Trung Quốc: Cho đẻ con thứ hai, dân cũng “sợ“

Sau khi Trung Quốc nới lỏng chính sách một con, nhiều người vẫn không định sinh thêm, do lo ngại về kinh tế và do quan niệm của họ đã thay đổi sau nhiều năm Trung Quốc áp dụng chính sách một con.

Rosa Xia - một bà mẹ 39 tuổi ở Thượng Hải - cho biết sẽ dừng lại ở một con mặc dù cô thuộc diện được phép sinh con thứ hai.

Nguyên nhân bởi vì cô không thể nuôi thêm một đứa nữa với cuộc sống đắt đỏ và cạnh tranh như hiện nay. Cô cho biết mỗi tháng phải chi tới 1.200 trong số 6.000 nhân dân tệ (989USD) tiền lương cho cô con gái 12 tuổi học saxophone và múa balê. Ngoài ra, còn tiền ăn uống, học ở trường và một khoản tiền tiết kiệm để học đại học sau này.

Cô nói: "Con bé rất thích thú khi nhìn thấy mọi người đang chơi saxophone trên truyền hình và đã xin đi học. Học phí rất đắt, nhưng tôi vẫn muốn đáp ứng yêu cầu của con bé”. Xia đã phải tằn tiện trong ăn mặc và ăn uống với hy vọng con mình sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn.

Những câu chuyện tương tự như của Xia đã giải thích cho những nhận định rằng việc Trung Quốc nới lỏng chính sách một con không có mấy tác động trong việc ngăn chặn tỉ lệ sinh giảm đang gây khó khăn cho lực lượng lao động và tình trạng dân số đang ngày càng già đi của nước này.

Việc Trung Quốc nới lỏng chính sách một con nhận được sự ủng hộ ở trong và ngoài nước. Tuy nhiên, tỉ lệ sinh của Trung Quốc vẫn khó có thể tăng được do những trở ngại của quá trình đô thị hóa, chi phí cuộc sống ngày càng cao, những quan niệm phong kiến và ý thức một con ăn sâu trong tâm trí của nhiều người dân.

Nicholas Eberstadt - nhà nhân khẩu học tại Viện Doanh nghiệp Mỹ có trụ sở tại Washington - cho biết: "Thực tế là đã có một sự thay đổi lớn trong tâm lý về gia đình. Trung Quốc đang tiến tới xu hướng trở thành một quốc gia Đông Á có tỉ lệ sinh thấp như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan".

Vấn đề tài chính là lo ngại lớn nhất của nhiều bậc cha mẹ khi tính đến chuyện sinh thêm con.

Nhiều mặt hàng cho trẻ em ở Trung Quốc đắt hơn nhiều so với ở Mỹ, một phần là vì cha mẹ Trung Quốc sẵn sàng chi trả nhiều tiền cho đứa con duy nhất của họ hơn. Theo Hãng tin Blomberg, một bịch Pampers Baby Dry 114 miếng thường được bán với giá 309 nhân dân tệ, đắt hơn tới 12% so với giá thông thường ở Mỹ. Sữa Similac Advance cho trẻ em dưới 1 tuổi có giá 199 nhân dân tệ, đắt hơn 40% so với ở Mỹ.

Ngay cả ở vùng nông thôn - nơi trước đây người dân muốn có nhiều con - thì thái độ cũng đang thay đổi. Wu Dehui - một nông dân 52 tuổi ở tỉnh An Huy - cho biết, người con trai thứ ba và cũng là con út của ông cũng quyết định sẽ chỉ có 1 con.

Ông cho biết: "Ngày nay phải cho con đi học mẫu giáo, mua rất nhiều thứ cho chúng. Vào thời của tôi, chẳng bao giờ phải làm như vậy”.

