Thị phần xuất khẩu vũ khí xoay chuyển: Nga bất ngờ hụt hơi, nhiều quốc gia bứt tốc

Mạnh Kiên |

Ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt, vũ khí Nga giờ đây gặp khó trong việc duy trì thị phần số 2 thế giới. Đằng sau đó, hàng loạt các quốc gia có cơ hội bám đuổi về doanh số.

Nga đang mất lợi thế

Ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu đang có sự chuyển biến lớn sau những diễn biến quân sự gần đây, đặc biệt sau khi Nga đón nhận các lệnh trừng phạt.

Thêm vào đó, các quốc gia trên thế giới đang cân nhắc lại về ngân sách quốc phòng , nhu cầu khí tài và các mối quan hệ quân sự.

Các quốc gia trước đây có mức chi tiêu quốc phòng thấp như Nhật Bản và Đức đang tăng lên, trong khi các quốc gia mua phần lớn vũ khí từ Nga đang đặt câu hỏi về độ tin cậy và khả năng giao hàng trong tương lai.

Nga thường quảng bá vũ khí của mình là chúng "rẻ hơn và dễ bảo trì hơn so với các lựa chọn thay thế đến từ phương Tây". Đây là lý do tại sao Nga chiếm 19% xuất khẩu vũ khí của thế giới từ năm 2017 đến năm 2021, chỉ đứng sau Mỹ, quốc gia chiếm 39% thị trường.

Tuy nhiên, điều này có thể không còn hiệu quả đối với nhiều quốc gia đã chứng kiến những tổn thất và hỏng hóc đối với thiết bị của Nga trong thời gian qua.

Nga bán gần 90% vũ khí của mình với chỉ 10 quốc gia , bao gồm Ấn Độ, Ai Cập và Trung Quốc.

Hơn nữa, khả năng thay thế các thiết bị bị tổn thất này của Nga đã bị cản trở bởi các lệnh trừng phạt kinh tế , bị cấm các thành phần quan trọng của nước ngoài như bảng mạch. Và gần như chắc chắn Nga sẽ ưu tiên cung cấp khí tài quân sự cho mình trước khi xuất khẩu bất cứ thứ gì ra nước ngoài.

Điều đó có nghĩa là ngay cả những quốc gia muốn tiếp tục mua xe tăng và máy bay chiến đấu của Nga cũng sẽ phải xếp hàng chờ đợi hoặc quay sang nơi khác để đáp ứng nhu cầu quốc phòng.

Thị phần xuất khẩu vũ khí xoay chuyển: Nga bất ngờ hụt hơi, nhiều quốc gia bứt tốc - Ảnh 1.

Ai sẽ hưởng lợi

Quốc gia có thể sẽ nhận được lợi ích lớn nhất từ việc Nga đánh mất vị thế nhà cung cấp vũ khí hàng đầu chính là Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, nước này chiếm 4,6% thị phần buôn bán vũ khí toàn cầu, xếp thứ 4 sau 11% của Pháp. Đồng thời, 7 trong số 20 công ty quốc phòng doanh thu hàng đầu toàn cầu là của Trung Quốc, báo hiệu tham vọng lớn.

Hiện tại, Trung Quốc mua phần lớn vũ khí và phương tiện từ các nhà sản xuất vũ khí trong nước, nhưng Trung Quốc có khả năng xuất khẩu nhiều sản phẩm quân sự ra nước ngoài hơn.

Ví dụ, Trung Quốc đã là nước đóng tàu lớn nhất thế giới , vì vậy việc xuất khẩu tàu hải quân là một bước đi tự nhiên tiếp theo. Nước này đang mở rộng vai trò trong công nghệ máy bay không người lái và cố gắng tận dụng hiện đại hóa lực lượng không quân với các máy bay được chế tạo trong nước để tăng xuất khẩu.

Hiện tại, chỉ có 3 trong số 40 nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới - Pakistan, Bangladesh và Myanmar - mua phần lớn vũ khí từ Trung Quốc.

Điều đó có thể thay đổi nếu Trung Quốc tận dụng điểm yếu của Nga để định vị mình như một đối tác an ninh quốc gia, kinh tế và chính trị đáng tin cậy - một nội dung cốt lõi trong Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Trung Quốc không có khả năng thay thế vũ khí của Mỹ và châu Âu, những vũ khí được coi là "hàng đầu" với chất lượng và giá cao.

Nhưng Trung Quốc cũng có thể lấp đầy thị trường ngách mà các nhà sản xuất vũ khí Nga thống trị, do đó tăng cường vai trò của Bắc Kinh như một nhà xuất khẩu vũ khí lớn - và thu được những lợi ích kinh tế và chính trị đi kèm.

Một trong những thách thức lớn nhất của Trung Quốc sẽ liên quan đến việc chứng minh rằng vũ khí của họ hoạt động tốt trong các tình huống chiến đấu trực tiếp.

Các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ sẽ vẫn thống trị ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu.

Năm công ty vũ khí lớn nhất thế giới đều là của Mỹ: Lockheed Martin, Raytheon, Boeing, Northrop Grumman và General Dynamics.

Trên thực tế, một nửa trong số 100 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu có trụ sở tại Mỹ. 20 công ty đến từ châu Âu. Chỉ có 2 là của Nga - mặc dù nước này là nguồn cung cấp vũ khí lớn thứ hai thế giới.

Bên cạnh đó, những biến đổi hiện tại đang thúc đẩy một số quốc gia có nhu cầu quốc phòng phụ thuộc vào bên ngoài có thể tìm cách tự cung tự cấp hơn.

Ấn Độ, nước phụ thuộc vào Nga gần một nửa lượng vũ khí nhập khẩu trong những năm gần đây, đang nhận ra rằng Nga sẽ cần phần lớn hoặc toàn bộ năng lực sản xuất để cung cấp các vũ khí mới, nên sẽ chỉ có số lượng ít để xuất khẩu.

Điều đó có nghĩa là Ấn Độ sẽ cần cung cấp phụ tùng thay thế cho phương tiện và vũ khí từ các khách hàng cũ khác của Nga như Bulgaria, Georgia và Ba Lan, hoặc xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng của riêng mình.

Vào tháng 4, Ấn Độ tuyên bố sẽ tăng cường sản xuất máy bay trực thăng, động cơ xe tăng, tên lửa và hệ thống cảnh báo sớm trên không để bù đắp cho bất kỳ sự sụt giảm tiềm năng nào trong xuất khẩu của Nga.

Brazil , Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia thị trường mới nổi khác cũng đã và đang phát triển các ngành công nghiệp quốc phòng của riêng họ trong hai thập kỷ qua để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu vũ khí.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại