Điều quan trọng nhất của Startup là tập trung
"Thị trường startup đang rất nóng. Vì nóng nên có thể nói nó gần như… showbiz, nếu founder bị cuốn vào đó thì đôi lúc các bạn sẽ chệch hướng" – Ông Bùi Thành Đô, CEO Partner & Founder của ThinkZone Venture đưa ra một nhận xét rất thực tế về startup Việt hiện nay trong buổi tọa đàm trực tuyến "HƯỚNG ĐI CHO STARTUP". Đây là chương trình đặc biệt do Ban tổ chức Cuộc thi tìm kiếm Giải pháp chuyển đổi số quốc gia (Viet Solutions 2021) tổ chức.
Có thể thấy điều này qua nhiều trường hợp. Nhiều startup chú trọng đánh bóng hình ảnh trên truyền thông, founder xây dựng hình tượng tuổi trẻ thành công sớm trên mạng xã hội, nhưng quên mất việc quan trọng của bất kỳ doanh nghiệp nào đều là tạo dựng giá trị cốt lõi của mình.
Chính vì thế, ông Bùi Thành Đô nhấn mạnh, việc quan trọng nhất của các startup là tập trung: Tập trung nghiên cứu khách hàng, đưa sản phẩm ra thị trường, tập trung làm việc với đối tác, đừng mất thời gian, xao lãng vào quá nhiều yếu tố một lúc.
"Hãy tập trung để biết mình cần làm gì, cần hướng đến mục tiêu gì. Khi mục tiêu đã rõ ràng rồi thì cứ kiên trì con đường đi đến mục tiêu thôi" - CEO Partner & Founder của ThinkZone Venture chia sẻ.
Ông Nguyễn Chí Thanh - Phó TGĐ Viettel Telecom, Trưởng Ban tổ chức Viet Solutions 2021 cũng cho rằng: "Các startup cần tập trung xây dựng giá trị cốt lõi cho mình, duy trì sự khác biệt. Khi tạo được sự khác biệt thì các quỹ đầu tư, các công ty lớn sẽ tự tìm đến các bạn mà không cần đi kêu gọi vốn hay làm truyền thông".
Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự quan trọng của truyền thông, marketing đối với một doanh nghiệp trẻ, đặc biệt là khi ra mắt sản phẩm thử nghiệm. Họ cần đạt được một lượng người dùng đủ lớn để có thể đưa ra đánh giá đầy đủ các ưu nhược điểm của sản phẩm. Việc này đòi hỏi thời gian và nguồn lực lớn cho hoạt động truyền thông, marketing. Trong vấn đề này, các vườn ươm, các quỹ đầu tư có thể giúp startup ra sao?
Hỗ trợ startup về truyền thông
Theo ông Nguyễn Chí Thanh – Trưởng Ban tổ chức Viet Solutions 2021, Viettel không chỉ có hệ thống khách hàng lên đến 100 triệu người mà còn có hệ thống phân phối bán hàng rất lớn và hệ thống 6.000 nhân sự làm Call Center ở khắp 3 miền Bắc – Trung - Nam. Với nguồn lực đó, Viettel dễ dàng giúp các startup trong việc đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng. Việc tạo ra những cuộc thi khởi nghiệp như Viet Solutions 2021 cũng chính là cách để cơ quan quản lý và các "sếu đầu đàn" tạo cơ hội truyền thông cho startup.
"Viettel hỗ trợ startup để tiếp cận những khách hàng phù hợp nhất, giai đoạn đầu có thể miễn phí. Hệ sinh thái số của Viettel rất mạnh, đơn cử như nền tảng My Viettel có hàng chục triệu người dùng" – Phó TGĐ Viettel Telecom nói – "Hoặc là chúng tôi có thể dùng các sản phẩm này cho nội bộ, cho nhân viên của Viettel sử dụng. Ví dụ một số startup có công nghệ dựa trên giọng nói trong khi chúng tôi có 6.000 nhân sự ở Call Center cần bài test chẳng hạn, Viettel có thể sử dụng công nghệ này nếu nó phù hợp và hữu ích".
Ông Bùi Thành Đô cho biết, tại ThinkZone, giải pháp cho câu hỏi nói trên là "sử dụng" mentor có kinh nghiệm. Những mentor có hiểu biết, có sự va chạm với nhiều khách hàng tiềm năng sẽ đưa ra cho startup góc nhìn đúng, hoặc chỉ ra case study có mô hình tương tự ở các thị trường tương tự để startup Việt học tập theo.
Đồng thời, các vườn ươm có thể hỗ trợ chi phí để startup đưa sản phẩm đến thị trường càng nhanh càng tốt. Ví dụ, ThinkZone mời rất nhiều nhà tài trợ về truyền thông và marketing để hỗ trợ startup. Các nhà tài trợ này có kênh khách hàng tiềm năng tại thị trường sân bay, thang máy, tòa nhà văn phòng…; truyền thông truyền hình, TVC, báo chí; hoặc các đơn vị chuyên về chạy online, marketing trên Facebook, Google.
"Khi vào mô hình vườn ươm của ThinkZone, startup đã được các đơn vị này tài trợ luôn mảng truyền thông, do đó các bạn không phải "đốt" tiền mặt ngay giai đoạn đầu mà vẫn đưa được sản phẩm tiếp cận đến khách hàng" – ông Bùi Thành Đô nói.
Tùy theo mô hình của startup là B2B hay B2C, ThinkZone sẽ tài trợ các gói truyền thông phù hợp trên môi trường Internet. Qua thực tế, các startup tham gia vườn ươm đã mở rộng được tư duy truyền thông.
Những ngày đầy, do sợ "đốt" tiền mặt, các founder vẫn "rón rén" không dám dùng TVC nhưng khi được tài trợ gói TVC miễn phí thì dùng thử. Và do dùng thử thấy hiệu quả ngay nên khi nhận được vốn đầu tư, họ sẵn sàng "đốt" cho hình thức truyền thông này.
Bên cạnh đó, vườn ươm của ThinkZone cũng giúp startup làm việc với đối tác để thử nghiệm bán hàng. Nếu bán được, 2 bên sẽ áp dụng phương án chia sẻ doanh thu.