Theo truyền thông Trung Quốc đại lục, được sự chấp thuận của Quân ủy Trung ương Trung Quốc, chiếc tàu sân bay thứ hai đóng trong nước này được đặt tên là "Phúc Kiến" (Fujian), với số hiệu "18". Ông Hứa Kỳ Lượng (Xu Qiliang), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quân ủy, đã tham dự buổi lễ.
Theo tường thuật, buổi lễ hạ thủy bắt đầu từ 11 giờ, chỉ huy trưởng đơn vị được giao tàu tiếp nhận giấy chứng nhận đặt tên, lãnh đạo quân đội và địa phương chủ trì cùng buổi lễ cắt băng hạ thủy.
Khi chai sâm panh đập vào mũi tàu vỡ tan, các dải lụa được bung ra cả hai bên, con tàu kéo còi, cửa âu tàu mở ra, chiếc tàu sân bay từ từ di chuyển ra khỏi âu tàu, hạ thủy an toàn.
Lãnh đạo Quân chủng Hải quân, Tập đoàn đóng tàu Trung Quốc cùng lãnh đạo các cơ quan ban ngành liên quan của quân đội và địa phương, cán bộ, công nhân các đơn vị nghiên cứu, chế tạo, hải quân cùng đại diện quan binh các đơn vị cũng tham dự buổi lễ.
Ảnh vệ tinh chụp tàu Phúc Kiến trong âu tàu khi chưa hạ thủy.
Phúc Kiến là tàu sân bay sử dụng kiểu máy phóng máy bay đầu tiên do Trung Quốc tự chủ thiết kế và đóng mới hoàn toàn với boong phẳng được lắp đặt máy phóng điện từ và thiết bị chướng ngại điện từ, có lượng choán nước đầy tải 80 ngàn tấn.
Tàu có chiều dài 330m, mặt boong có chiều rộng 80m, dự kiến có thể dùng cho các máy bay chiến đấu J-35 và J-15. Sau khi con tàu được hạ thủy, các cuộc thử nghiệm neo đậu và thử nghiệm đi biển sẽ được thực hiện theo kế hoạch. Tuy nhiên dự kiến cho đến khi được đưa vào triển khai phải mất mấy năm.
Trước khi tàu hạ thủy một số nguồn tin nói chiếc tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc này sẽ là tàu sân bay chạy bằng động lực thường lớn nhất thế giới và so sánh nó với tàu sân bay lớp Kitty Hawk của Mỹ.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích chỉ ra rằng do chiếc tàu sân bay lớp Kitty Hawk cuối cùng mang tên Kitty Hawk, đang chuẩn bị phá dỡ, không quân của Hải quân Mỹ hiện đều trang bị toàn bộ các tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, cho thấy các tàu chạy bằng năng lượng thông thường đã bị Mỹ loại bỏ.
Thời điểm tàu Phúc Kiến được hạ thủy. |
Là thế hệ tàu sân bay chạy bằng năng lượng thông thường cuối cùng của Mỹ, Kitty Hawk được đưa vào hoạt động năm 1961 và đã loại biên vào năm 2009.
Lượng choán nước đầy tải của nó là 80.000 tấn, giống như các tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân khác, nó có thể chở hơn 80 máy bay khác nhau loại hoạt động trên tàu sân bay.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc trước đó đưa tin rằng tàu Phúc Kiến có kích thước tương đương với tàu sân bay lớp Kitty Hawk của Mỹ và lớn hơn tàu sân bay Queen Elizabeth của Anh có lượng choán nước 65.000 tấn.
Tuy nhiên, truyền thông Mỹ chỉ ra rằng chiếc tàu sân bay thứ ba này của Trung Quốc vẫn được dẫn động bằng năng lượng thông thường, nên về tốc độ và quãng đường di chuyển đều có khoảng cách rất rõ ràng so với các tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ.
Thế giới bên ngoài chú ý, tàu sân bay Phúc Kiến được cho là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được trang bị thiết bị phóng điện từ.
