Tham vọng vũ khí "Ngày tận thế" của Nga sẽ còn hứng chịu hậu quả thảm khốc?

Anh Tú |

Giới chức tình báo phương Tây tin rằng, vụ nổ dữ dội gây chết người ở thao trường hải quân Nga tại Nyonoksa là hậu quả từ một vụ thử bất thành của tên lửa Burevestnik.

Ngày 8/8, một vụ tai nạn hạt nhân bí ẩn liên quan đến vũ khí "Ngày tận thế" mới của Nga đã phát nổ cướp đi sinh mạng của ít nhất 7 người, trong đó có 2 nhà khoa học hàng đầu của Bộ Quốc phòng Nga.

Sau vụ nổ, nhiều người trong giới quan sát nhận định, đây có lẽ chỉ là sự khởi đầu cho cuộc chạy đua mở rộng kho vũ khí tối tân của Nga trong thời gian tới.

Trong thông điệp liên bang năm ngoái, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga đang phát triển những vũ khí mới mạnh mẽ và được thiết kế để vượt qua mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay của Mỹ.

Một trong những vũ khí được mệnh danh là "Ngày tận thế" này, theo các chuyên gia, đó là tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân 9M730 Burevestnik - siêu vũ khí mà theo cách gọi của NATO là SSC-X-9 Skyfall.

Tham vọng vũ khí Ngày tận thế của Nga sẽ còn hứng chịu hậu quả thảm khốc? - Ảnh 1.

Nga phóng thử tên lửa hành trình hạt nhân 9M730 Burevestnik tháng 7/2018. Ảnh: BQP Nga

Cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Nga đã tăng lên khi Lầu Năm Góc ngày càng tập trung nguồn lực cho việc đối phó với các mối đe dọa đến từ các đối thủ cường quốc, đặc biệt trước bối cảnh Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) sụp đổ và cả Mỹ và Nga đều đang phát triển các tên lửa phóng từ mặt đất mới.

Nước Mỹ đã thử một tên lửa tầm trung vào Chủ Nhật vừa qua và đây là lần thử nghiệm đầu tiên kể từ khi kết thúc thỏa thuận kiểm soát vũ khí INF năm 1987 vào đầu tháng này.

"Mỹ và Nga dường như đang bị cuốn vào một cuộc chạy đua vũ trang mới", Jeffrey Lewis, Giám đốc Chương trình Không phổ biến Đông Á của Trung tâm nghiên cứu vấn đề không phổ biến vũ khí James Martin, Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury tại Monterey đã nhận xét như vậy trong một bài viết gần đây trên Tạp chí Foreign Policy.

Tên lửa Skyfall được cho là loại vũ khí "bất khả chiến bại" và có "tầm bắn không giới hạn, với quỹ đạo bay "không thể đoán trước" cũng như khả năng "vượt qua mọi hệ thống đánh chặn" hiện nay.

Các chuyên gia quân sự và giới chức tình báo phương Tây tin rằng, vụ nổ dữ dội gây chết người ở thao trường thử nghiệm vũ khí hải quân Nga tại Nyonoksa là hậu quả từ một vụ thử bất thành khác của tên lửa Burevestnik và đã gây ra rò rỉ phóng xạ hạt nhân ở những khu vực gần đó.

Jeffrey Edmonds, cựu chuyên gia phân tích của CIA, đồng thời cũng là thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho rằng, có vẻ như Nga sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi thử nghiệm vũ khí ở một cơ sở hạ tầng quân sự đã lỗi thời như vậy. Điều này là rất nguy hiểm bởi nguy cơ xảy ra tai nạn là rất cao.

"Rõ ràng, Nga đang cố tận dụng một cơ sở đã quá cũ chỉ nhằm mục đích bắt kịp hoặc cạnh tranh ngang bằng với Mỹ", Edmonds giải thích.

Theo Jeffrey Lewis, cuộc chạy đua vũ trang mới này bộc lộ những nguy cơ tiềm ẩn đối với các tai nạn hạt nhân nghiêm trọng, giống như sự việc đã xảy ra tại Nyonoksa.

"Mặc dù Chiến tranh Lạnh đã không kết thúc với thảm họa ở quy mô lớn nhưng nó vẫn để lại một loạt các thảm họa ở quy mô nhỏ cho rất nhiều người sống trong giai đoạn đó", Lewis viết.

Rosatom - Tập đoàn Năng lượng Hạt nhân Nhà nước Nga thừa nhận 5 nhân viên của họ cũng đã bị tử vong "trong các vụ thử hệ thống đẩy nhiên liệu lỏng liên quan tới đồng vị phóng xạ tại một cơ sở quân sự".

Thông tin về vụ nổ ở Nyonoksa hiện vẫn còn rất ít và chưa thể đầy đủ để làm sáng tỏ mọi việc.

"Nga rất dễ có nguy cơ gặp phải các thảm họa hạt nhân. Nhưng những thảm họa này không chỉ nguy hiểm với người Nga vì sớm hay muộn chúng cũng đặt cả thế giới vào mối nguy hiểm", một cựu giáo sư về an ninh quốc gia Nga từng giảng dạy tại trường Đại học chiến tranh Mỹ cảnh báo.

Hình ảnh vụ nổ động cơ hạt nhân của Nga ngày 8/8/2019

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại