Theo Eurasia Review, Tổng thống Nga Vladimir Putin không bao giờ lùi bước vì áp lực. Đây là niềm tự hào với bản thân nhà lãnh đạo Nga và cũng chính là hấp lực lớn của ông đối với giới tinh hoa và cả công chúng Nga.
Điều này cũng đã được thể hiện trong thực tiễn biến động lớn thời gian qua như khi giá dầu lao dốc vì đại dịch COVID-19 , sự sụp đổ của thỏa thuận OPEC + về việc cắt giảm sản lượng cung cấp.
Đầu tháng 3, Saudi kêu gọi một cuộc họp của nhóm OPEC + để thống nhất về việc cắt giảm sản lượng mạnh hơn 1,5 triệu thùng mỗi ngày nhằm hỗ trợ giá dầu khi COVID-19 lan rộng, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và nhu cầu người sử dụng. Tuy nhiên, người Nga không đồng tình.
Theo người phát ngôn của Rosneft, công ty dầu mỏ lớn nhất của Nga, do Igor Sechin, một cộng sự thân cận của ông Putin điều hành: Thỏa thuận này không mấy có ý nghĩa nếu xét trên quan điểm lợi ích của Nga. Bằng cách triệt tiêu giá dầu rẻ của Saudi và Nga khỏi thị trường, chúng ta sẽ mở đường cho dầu đá phiến đắt của Mỹ tăng trưởng".
Moscow muốn duy trì mức sản xuất hiện tại trong một vài tháng để hiểu rõ hơn tác động kinh tế do đại dịch lan rộng trước khi quyết định cắt giảm thêm. Và, khi tiến hành cắt giảm sản lượng dầu, Nga muốn chắc chắn rằng Mỹ cũng chia sẻ công bằng.
Moscow cũng có những lý do khác khi muốn giáng một đòn mạnh vào ngành năng lượng Mỹ.
Cuối năm ngoái, Washington đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với dự án Dòng chảy phương Bắc, dự án đường ống khí đốt chiến lược giữa Nga và Đức, khiến thời hạn hoàn thành dự án bị đẩy lùi ít nhất vài tháng, làm tăng chi phí. Điều này xảy ra vào đúng thời điểm dầu đá phiến Mỹ xâm nhập thị trường châu Âu.
Gần đây, Mỹ cũng đã trừng phạt một công ty con của Rosneft, Rosneft Trading, vì đã hỗ trợ chính quyền Maduro trong việc phá vỡ các hạn chế của Mỹ đối với xuất khẩu dầu của Venezuela.
Nhưng Moscow đã không lường trước được phản ứng của Saudi khi từ chối cắt giảm thêm lượng sản xuất dầu. Việc Saudi giảm giá mạnh lượng dầu xuất khẩu đã đẩy giá dầu xuống mức thấp chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ. Cuộc chiến giá cả dầu đã bắt đầu.
Tổng thống Putin.
Dẫu vậy, Moscow vẫn tỏ ra rất kiên trường. Mặc dù 2/3 nguồn thu từ xuất khẩu của Nga là từ dầu mỏ và chiếm đến 40% nguồn thu cho ngân sách, nhưng Bộ Tài chính vẫn tuyên bố rằng Nga có thể chịu được mức giá thấp ở ngưỡng 25USD một thùng trong vòng mười năm.
Moscow sẽ dùng quỹ tài sản quốc gia 150 tỷ USD của mình để bù đắp những khoảng trống trong ngân sách. Điều này có thể khiến ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga chịu thiệt hại đáng kể trong thời gian ngắn nếu các giếng dầu phải đóng nắp. Nhưng rõ ràng, Bộ Tài chính đã gửi thông điệp rõ ràng rằng Moscow sẽ không lùi bước.
Dù thừa nhận hay không, rõ ràng sự sụp đổ của giá dầu đã làm gia tăng những thách thức với Nga. Giờ đây, thêm tác động xấu từ kinh tế toàn cầu sụt giảm do dịch COVID-19 gây ra chắc chắn sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế Nga.
Trong trường hợp này, ông Putin hẳn cần tăng và ổn định giá dầu. Nhưng làm sao thực hiện điều đó mà không tỏ ra chịu áp lực của Saudi hay Mỹ?
Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đã gợi mở ra điều mà nhà lãnh đạo Nga đang tìm kiếm. Ông Trump đã cố gắng thuyết phục hai người đàn ông uy quyền trong ngành dầu mỏ là Thái tử Saudi Saudi Mohammed bin Salman và ông Putin đồng ý cắt giảm sản xuất lớn.
Ngày 31/3, ông Trump đã gọi điện cho ông Putin để thảo luận về cuộc khủng hoảng do virus corona gây ra cũng như vấn đề của thị trường dầu mỏ. Điện Kremlin thường nhấn mạnh đến việc nước nào khởi xướng cuộc gọi mỗi khi ông Putin điện đàm với các nhà lãnh đạo nước ngoài.
Và thực tế lần này cho thấy rõ rằng ông Trump đã thực hiện cuộc gọi. Điều đó có nghĩa rằng ông Trump, chứ không phải ông Putin, cần khẩn trương cứu trợ do tác động từ cuộc chiến giá dầu và đại dịch.
Và ngay ngày hôm sau, Nga đã gửi kế hoạch hỗ trợ nhân đạo đến New York, nhấn mạnh một lần nữa rằng Mỹ, chứ không phải Nga, đang cần điều này. Ba ngày sau, ông Putin tuyên bố Nga đã sẵn sàng hợp tác với các đối tác của mình, Mỹ và Saudi Arabia, để ổn định thị trường dầu mỏ. Nhà lãnh đạo Nga cho rằng có thể giảm sản xuất tới 10 triệu thùng mỗi ngày.
Giá dầu ổn định trong vài tháng tới là điều chưa chắc chắn. Daniel Yergin, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng toàn cầu nhận định giá dầu có thể sẽ giảm mạnh vào cuối tháng Tư và tháng Năm khi nhu cầu sụt giảm.
Việc cắt giảm sản xuất theo sự đồng thuận của OPEC + hồi cuối tuần này, - 9,7 triệu thùng mỗi ngày - không đủ để ngăn chặn sự suy giảm giá.
Với tình thế này, sản xuất của Mỹ chắc chắn sẽ giảm như điều Moscow muốn, nhưng sản xuất của Saudi và Nga cũng giảm.
Và dù cho Tổng thống Trump, các nước Saudi hay nhà lãnh đạo Nga làm gì đi chăng nữa, giai đoạn khó khăn hơn vẫn còn nằm ở phía trước.
Nhưng với người Nga, mặc cho những tính toán có thể không chuẩn ban đầu, ông Putin vẫn sẽ hiện diện như một nhà lãnh đạo quyết đoán và quyết tâm "chiến đấu" với cuộc khủng hoảng trong một vai trò nổi trội hơn ông Trump.