Một số cơ quan truyền thông Mỹ chỉ ra rằng USS Ford là chiếc tàu sân bay đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ phóng điện từ, do công nghệ này còn non nớt nên quá trình chế tạo tàu Ford gặp nhiều khó khăn, sau khi hạ thủy hệ thống phóng vẫn còn nhiều trục trặc và cần được cải tiến.
Ngoài ra, công nghệ máy phóng điện từ có nhu cầu điện rất lớn, tàu sân bay Mỹ sử dụng hệ thống điện hạt nhân mới có thể đáp ứng được; tàu Phúc Kiến sử dụng động cơ hơi nước như hai tàu Liêu Ninh và Sơn Đông có thể không đáp ứng được.
Do đó, một số nhà phân tích cho rằng tàu sân bay mới có thể giống với hai tàu sân bay trước, chủ yếu dùng cho thử nghiệm và huấn luyện.
Ba tàu sân bay của Trung Quốc (từ trái qua): Liêu Ninh, Sơn Đông, Phúc Kiến. |
Sự kiện chiếc Phúc Kiến được hạ thủy ngày 17/6 đã được giới truyền thông quốc tế quan tâm và đưa tin.
Hãng tin Anh Reuters đưa tin rằng Trung Quốc đã sử dụng sự kiện này để đưa ra một thông điệp nhắn gửi tới các đối thủ, bao gồm cả Mỹ, rằng họ sẽ tiếp tục hiện đại hóa quân đội của mình.
Bản tin nói Mỹ hiện có 11 tàu sân bay, đứng đầu thế giới, Trung Quốc đã là quốc gia đứng thứ hai với 3 tàu, Anh có 2 chiếc, đứng sau Trung Quốc.
Bloomberg cho rằng việc hạ thủy tàu Phúc Kiến là bước ngoặt trong nỗ lực hiện đại hóa lực lượng vũ trang của Trung Quốc và thu hẹp khoảng cách về sức mạnh quân sự với Mỹ.
Bloomberg cho rằng, tuy tàu Phúc Kiến đã tiếp cận với USS Gerald R. Ford, tàu sân bay mới nhất của Mỹ, nhưng khả năng và tầm hoạt động của nó có thể không sánh được tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Nimitz hoặc lớp Ford.
Bloomberg dự đoán rằng tàu Phúc Kiến sẽ được trang bị động cơ diesel và có thể có kích thước tương đương với các tàu sân bay lớp US Kitty Hawk mà Hải quân Mỹ đã vận hành từ những năm 1960 đến những năm 2000.
CNN dẫn lời Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn của Washington, cho biết hệ thống phóng hỗ trợ máy phóng của tàu Phúc Kiến là một sự nâng cấp lớn từ các hệ thống cất cánh kiểu nhảy trượt kém tiên tiến hơn được sử dụng trên các tàu Liêu Ninh và Sơn Đông.
Hệ thống mới, tương tự như hệ thống được sử dụng trên các tàu sân bay Mỹ, sẽ cho phép Trung Quốc phóng nhiều loại máy bay hơn từ tàu Phúc Kiến, với tốc độ nhanh hơn và cơ số đạn bom nhiều hơn.
Hình vẽ giả tưởng tàu Phúc Kiến khi đưa vào hoạt động. |
Matthew Funaiole, nhà nghiên cứu cấp cao của Chương trình Trung Quốc thuộc CSIS nói, tàu Phúc Kiến là "bước đột phá đầu tiên của quân đội Trung Quốc vào hàng không mẫu hạm hiện đại", "đây là bước tiến quan trọng về phía trước".
CNN cũng chỉ ra rằng Trung Quốc có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, và việc xây dựng hải quân của Trung Quốc đang diễn ra vào thời điểm căng thẳng địa chính trị với Mỹ gia tăng, "Mỹ đang tìm cách tăng cường quan hệ với các đồng minh và đối tác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương để chống lại sự gia tăng ảnh hưởng kinh tế và sức mạnh quân sự của Bắc Kinh".