Ảnh: CNBC
Năng lượng hạt nhân đã lùi bước trong thập kỷ qua, đặc biệt là ở phương Tây. Thay vào đó, các chính phủ và nhà đầu tư tập trung nỗ lực chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo nhằm thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải carbon bằng 0 vào giữa thế kỷ này.
Nhưng hiện nay, ngày càng có nhiều người thừa nhận rằng hạt nhân là nguồn bổ sung quan trọng cho năng lượng tái tạo, cung cấp nguồn điện sạch và ổn định khi không có gió và mặt trời do điều kiện thời tiết.
Trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu ngày càng cấp bách, Mỹ và liên minh gồm hơn 20 quốc gia, chủ yếu là phương Tây, đã cam kết tăng gấp ba công suất điện hạt nhân vào năm 2050 tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc diễn ra tại Dubai vào cuối tuần trước.
Các mục tiêu năng lượng hạt nhân đầy tham vọng của liên minh do Mỹ dẫn đầu được đưa ra khi Trung Quốc đang xây dựng hoặc lên kế hoạch cho hàng chục lò phản ứng mới. Việc này có khả năng dẫn đến một cuộc chạy đua tìm kiếm nguồn cung uranium trên toàn cầu khi mà Nga và Ấn Độ cũng có kế hoạch thúc đẩy mạnh mẽ năng lượng hạt nhân.
Trữ lượng uranium của thế giới chỉ tập trung ở một số quốc gia, trong đó có một số nước như Kazakhstan và Uzbekistan đang phải đối mặt với những rủi ro địa chính trị ngày càng gia tăng. Các công ty khai thác uranium hàng đầu khác là các doanh nghiệp nhà nước do Trung Quốc và Nga kiểm soát.
Đáng chú ý, được đặt tại Canada, tập đoàn khai thác mỏ khổng lồ Cameco Corp. hiện đang vận hành mỏ uranium lớn nhất thế giới tại hồ Cigar, phía bắc của vùng Saskatchewan. Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, hồ Cigar chiếm đến 14% lượng uranium của thế giới.
Cameco chiếm tới 20% sản lượng uranium toàn cầu, theo RBC Capital Markets. Cổ phiếu của Cameco đã tăng hơn gấp đôi vào năm 2023, đẩy giá trị vốn hóa của công ty lên mức khoảng 20 tỷ USD, nhờ giá uranium tăng vọt.
Theo RBC, thu nhập của Cameco trước lãi vay, thuế, khấu hao có thể tăng hơn gấp đôi vào năm 2035. “Trong một thế giới ngày càng phân cực, chúng tôi tin rằng Cameco sẽ là một đối tác an toàn, đáng tin cậy, và không có ràng buộc địa chính trị với các đối thủ cạnh tranh được nhà nước hậu thuẫn”, nhà phân tích Andrew Wong của RBC nhận xét hồi tháng 11 và mô tả mỏ Cigar là “nhà vô địch hạt nhân cho chuyển đổi năng lượng.”
Các quốc gia phương Tây phải đối mặt với nguồn cung uranium bấp bênh. Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, Kazakhstan chiếm đến 43% sản lượng uranium toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều vấn đề đang tồn tại dẫn đến nhưng lo ngại về cách đưa uranium ra khỏi quốc gia này.
Trong khi đó, Nga chiếm khoảng 5% sản lượng uranium trên thế giới nhưng đóng vai trò quan trọng trên thị trường Mỹ. Sản lượng uranium của Mỹ đạt đỉnh điểm vào năm 1980 và nước này hiện phải dựa vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Trong khi Canada là nhà cung cấp lớn nhất, Mỹ tiếp tục nhập khẩu 12% uranium từ Nga và 36% từ Kazakhstan và Uzbekistan. Một số thành viên Quốc hội Mỹ đang cố gắng thúc đẩy cấm nhập khẩu uranium từ Nga sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, qua đó giảm sự phục thuộc của Mỹ vào nguồn cung từ Nga - quốc gia chiếm 40% công suất làm giàu uranium trên thế giới.
Theo RBC, để thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga, phương Tây tăng cường năng lực làm giàu uranium của mình, đồng nghĩa với nhu cầu về uranium tăng lên đáng kể và có thể đạt mức 15% cho đến những năm cuối thập kỷ này.
Mặc dù Cameco hiện không có khả năng làm giàu uranium nhưng lại sở hữu 49% cổ phần của Global Laser Enrichment – công ty sử dụng công nghệ laser hứa hẹn phụ vụ cho quá trình làm giàu uranium rẻ và hiệu quả hơn. Theo RBC, cơ sở của Global Laser Enrichment ở Paducah, Kentucky có thể bắt đầu sản xuất sớm nhất là vào năm 2028. Cameco hiện nay cũng sở hữu 49% cổ phần của Westinghouse Electric Co. – công ty chế tạo lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ ba, AP1000, có tiềm năng tăng trưởng đáng kể.
Theo UxC, giá uranium giao đã tăng từ mức 48 USD/pound trong tháng 1 lên 81 USD/pound vào cuối tháng 11. Theo báo cáo của Cameco, công ty đã cắt giảm kế hoạch sản xuất uranium trong năm do các vấn đề về thiết bị, thiếu nhân sự có tay nghề và các vấn đề về chuỗi cung ứng. Sản lượng tại hồ Cigar đã giảm xuống còn 16,3 triệu pound uranium cô đặc, giảm so với mức 18 triệu dự báo trước đó.
Sản lượng tại khu vực sông McArthur và hồ Key đã giảm từ mức 15 triệu pound xuống còn 14 triệu pound. Tuy nhiên, theo RBC, giá uranium cao có thể thúc đẩy sản lượng của Cameco tăng 60% vào năm 2030.