Mẹ hổ và sự cạnh tranh gay gắt

Bên cạnh chi phí sinh hoạt tăng cao, ông Wang Feng - một giáo sư xã hội học tại Trường Đại học California - cho rằng Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan-Trung Quốc có điểm chung là các bậc cha mẹ có kỳ vọng rất lớn vào sự thành công của con cái. Ông nói: "Cha mẹ Trung Quốc muốn con mình thành công và do vậy họ sinh ít đi để có thể đầu tư cho con mình nhiều hơn”.

Nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc đặt rất nhiều kỳ vọng vào đứa con duy nhất của họ. 

Những khát vọng đó đã biến nhiều bà mẹ trở thành “mẹ hổ” - một từ miêu tả những bà mẹ có những hình thức rèn và kỷ luật hết sức khắc nghiệt để luyện con thành tài đúng như họ mong muốn trong cuốn sách của tác giả Amy Chua.

Để đạt được kỳ vọng đó, các bậc cha mẹ sẽ phải dành nhiều thời gian và tiền bạc hơn để chạy đua và tìm kiếm những cơ hội tốt nhất cho con cái của họ, dẫn đến việc họ nghĩ rằng sẽ không thể nuôi nổi thêm một đứa nữa.

Ví dụ, để con mình được vào một trường học tốt, nhiều phụ huynh phải trả một khoản phí lớn hoặc phải mua một căn nhà gần trường học. Muốn con mình thật nổi bật, các bậc cha mẹ thường đăng ký cho con tham gia vào các hoạt động tốn kém.

Sự cạnh tranh khốc liệt nhằm đứng đầu hoặc ít nhất là ngang bằng với nhiều người khác đặc biệt là với những thứ tượng trưng cho sự thành công như nhà cửa, xe cộ và các mặt hàng tiêu dùng khác vẫn đang là những động lực chính chi phối đời sống xã hội Trung Quốc.

Cùng với quá trình đô thị hóa, ngày càng có nhiều trẻ em vào các thành phố, dẫn đến việc các bậc cha mẹ phải cạnh tranh nhiều hơn để có cuộc sống mà họ cho là tốt đẹp hơn cho con của họ.

Theo khảo sát của hãng tin Tân Hoa xã, ước tính mỗi đứa trẻ kể từ khi sinh ra tới lúc vào đại học sẽ phải tiêu tới 2,76 triệu nhân dân tệ (tương đương hơn 450.000USD). Hai vợ chồng với thu nhập bình quân trên đầu người hiện nay ở Trung Quốc sẽ cần phải làm việc trong vòng 23 năm mà không được ăn và uống gì mới có được số tiền đó.

Quan niệm “cố kiếm con trai” cũng có nhiều thay đổi. Số người muốn sinh thêm để có con trai cũng đang ngày càng giảm. Theo một cuộc khảo sát của chính phủ ở Thượng Hải, khi cuộc sống ngày càng khắc nghiệt, những quan niệm phong kiến như con trai phải có nhà trước khi lấy vợ khiến cho tình trạng cố sinh con trai giảm đi đáng kể. Gần 45% số người được hỏi cho biết họ cảm thấy bớt áp lực hơn khi có con gái vì họ sẽ không phải lo đến chuyện mua nhà.

Trung Quốc bắt đầu áp dụng chính sách một con từ năm 1979, sau khi dân số của nước này tăng tới 70% trong 3 thập kỷ.

Hồi cuối tháng 12.2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã thông qua nghị quyết cải cách chính sách một con, trong đó cho phép các cặp đôi có con thứ hai nếu một trong hai người là con một. Sự thay đổi này là nhằm đối phó với tỉ lệ sinh và lực lượng lao động ngày càng sụt giảm.

Tuy nhiên, dường như việc áp dụng quá khắc nghiệt chính sách một con trong nhiều thập niên qua đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người dân Trung Quốc. Cộng với đó là cuộc sống có quá nhiều cạnh tranh đã khiến cho nước này khó có thể gỡ bỏ chính sách một con ra khỏi đầu của người dân Trung Quốc.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại