Thái giám đưa kẻ ngốc lên ngôi để dễ giật dây, nhưng sắc lệnh đầu tiên của kẻ ngốc khiến thái giám chết đứng

Minh Nhật |

Trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, khi nhà Đường bắt đầu suy yếu, các thái giám bắt đầu thâu tóm quyền lực, khuynh đảo triều chính. Để củng cố địa vị, những thái giám này rắp tâm lập một hoàng tử ngốc lên ngai vàng, nhưng không lâu sau đó, họ đã phải hối hận.

Cuối thời Đường, các thái giám muốn đưa một kẻ ngốc lên ngôi để dễ bề giật dây, nhưng sắc lệnh đầu tiên của kẻ ngốc khiến thái giám chết đứng.

Cuối thời Đường, các thái giám muốn đưa một kẻ ngốc lên ngôi để dễ bề giật dây, nhưng sắc lệnh đầu tiên của kẻ ngốc khiến thái giám chết đứng.

Theo trang Sohu của Trung Quốc, vị hoàng tử "ngốc" này là Lý Di - hoàng tử thứ 13 trong số 20 người con trai của Đường Hiến Tông Lý Thuần.

Mẹ của ông là Trịnh thị, vốn là nô tì hầu hạ Quách Quý phi - sủng phi của Đường Hiến Tông. Tình cờ một lần Trịnh thị gặp được Đường Hiến Tông rồi cùng vua ân ái và mang thai. Ngày 27/7/810, Trịnh thị hạ sinh được hoàng tử Lý Di.

Vì thân thận của mẹ đẻ thấp kém, Lý Di trong những năm thiếu thời thường tỏ ra nhút nhát và cực kỳ ít nói đến mức giống như "người câm". Người trong cung cho là ông kém thông minh trong khi các anh em cùng cha khác mẹ của Lý Di thường mang ông ra trêu chọc, bắt nạt, thậm chí đánh cược xem ai có thể chọc cho ông phải mở lời. Nhưng dù bị trêu chọc, bắt nạt thế nào, Lý Di cũng vẫn im lặng.

Sau một trận ốm nặng năm 10 tuổi, Lý Di thường nói chuyện thần tiên nên ai cũng cho là vị hoàng tử này đã bị bệnh tâm thần.

Nhưng tương truyền, vào đêm Lý Di đang hôn mê vì bệnh nặng, đã có vầng hào quang chiếu khắp người ông. Sau đó, không cần uống thuốc, ông tự khỏi bệnh.

Sau này, Lý Di thường mộng thấy rồng bay lên trời, có lúc ông đem chuyện này nói với mẹ. Trịnh thị sợ hãi liền nhắc con:"Những điều này tuyệt đối không được cho người khác hay, nếu không sẽ mang họa".

Cuối năm 845, vua Đường lâm bệnh nặng và sang năm 846 thì không còn có thể nói được nữa. Bấy giờ, các hoạn quan (thái giám) thâu tóm quyền lực, khuynh đảo triều đình. Họ muốn nhân lúc này lập hoàng tử ngu dốt lên ngôi để dễ bề thao túng về sau. Cuối cùng, họ quyết định chọn Lý Di, lúc này 36 tuổi. Lý Di sau đó đổi tên thành Lý Thầm.

Tháng 4/845, khi vua Đường Vũ Tông băng hà, các hoạn quan đã giả chiếu chỉ của vua Đường, lập "kẻ ngốc" Lý Thầm lên ngôi vua, lấy hiệu là Đường Tuyên Tông.

Tuy nhiên, khi được bách quan tiếp kiến, Đường Tuyên Tông như trở thành một người khác, tỏ ra thông minh nhanh trí hơn người, quyết đoán chính vụ nhanh gọn, người người nể phục.

Thái giám đưa kẻ ngốc lên ngôi để dễ giật dây, nhưng sắc lệnh đầu tiên của kẻ ngốc khiến thái giám chết đứng - Ảnh 2.

Tranh vẽ vua Đường Tuyên Tông Lý Di (hay còn gọi là Lý Thầm)

Đặc biệt, mệnh lệnh đầu tiên được Đường Tuyên Tông ban hành sau khi lên ngôi là thu hồi mọi quyền hành mà hoạn quan nắm giữ, loại bỏ những kẻ lộng quyền, chặt bỏ hết mọi vây cánh của những kẻ này đồng thời sắp xếp và bố trí lại các hoạn quan trong cung.

Mệnh lệnh này được thi hành ngay lập tức, rất nhiều hoạn quan đã bị loại bỏ, trong đó có cả những kẻ từng rắp tâm đưa Đường Tuyên Tông lên ngôi để dễ bề điều khiển.

Đồng thời Đường Tuyên Tông cũng giáng chức, lưu đày tể tướng chuyên quyền Lý Đức Dụ, kẻ từng có hiềm khích với ông. Những kẻ tay sai của Lý Đức Dụ là Trịnh Túc, Lý Hồi cũng bị bãi chức. Lý Tuyên Tông cũng ra lệnh đánh chết đạo sĩ Triệu Quy Chân - người từng luyện đan trường sinh cho Đường Vũ Tông cùng bè đảng của tên này.

Không chỉ vậy, ông còn thương dân như con, xem trọng việc tuyển chọn nhân tài và đặt ra những yêu cầu khắt khe với bản thân và con cái.

Tuyên Tông được xem là một vị vua cần mẫn và siêng năng trong việc triều chính. Ông muốn làm theo tấm gương của tổ tiên là Đường Thái Tông Lý Thế Dân để xây dựng nên một nền thịnh thế mới.

Tuy nhiên, vào những năm cuối đời, Đường Tuyên Tông cũng không khác một số vị Hoàng đế tiền nhiệm, tin vào chuyện ma quỷ và mơ về trường sinh bất tử, thậm chí ông còn cho triệu đạo sĩ Hiên Viên Tập từ núi Phù La về kinh để giúp mình luyện đan. Năm 859, vì lạm dụng đan dược của đạo sĩ nên Đường Tuyên Tông thay đổi tính tình, nóng nảy thất thường và mắc bệnh nặng rồi băng hà.

Thời gian Đường Tuyên Tông trị vì có thể nói là những năm thái bình cuối cùng của triều đại nhà Đường, để rồi sau đó đất nước tiếp tục lún sâu trong loạn lạc rồi chia cắt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại