triển danh mục trung tâm dữ liệu tại thị trường Châu Á – Thái Bình Dương rất tiềm năng, tuy nhiên sẽ cần thời gian do tính chất phân mảnh hiện tại của ngành. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của lĩnh vực này là một minh chứng về tiềm năng mà nó nắm giữ. Dữ liệu gần đây nhất từ Savills World Research nhấn mạnh rằng mặc dù các chiến lược đầu tư về cốt lõi có thể chiếm ưu thế trong năm 2024 nhưng thị trường sẽ tiếp tục ghi nhận đầu tư gia tăng vào trung tâm dữ liệu”.