The Guardian: Cuộc chạy đua vũ trang Nga – Mỹ mới sẽ bắt đầu năm 2021

Sơn Nguyễn |

Cộng đồng quốc tế đang quan ngại khả năng Nga và Mỹ sẽ mở rộng kho dự trữ hạt nhân của mình.

Các rào cản quốc tế sẽ hết hạn vào năm 2021. Nếu thỏa thuận mới không được ký kết thì Nga và Mỹ sẽ có thể gia tăng đáng kể kho dự trữ hạt nhân của mình.

Tờ The Guardian của Anh nhấn mạnh, kho hạt nhân của Nga và Mỹ có thể sẽ được tăng lên đáng kể vào năm 2021, sau khi thỏa thuận về kiểm soát vũ khí được ký kết từ năm 1972 sẽ hết hạn. Nếu Nga và Mỹ không ký được một thỏa thuận mới, thì một cuộc chạy đua vũ trang đắt đỏ và nguy hiểm mới sẽ được bắt đầu.

Vào ngày 19/4 vừa qua, các chuyên gia thuộc Tổ chức kiểm soát vũ khí đã ra một thông báo, trong đó khẳng định hiệp ước cấm phổ biến các hệ thống vận chuyển đầu đạn của Mỹ và Nga sẽ hết hạn vào tháng 2/2021. Cần có những biện pháp cấp bách để kéo dài thời hạn của hiệp ước này.

Hơn nữa, các chuyên gia đánh giá nguy cơ hạt nhân đang ở mức cao nhất từ sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.

Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đang có nguy cơ đổ vỡ trong điều kiện Mỹ cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản liên quan tới chế tạo các tên lửa hành trình mặt đất mới và các mối đe dọa về việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ chế tạo các vũ khí tương tự để đáp trả.

Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp phía Mỹ Donald Trump đã tuyên bố về các kế hoạch hiện đại hóa kho hạt nhân của mình với việc sử dụng các vũ khí hạt nhân mới.

Nguy cơ quay trở lại chạy đua vũ trang giữa hai cường quốc hạt nhân thế giới ngày càng gia tăng và đang diễn ra trong giai đoạn căng thẳng cao trong quan hệ giữa Washington và Moscow, khi mà quân đội của Mỹ, NATO và Nga đang hoạt động sát nhau tại Syria.

“Hiệp ước về tên lửa tầm trung sắp kết thúc. Từ năm 2021 sẽ không còn các rào cản pháp lý cho hai siêu cường hạt nhân thế giới này, và nguy cơ về cuộc cạnh tranh hạt nhân không giới hạn giữa Nga và Mỹ sẽ phát triển”, thông báo này cho biết.

Tháng 2/2018, cả hai nước đã tuyên bố họ đã đạt tới giới hạn 1.550 đầu đạn chiến lược và 700 các vũ khí mang chúng, bao gồm các tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo trang bị cho tàu ngầm và máy bay ném bom chiến lược.

Hiệp ước cho phép kéo dài 5 ăm tùy theo thỏa thuận giữa hai bên. Moscow thông báo sẵn sàng đàm phán vấn đề này, và trong cuộc trả lời phỏng vấn vào tháng 3 vừa qua thì Tổng thống Putin đã thể hiện quan tâm tới việc cắt giảm đầu đạn hạt nhân.

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump từ chối xem xét về một thỏa thuận mới cho tới khi Mỹ đánh giá lại chính sách hạt nhân.

Đại diện Lầu Năm Góc về chính sách hạt nhân và tên lửa ông Rob Sepher khi phát biểu trước Thượng viện Mỹ vào tháng 4 này đã thông báo, Washington đang dự định cân nhắc những ưu và nhược điểm của việc kéo dài thời hạn hiệp ước này.

Cố vấn an ninh quốc gia mới của Mỹ, ông John Bolton nhiều lần chỉ trích hiệp ước tên lửa tầm gần, tầm trung và các kế hoạch gia hạn thỏa thuận này khi cho rằng đó là “sự giải trừ quân bị từ một phía”.

Việc thiếu khả năng đàm phán về việc kéo dài thời hạn hiệp ước này có thể làm tăng nhanh đáng kể kho dự trữ hạt nhân, ông Daryl Kimball người đứng đầu Hiệp hội kiểm soát vũ khí cho biết.

“Họ có đủ số lượng các hệ thống mang đầu đạn hạt nhân và đủ dự trữ đầu đạn hạt nhân để có thể gia tăng số lượng các đầu đạn chiến lược một cách rất nhanh chóng nếu họ muốn”, Daryl Kimball cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại