Thu nhập bình quân từng chỉ đạt 100 USD, xếp 9/10 ASEAN, Việt Nam mất 7 năm vượt Campuchia, 8 năm vượt Lào, mấy năm vượt Philippines?

Minh Tiến |

Năm 1990, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt 102 USD, xếp thứ 9/10 trong khối ASEAN.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 1990, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ cao hơn Myanmar (40 USD), thấp hơn thu nhập bình quân của Lào (190 USD) và Campuchia (150 USD).

Giai đoạn 1990-1996, thu nhập bình quân của Việt Nam liên tục thấp hơn Lào và Campuchia. Năm 1996, thu nhập bình quân của Lào đạt khoảng 380 USD, Campuchia đạt khoảng 310 USD, còn Việt Nam đạt khoảng 300 USD.

Tuy nhiên, đến năm 1997, thu nhập bình quân của Việt Nam đã vượt qua Campuchia. Năm 1997, thu nhập bình quân của Việt Nam đạt khoảng 340 USD, còn Campuchia đạt khoảng 320 USD. Theo đó, thu nhập bình quân của Việt Nam đã chính thức vượt qua Campuchia sau 7 năm.

Đến năm 1998, thu nhập bình quân của Việt Nam đã vượt thêm Lào. Năm 1998, thu nhập bình quân của Việt Nam đạt khoảng 350 USD, còn của Lào đạt khoảng 300 USD và Campuchia đạt khoảng 290 USD. Theo đó, thu nhập bình quân của Việt Nam đã chính thức vượt qua Lào sau 8 năm.

Từ năm 1999 đến nay, thu nhập bình quân của Việt Nam luôn xếp trên Lào và Campuchia. Đến năm 2020, thu nhập bình quân của Việt Nam đã vượt thêm Philippines.

Năm 2020, thu nhập bình quân của Việt Nam đạt khoảng 3.450 USD, còn của Lào đạt khoảng 2.470 USD, Campuchia đạt khoảng 1.530 USD, Philippines đạt khoảng 3.350 USD. Theo đó, thu nhập bình quân của Việt Nam đã chính thức vượt qua Philippines sau 30 năm. Từ năm 2021 đến nay, thu nhập bình quân của Việt Nam luôn xếp trên Philippines.

Thu nhập bình quân từng chỉ đạt 100 USD, xếp 9/10 ASEAN, Việt Nam mất 7 năm vượt Campuchia, 8 năm vượt Lào, mấy năm vượt Philippines? - Ảnh 1.

Thu nhập bình quân đầu người các nước trong khối ASEAN giai đoạn 1990 -2022. Nguồn: Ngân hàng Thế giới.

Xét trong toàn bộ các nước thuộc khu vực ASEAN, thu nhập bình quân của Việt Nam có sự thay đổi rõ rệt trong giai đoạn 1990-2022.

Năm 2022, thu nhập bình quân Việt Nam xếp thứ 6/10 trong khối ASEAN. Theo đó, thu nhập bình quân của Singapore, Brunei, Malaysia, Thái Lan và Indonesia vẫn xếp trên Việt Nam. Thu nhập bình quân của Singapore, Brunei, Malaysia, Thái Lan, Indonesia đang gấp lần lượt là 17 lần, 8 lần, 3 lần, 2 lần và 1,2 lần so với thu nhập bình quân của Việt Nam.

Sau 30 năm nỗ lực phát triển, thu nhập bình quân của Việt Nam đã tăng từ 102 USD năm 1990 lên 4.010 USD năm 2022.

Trong giai đoạn 1990 - 2022, thu nhập bình quân của Việt Nam có mức tăng lớn nhất trong khu vực ASEAN (gấp 40 lần). Các quốc gia khác đều có sự cải thiện nhưng chậm hơn như: Myanmar (gấp hơn 30 lần), Lào (gấp gần 12,4 lần), Campuchia (gấp 11,33 lần), Indonesia (gấp 8 lần), Singapore (gấp 6 lần), Malaysia (gấp 5 lần), Philippines (gấp 4,7 lần), Thái Lan (gấp 4,7 lần) và Brunei (gấp 2,6 lần).

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay, Việt Nam có khả năng gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao trước năm 2030 nếu không vướng bẫy thu nhập trung bình thấp.

Tuy nhiên, kinh nghiệm thế giới cho thấy, đa số các quốc gia khi chạm đến ngưỡng này thì tốc độ tăng trưởng chậm dần, nhiều vấn đề của nền kinh tế xuất hiện mang tính cơ cấu và gặp khó khi giải quyết dứt điểm.

Cùng với đó, nền kinh tế phải đối mặt với nhiều vấn đề về già hóa dân số, an sinh xã hội, môi trường, cạn kiệt tài nguyên… hệ quả là chỉ rất ít các quốc gia vượt qua được bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Theo GS. Phạm Hồng Chương, trong số 101 quốc gia có mức thu nhập trung bình trong thập niên 1960, chỉ có 13 quốc gia trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2008. Thực tiễn này cho thấy để biến khát vọng thành hiện thực, Việt Nam phải tiếp tục con đường đã chứng tỏ mang lại thành công trong hơn 30 năm qua, đó là phát triển kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế.

TS. Fred McMahon thuộc Viện Nghiên cứu Fraser Canada cho rằng, "đòn bẩy" cho hạ tầng kinh tế sẽ giúp nâng cao thu nhập đầu người đồng thời tăng năng suất và tăng trưởng kinh tế. Lợi thế khác, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ với mức trung bình 6% trong vòng 10 năm qua, trong khi các quốc gia giàu hơn sẽ tăng trưởng chậm lại. Mặt khác, các quốc gia khác (như Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan) bắt kịp tốc độ tăng trưởng của Việt Nam nhưng "mờ nhạt" dần khi họ không thể cải thiện tự do kinh tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại