Thấy gì qua lễ diễu binh Quốc khánh Trung Quốc?

Bình Giang |

Cuộc diễu binh mừng Quốc khánh của quân đội Trung Quốc vào ngày mai 1/10 sẽ là dịp các nhà quan sát bên ngoài có cái nhìn hiếm hoi về kho vũ khí phát triển nhanh chóng của nước này, trong đó có thể có loại tên lửa hạt nhân có thể vươn đến Mỹ chỉ trong vòng 30 phút.

Đông Phong 41 là một trong hàng loạt vũ khí mới mà báo chí Trung Quốc nói rằng sẽ được giới thiệu trong cuộc diễu binh mừng quốc khánh và 70 năm thành lập Đảng cộng sản nước này. Những vũ khí khác bao gồm một máy bay không người lái siêu thanh và một robot tàu ngầm cũng sẽ rất được chú ý.

Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) là quân đội đông nhất thế giới, với 2 triệu quân nhân và sử dụng mức ngân sách lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. PLA đang phát triển các dòng máy bay chiến đấu, tàu sân bay nội địa đầu tiên và các tàu ngầm hạt nhân.

“Sẽ có rất nhiều người quan sát, trong đó có quân đội Mỹ. Họ sẽ nói: ‘Những thứ này đang rất gần những vũ khí chúng ta làm’, rồi họ bắt đầu lo lắng”, ông Siemon Wezeman, công tác tại Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế ở Stockholm (SIPRI) , nói.

Cuộc diễu binh diễn ra vào ngày mai sẽ có sự tham gia của 15.000 quân, hơn 160 máy bay và 580 vũ khí, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cai Zhijun cho biết.

Nhiều vũ khí mới "sẽ được ra mắt lần đầu tiên", ông Cai nói với các phóng viên trong cuộc họp báo tuần trước. Khi được hỏi liệu trong số đó có tên lửa Đông Phong 41, ông Cai nói: "Xin hãy chờ xem".

"Trung Quốc đã phát triển năng lực hạt nhân, vũ trụ, không gian mạng và các năng lực khác để có thể tấn công kẻ thù trên toàn cầu", Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ viết trong báo cáo đưa ra vào tháng 1 năm nay.

Năm ngoái, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc tăng 5% lên 250 tỷ USD, gấp 10 lần mức chi của năm 1994, theo SIPRI. Mỹ, với quân số 1,3 triệu người, dẫn trước với 650 tỷ USD.

Thấy gì qua lễ diễu binh Quốc khánh Trung Quốc? - Ảnh 2.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong 41

Cùng với Mỹ, Trung Quốc cũng được coi là đang đi đầu trong công nghệ máy bay không người lái.

“Về các phương tiện bay không cần phi công, Trung Quốc đạt được rất nhiều tiến triển trong những năm gần đây và có hàng loạt vũ khí khác đang được phát triển”, ông Harry Boyd, công tác tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế ở London, đánh giá.

Chưa có chi tiết nào về tên lửa Đông Phong 41 được công bố, nhưng Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) tại Washington cho rằng tên lửa này có thể đạt tầm xa lớn nhất thế giới, với 15.000km.

Các nhà phân tích nói rằng Đông Phong 41 có thể chạm đến Mỹ chỉ trong vòng 30 phút, mang theo 10 đầu đạn cùng lúc để tấn công các mục tiêu khác nhau. Công nghệ này được gọi là MIRV.

Tên lửa chính hiện nay của Trung Quốc là Đông Phong 31 có tầm xa hơn 11.200km, đưa hầu hết lục địa Mỹ vào tầm tấn công.

Các bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc về cuộc diễn tập chuẩn bị cho lễ diễu binh cho thấy hình ảnh khá mờ về loại máy bay không người lái tấn công Wuzhen 8 (Lợi kiếm 8).

Cuộc diễu binh cũng có thể cung cấp thêm thông tin về các kế hoạch của Trung Quốc, ông Wezeman nhận định.

Manh mối về kế hoạch

Máy bay tiếp nhiên liệu trên không hay phương tiện đổ bộ “nói lên tầm quan trọng của các chiến dịch tầm xa”, ông Wezeman nói. Các tên lửa phòng không có thể cho thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị cho khả năng chiến tranh với Mỹ hoặc đối thủ đáng gờm khác.

Các nhà phân tích cũng muốn biết nhiều hơn về phần mềm, hệ thống điện tử và mạng kiểm soát không dây của Trung Quốc, ông Wezeman nói.

Thấy gì qua lễ diễu binh Quốc khánh Trung Quốc? - Ảnh 3.

Hình ảnh chiếc xe chở tên lửa được bọc kín tham gia lễ tập dượt chuẩn bị quốc khánh. (Ảnh: AP)

“10 phương tiện được trang bị đầy đủ ăng-ten có thể là dấu hiệu cho thấy điều gì đó đang trở nên quan trọng với Trung Quốc”, ông nói.

Nếu các bệ phóng di động dành cho tên lửa hạt nhân được đem ra trong cuộc diễu binh lần này, đó có thể cho thấy Bắc Kinh coi “thách thức phải duy trì năng lực răn đe hạt nhân”, ông Boyd nói.

Trung Quốc có khoảng 280 đầu đạn hạt nhân, trong khi Mỹ có 6.450 và Nga 6.850, theo SIPRI. Bắc Kinh nói rằng họ muốn “năng lực răn đe hạt nhân tối thiểu”, nhưng sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trước nếu xung đột nổ ra.

Các bệ phóng tên lửa “sẽ khiến bất kỳ kẻ thù tiềm tàng nào thực hiện tấn công trước”, ông Boyd cho biết.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang gia tăng số lượng bệ phóng dành cho Đông Phong 41 và Đông Phong 31 từ con số 18 lên 36. Ông Boyd nói rằng con số này cho thấy các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc tin rằng lực lượng hạt nhân tối thiểu của họ “cần được mở rộng”.

“Họ cần thêm các hệ thống tân tiến với năng lực tấn công đa mục tiêu đáng tin cậy, theo quan điểm của họ”, ông Boyd nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại