Trong tuần qua, cả thế giới chứng kiến sự gia tăng vượt trội của giá vàng. Theo đó, giá vàng liên tiếp lập đỉnh, thậm chí có thời điểm chạm tới 2.164 USD/ounce. Trên sàn Kitco, giá vàng chốt tuần giao dịch ở mức 2.178 USD ounce, tăng 0,89% so với đầu phiên.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, hoạt động mua tích trữ của các ngân hàng trung ương được coi là một trong những nguyên nhân khiến giá vàng tăng cao.
Ngay từ thời xa xưa, vàng được coi là biểu tượng của sự giàu có và quyền lực. Đến ngày nay, vàng vẫn chiếm vị trí trung tâm trong nền kinh tế toàn cầu. Giá trị của loại tài sản này như một "phao trú ẩn" an toàn trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều bất ổn. Ngoài vai trò là cơ sở cho những chính sách về tiền tệ, vàng còn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định tiền tệ, đồng thời là công cụ địa chính trị trong tay những quốc gia có lượng dự trữ lớn nhất.
Dưới đây là những quốc gia có dự trữ vàng lớn nhất trên thế giới.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), tính đến hết năm 2023, Mỹ là quốc gia có dự trữ vàng lớn nhất trên thế giới, với 8113 tấn. Số vàng này gần bằng với 3 quốc gia đứng sau cộng lại. Theo WGC, tổng lượng vàng dự trữ của nước Mỹ có giá trị khoảng 543 tỷ USD và hiện được cất chủ yếu ở kho vàng Fort Knox và các hầm vàng tại Fed New York.
Vị trí thứ hai là Đức, với khoảng 3352 tấn vàng. Ngoài việc đại diện cho an ninh kinh tế, dự trữ vàng của nước Đức còn là biểu tượng cho sự tái thiết và ổn định kinh tế đất nước sau chiến tranh.
10 quốc gia có dự trữ vàng lớn nhất trên thế giới. Biểu đồ: MH
Hai vị trí thứ ba và thứ 4 lần lượt thuộc về Italy và Pháp, với lượng dự trữ là 2451 tấn và 2436 tấn. Trong đó, lượng vàng dự trữ mà Pháp nắm giữ được đánh giá là gần như không thay đổi trong mấy năm qua.
Kế tiếp, quốc gia có dự trữ vàng lớn thứ 5 trên thế giới là Nga, với 2332 tấn. Vị trí thứ 6 là Trung Quốc, với 2235 tấn vàng, gần gấp 3 lần so với Nhật Bản và Ấn Độ. Vị trí thứ 10 thuộc về Hà Lan, với 612 tấn vàng.
Theo nhận định của WGC, vàng được coi là thành phần quan trọng trong khối lượng dự trữ của những ngân hàng trung ương trên toàn cầu, vì có tính an toàn, thanh khoản cao và có thể sinh lời. Các cơ quan này hiện là nhóm nắm giữ lượng vàng lớn của thế giới, với 20% số vàng được khai thác trên toàn cầu. Theo giới phân tích, nhu cầu của các ngân hàng trung ương cũng là yếu tố chính giúp vàng giữ được ngưỡng hỗ trợ lên tới 2.000 USD trong vài tháng qua.
Giá vàng vẫn tăng vào tuần tới?
Ông Joseph Cavatoni, chiến lược gia về thị trường của Hội đồng Vàng Thế giới, nhận định, hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương đang rất mạnh mẽ. Các ngân hàng trung ương mua vàng dự trữ vì vàng có tính an toàn, thanh khoản cao và có thể sinh lời.
Tương tự, theo nhận định của ông David Meger, Giám đốc giao dịch vàng tại High Ridge Futures, báo cáo việc làm ở Mỹ gây sức ép lên đồng USD và củng cố kỳ vọng Fed giảm lãi suất năm nay. Đây đều là những yếu tố có lợi cho vàng.
Ông Chris Vecchio, Giám đốc bộ phận Hợp đồng tương lai & Forex tại Tastylive.com, điều quan trọng là phải nhận ra thời điểm để chốt lời. "Mọi người đang nói về mức cao kỷ lục của vàng, tính theo đồng USD. Nhưng nó cũng ở mức cao kỷ lục tính theo mọi loại tiền tệ khác. Đó không chỉ là câu chuyện về đồng đô la. Đây là một vấn đề toàn cầu đang hỗ trợ thị trường", ông Chris nhấn mạnh.
Ngoài ra, có một yếu tố đang hỗ trợ đà tăng của vàng. Đó là các nhà đầu tư vẫn chưa bắt kịp với đà tăng này. Theo đó, vàng đã phục hồi lên tới mức cao kỷ lục, ngay cả khi thị trường chứng kiến dòng vốn chảy ra tiếp tục từ những quỹ giao dịch trao đổi được hỗ trợ bằng vàng.
Chỉ trong 1 tuần, giá vàng trong nước liên tục lập kỷ lục chưa từng có. Cụ thể, giá vàng SJC vượt mốc 82 triệu đồng/lượng. Vàng nhẫn trơn cũng lần đầu tiên vượt mốc 70 triệu đồng/lượng. Những người dân mua vàng đã ghi nhận khoản lãi lớn.
Bài tham khảo nguồn: WGC, Kitco, Sarajevotimes