"Thế chân vạc" ở Idlib tạo cơ hội mới cho phương Tây: Nga sẽ không ngồi yên nhìn NATO "lôi kéo" Thổ Nhĩ Kỳ trở về?

Mạnh Kiên |

Moscow sẽ không chịu ngồi yên nhìn đối tác quan trọng của mình là Thổ Nhĩ Kỳ quay trở lại phương Tây, vì cả Điện Kremlin và Tổng thống Vladimir Putin đã đầu tư rất nhiều vào cách tiếp cận với Thổ Nhĩ Kỳ.

NATO và Thổ Nhĩ Kỳ có hành động ở Syria?

Vụ 33 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong cuộc không kích hồi tháng trước ở Idlib không chỉ khiến Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có nguy cơ chiến tranh mà còn làm xấu đi mối quan hệ giữa Ankara với Moscow.

Khi Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ngày càng mâu thuẫn hơn ở Syria, nhiều quan điểm tin rằng đây là thời điểm tốt để Ankara và phương Tây cải thiện mối quan hệ năm xưa, nhất là khi Ankara sẽ buộc phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ NATO, Mỹ và châu Âu nhằm thoát khỏi sự cô lập.

Đã có nhiều dấu hiệu cho thấy dự đoán như vậy hoàn toàn có khả năng xảy ra khi liên minh quân sự phương Tây mới đây đã lên tiếng bênh vực Thổ Nhĩ Kỳ, lên án cuộc tấn công gây thương vong ở Syria.

Theo các nguồn tin ngoại giao, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa cho NATO danh sách 10 yêu cầu, bao gồm hỗ trợ phòng không ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria; tăng cường máy bay trinh sát và máy bay không người lái; đồng thời triển khai nhiều tàu chiến ở phía Đông Địa Trung Hải.

Tuy nhiên, nhận định với Middle East Monitor, chuyên gia Lenore Martin không có nhiều niềm tin về việc NATO sẽ chấp nhận lời yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ theo cách sẽ dẫn đến cuộc đối đầu với Nga.

Chuyên gia này lưu ý rằng Mỹ từng tuyên bố sẽ không hỗ trợ trên không cho Thổ Nhĩ Kỳ mà chỉ sẵn sàng viện trợ cho vấn đề người tị nạn Syria. Điều này xuất phát từ việc phương Tây vốn không hài lòng với sự gần gũi của Ankara với Moscow thời gian qua.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng Idlib đã buộc Ankara ít nhất phải nhận được sự ủng hộ về mặt chính trị từ NATO nếu muốn tạo được sự cân bằng trước Nga, giáo sư Selcuk Colakoglu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á Thái Bình Dương của Thổ Nhĩ Kỳ, nhấn mạnh.

"Đây là lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm sự hỗ trợ từ NATO ở Syria kể từ khi tiến trình Astana với Nga và Iran bắt đầu vào tháng 1/2017", ông nói.

Mặc dù NATO thể hiện sự ủng hộ về chính trị đối với Ankara cũng như có khả năng cung cấp sự hỗ trợ phòng không ở biên giới, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ không thể mong đợi sự hỗ trợ quân sự của liên minh cho các hành động ở Syria vì điều này sẽ yêu cầu kích hoạt Điều 5 của hiệp ước.

Hơn nữa, Điều 6 của hiệp ước NATO cũng định nghĩa rõ ràng phạm vi hoạt động quân sự của liên minh sẽ chỉ giới hạn trong lãnh thổ quốc gia thành viên (tức là trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ) bao gồm việc sử dụng lực lượng quân sự, tàu chiến và máy bay của các thành viên NATO nằm ở biển Địa Trung Hải.

Trên thực tế, điều đó có nghĩa là Ankara không thể mong đợi kích hoạt Điều 5 ngay cả khi cuộc khủng hoảng ở Idlib leo thang đến mức nguy hiểm. Rất khó có khả năng NATO sẽ hành động vì Thổ Nhĩ Kỳ trừ khi có một cuộc tấn công trực tiếp vào đất Thổ Nhĩ Kỳ từ Syria.

Nga y cả khi liên minh đồng ý hỗ trợ thêm cho Ankara, bằng cách thiết lập hệ thống tên lửa Patriot bên trong Thổ Nhĩ Kỳ, câu hỏi đặt ra là NATO có sẵn sàng nhắm mục tiêu máy bay Nga ở Idlib hay không?

Kristian Brakel, chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ tại Tổ chức Heinrich Böll không tin rằng điều đó sẽ xảy ra. "Các nước phương Tây không sẵn sàng tham gia nhiều hơn vào vũng lầy Syria và những động thái mới nhất của ông Erdogan ở biên giới Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ cũng khiến họ không có thiện chí", Brakel nói.

Nga không ngồi yên

Thế chân vạc ở Idlib tạo cơ hội mới cho phương Tây: Nga sẽ không ngồi yên nhìn NATO lôi kéo Thổ Nhĩ Kỳ trở về? - Ảnh 1.

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đều không muốn hy sinh hợp tác song phương vì vấn đề Idlib.

Về quan điểm đây là thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây nối lại quan hệ, giới phân tích cũng cho rằng điều này không hoàn toàn khả thi.

Mặc dù có sự phối hợp giữa NATO và Ankara, cuộc khủng hoảng Idlib đã khiến quan hệ EU-Thổ Nhĩ Kỳ trở nên mong manh hơn, đặc biệt khi có rất nhiều sự hoài nghi giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh NATO trong EU liên quan đến vấn đề người tị nạn.

Hơn nữa, Moscow sẽ không chịu ngồi yên nhìn đối tác quan trọng của mình là Thổ Nhĩ Kỳ quay trở lại phương Tây, vì cả Điện Kremlin và Tổng thống Vladimir Putin đã đầu tư rất nhiều vào cách tiếp cận với Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo đánh giá của chuyên gia Martin, Tổng thống Erdogan đang chơi trò chơi "hai mặt". Thổ Nhĩ Kỳ bỏ qua đồng minh Mỹ để hợp tác dự án năng lượng lớn với Nga, trong khi lại đề nghị NATO hỗ trợ mình ở Syria. Đây là một trò chơi nguy hiểm khiến Tổng thống Erdogan trở nên không có sự tin cậy đối với cả Nga-Mỹ.

Tuy nhiên, miễn là các quốc gia phương Tây không đưa ra được bất kỳ đòn bẩy thuyết phục nào, Điện Kremlin sẽ tiếp tục chiếm thế thượng phong trong quan hệ với Ankara bằng nhiều cách. Theo chuyên gia Brakel, Moscow không cần phải đầu tư quá nhiều để giữ cho tình hình được kiểm soát.

Hội nghị ngừng bắn Idlib ở Moscow chỉ ra rằng cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đều không sẵn sàng hy sinh hợp tác song phương. Để bù đắp thiệt hại cho sự hợp tác như vậy trong những tuần gần đây, Moscow có thể cung cấp cho Ankara cơ hội tham gia vào quá trình tái thiết ở Syria, với điều kiện Thổ Nhĩ Kỳ hòa giải nhiều hơn với Nga.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ và khối Nga-Iran-Syria có tìm ra giải pháp cân bằng ở Idlib cũng như các vùng lãnh thổ khác ở phía Bắc do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát hay không sẽ quyết định tương lai của quan hệ đối tác Moscow-Ankara.

Trong khi đó, ở thời điểm hiện tại, quãng đường trở về giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây vẫn còn cách khá xa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại