Đó là Cotti Coffee, chuỗi cà phê của Trung Quốc được thành lập vào tháng 10 năm 2022. Cotti Coffee được ông Lục Chính Diệu và Tiền Trị Á thành lập. Trước đó, hai người này đã sáng lập nên chuỗi cà phê Luckin Coffee, một thương hiệu cà phê lớn nhất ở Trung Quốc. Cà phê tại Cotti Coffee được giới thiệu là chọn lọc 100% hạt cà phê Arabica chất lượng cao. Trong đó, hạt cà phê Sirius đạt được Giải thưởng Bạch kim Cà phê Quốc tế IIAC 2023 và Giải Vàng là lựa chọn hàng đầu.
Đến tháng 12/2023, chuỗi cà phê Cotti Coffee đã có tới 6.000 cửa hàng trên khắp Trung Quốc. Khi quyết định mở rộng kinh doanh ra toàn cầu, Cotti Coffee đã lựa chọn mở cửa hàng tại các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Canada và gần đây nhất là Việt Nam.
Cũng trong tháng 12/2023, Cotti Coffee đã chính thức có mặt tại Việt Nam, với 3 chi nhánh ở TP HCM. Sau đó, chuỗi cà phê từ đất nước tỷ dân này lại tiếp tục mở thêm 2 chi nhánh ở Hà Nội.
Mới đây, ngày 10/3, Cotti Coffee thông báo tổng số lượng cửa hàng trên toàn cầu đạt 7.000. Cotti Coffee chính thức bắt đầu quá trình mở rộng toàn cầu từ năm 2023, bao gồm các thị trường tại Đông Nam Á, Đông Á, Bắc Mỹ, Trung Đông và Úc. Hiện nay, với hoạt động kinh doanh mở rộng tới 28 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới, chuỗi cà phê này đã chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng về quy mô thương hiệu và thị phần.
Phục vụ cho các quốc gia và khu vực khác nhau, Cotti Coffee cũng giới thiệu các đặc sản khu vực như Cà Phê Việt Nam, Matcha Oat Latte, Coco Cotti, Lychee Milk Frappé và Sparkling Cold Brew. Tất cả đều được đón nhận nồng nhiệt.
Chỉ xuất hiện 13 tháng trên thị trường, nhưng Cotti Coffee đã có mặt tại 300 thành phố lớn trên khắp thế giới. Theo dự kiến, chuỗi cà phê lớn thứ tư trên thế giới sẽ xuất hiện thêm ở Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Canada trong năm 2024. Đồng thời Cotti Coffee tiết lộ sẽ mở thêm 9 cửa hàng ở Việt Nam.
Dù thành lập chưa đầy 2 năm, nhưng Cotti Coffee nhanh chóng phát triển trở thành gương mặt tầm cỡ trong ngành công nghiệp cà phê. Tại Việt Nam, ngoài cà phê, thương hiệu này còn bán nhiều loại đồ uống phổ biến như trà sữa, trà hoa quả, với giá bán dao động từ 20.000 – dưới 50.000 đồng/ly.
Đặc biệt, tương tự tại quê nhà, Cotti Coffee áp dụng các chiến lược như Luckin Coffee trước kia để nhanh chóng mở rộng mạng lưới cửa hàng. Thương hiệu này đưa ra những chương trình khuyến mãi sâu, với giá đồ uống trung bình khoảng 1,38 USD (khoảng 33.000 đồng) mỗi ly, sau đó tiếp tục giảm thêm còn 1,22 USD (khoảng 29.000 đồng). Khách hàng mới cũng được mua ly cà phê đầu tiên từ Cotti Coffee với mức giá "rẻ như cho", khoảng 0,14 USD (3.500 đồng).
Cotti Coffee liệu có gặt hái thành công như Mixue ở Việt Nam?
Tương tự như Mixue (thương hiệu Trung Quốc trở thành chuỗi F&B lớn thứ tư thế giới), Cotti Coffee cũng theo chiến lược nhượng quyền. Chia sẻ với Dân trí, nhân viên tư vấn phía Cotti Coffee tiết lộ, số vốn mà nhà đầu tư cần phải bỏ ra khi bắt đầu hợp tác với thương hiệu này là khoảng 1,1 tỷ đồng.
Trong đó, có hơn 700 triệu đồng là chi phí cho máy móc như máy pha cà phê, các loại tủ đông, tủ lạnh, máy in, màn hình, cục phát wifi…; hơn 200 triệu đồng cho việc thiết kế xây sửa quầy bar, làm biển hiệu; 170 triệu đồng là chi phí cọc để nhập nguyên liệu đầu vào và khoảng 17 triệu đồng là tiền để thiết kế một cửa hàng có diện tích dưới 80 m2.
Sự mở rộng nhanh chóng về quy mô thương hiệu của Cotti Coffee có mối liên kết chặt chẽ với mô hình hoạt động thương hiệu đổi mới. Theo đó, thay vì áp dụng những phương thức quản lý trực tiếp hay nhượng quyền truyền thống, thương hiệu này đã áp dụng một cơ chế đối tác mới mẻ để tối ưu hóa sức mạnh của Cotti Coffee trong chuỗi cung ứng và công nghệ IT có thể hiện thực hóa được sự đổi mới tổng thể của hệ thống vận hành kỹ thuật số. Từ đó, hợp tác giữa hai bên có thể phát huy được tối đa lợi thế tương ứng của mình.
Vào tháng 1/ 2024, Cotti Coffee đã giới thiệu một bước tiến quan trọng khác với việc ra mắt chiến lược hợp tác giữa con người và robot, thông báo về việc ứng dụng rộng rãi robot tại các cửa hàng trên toàn cầu.
Theo các chuyên gia, dù có sự phát triển bùng nổ tại Trung Quốc và nhiều quốc gia, nhưng để có thị phần ở Việt Nam, Cotti Coffee sẽ phải cạnh tranh với những chuỗi đồ uống trong nước như Highlands Coffee, Trung Nguyên Legend, Phúc Long và The Coffee House. Hơn nữa, điểm trừ của Cotti Coffee là có thiết kế không gian khó định vị, không quá đẹp và không chú trọng nhắm vào đối tượng khách hàng cụ thể.
Do đó, thực tế đặt ra là Cotti Coffee cần phải có sự thay đổi để có mô hình phù hợp hơn với thị trường Việt. Thị trường F&B Việt Nam có quy mô 610.000 tỷ đồng (số liệu năm 2022) và dự đoán có thể đạt 1 triệu tỷ đồng vào năm 2026. Tuy nhiên chiếm lĩnh được vị trí trên thị trường không phải là việc dễ dàng. Trước đây đã có nhiều chuỗi cà phê từ nước ngoài đã phải rời bỏ thị trường, như New York Dessert Coffee, The Coffee Bean & Tea Leaf…
Bài viết tham khảo nguồn/ảnh: Momentum Works, Business wire, World Coffee Portal