Hôm qua, hơn 2.000 con cừu đã được những người nuôi gia súc Tây Ban Nha lùa đi khắp trung tâm thủ đô Madrid trong một lễ hội thường niên.
Trong tiếng ‘be be” rộn ràng, đàn cừu đã “tuần hành” qua nhiều tuyến phố thuộc hạng sang nhất ở Madrid nhằm bảo vệ quyền được sử dụng các con đường vốn trước đây dùng để đi đến những cánh đồng chăn thả, nhưng nay lại là nơi thành phố mọc lên.
Tuy vậy, những chú cừu không hề phạm luật. Các tuyến đường trên đã tồn tại ít nhất là kể từ năm 1273. Theo truyền thống, những người chăn thả phải trả cho hội đồng thành phố 25 đồng maravedi – dạng tiền xu được đúc lần đầu vào thế kỷ 11 để họ và đàn gia súc có thể đi qua các tuyến đường của thành phố mà không bị ngăn cản.
Những người chăn cừu Tây Ban Nha có quyền sử dụng hơn 125.000 km đường đi lại để chăn thả vật nuôi theo mùa, tới những đồng cỏ mát mẻ trên núi vào mùa hè và vùng đất thấp, ấm áp hơn vào mùa đông.
Tuy nhiên, khi việc chăn thả ngày càng trở nên đắt đỏ hơn thì các loài động vật này bị dồn nhốt vào trong các trang trại.
Người Tây Ban Nha tự hào về truyền thống nuôi cừu cổ xưa của mình. Giống cừu Marino gốc được xuất khẩu sang Australia và Nam Mỹ đã thành nòng cốt của ngành dệt len địa phương.
Hình ảnh những đàn cừu tập trung “diễu hành” qua các tuyến phố ở thủ đô Madrid, Tây Ban Nha ngày 28/10/2012: