Đến thời điểm hiện tại, hải quân ukraine mới chỉ nhận được một số thiết bị dò tìm thủy lôi, tàu tuần tra ven bờ và một số tàu tuần tra không người lái.
Dù từng sở hữu những xưởng đóng tàu có thể chế tạo được các tàu chiến cỡ lớn, kể cả tàu sâu bay, nhưng hiện tại Ukraine chỉ còn lại lực lượng hải quân rất hạn chế. Hạm đội tàu mặt nước của hải quân Ukraine có rất ít tàu cỡ lớn, chủ yếu là những tàu tuần tra cỡ nhỏ, vũ trang ít, không có khả năng đi xa và bám biển dài ngày.
Một tàu quân sự của Ukraine. Ảnh: BI
Kiev đã đặt mua 2 tàu hộ vệ tên lửa Hetman Ivan Mazepa do Thổ Nhĩ Kỳ đóng. Con tàu đầu tiên trong số 2 tàu hộ tống lớp Ada này dự kiến sẽ đến vùng biển Ukraine trong 19 tháng tới. Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, dù đã được hạ thủy nhưng con tàu vẫn cần phải trang bị và kiểm tra các hệ thống vũ khí theo đơn đặt hàng. Hơn nữa, các đối tác của Ukraine sẽ phải thực hiện nhiệm vụ quan trọng là huấn luyện thủy thủ đoàn cách thức điều khiển và tiến hành hoạt động tác chiến.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì lực lượng hải quân hùng hậu ở Biển Đen. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc giành quyền kiểm soát Biển Đen, Nga đã cố gắng làm suy yếu lực lượng hải quân Ukraine ngay từ đầu. Ukraine đã bị mất một số tàu chiến cỡ lớn còn lại từ thời Liên Xô trong những ngày đầu tiên của cuộc xung đột, trong đó có soái hạm Hetman Sahaidachny.
Các chuyên gia quân sự cho rằng, Ukraine cần phải xây dựng lại toàn bộ lực lượng hải quân, nhưng không rõ họ sẽ làm điều này như thế nào khi chiến sự ngày càng ác liệt. Việc thành lập thêm những đơn vị hải quân chiến đấu riêng lẻ không phải là giải pháp khả thi tại khu vực Biển Đen ngày càng có nhiều tranh chấp.
Trong trường hợp Mỹ và châu Âu quyết định cung cấp tàu chiến cho Ukraine thời gian tới, thì Biển Đen vẫn không phải là vùng biển an toàn đối với hải quân Ukraine khi các thủy thủ nước này cần thời gian để trau dồi kỹ năng chiến đấu và học cách vận hành tàu chiến phương Tây. Đông Địa Trung Hải, nơi thường xuyên có sự xuất hiện của tàu chiến và tàu ngầm của Nga, cũng không phải là nơi trú ẩn an toàn dành cho tàu thuyền Ukraine.
Điều gì chờ đợi chiến hạm Hetman Ivan Mazepa của Ukraine?
Các chuyên gia quân sự cho rằng, để có thể ứng phó với những tình huống bất thường trên Biển Đen và thể hiện khả năng kết hợp giữa các đơn vị, khả năng sẵn sàng chiến đấu, hải quân Ukraine cần được bảo vệ và hỗ trợ nhiều hơn.
Tàu Hetman Ivan Mazepa lớp Ada sẽ là tàu chiến mạnh nhất của hải quân Ukraine. So với soái hạm Hetman Sahaidachny bị mất của Ukraine, tàu hộ vệ săn ngầm này vượt trội hoàn toàn về hỏa lực. Con tàu được thiết kế để thực hiện vai trò tuần tra trên mặt nước và triển khai các phương tiện tấn công dưới mặt nước.
Hai con tàu mới của Ukraine sẽ được trang bị một loạt cảm biến và vũ khí đáng gờm, trong đó có pháo chính 76mm, 8 ống phóng tên lửa chống hạm Harpoon, 1 hệ thống tên lửa phòng không RAM Block I, 2 bệ phóng ngư lôi kép cỡ 324mm, máy bay trực thăng cùng máy bay không người lái. Mặc dù không có nhiều tính năng như tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Arleigh Burke của Mỹ, nhưng tàu hộ tống Hetman Ivan Mazepa hạng nhẹ, nặng khoảng 2.300 tấn được cho là phù hợp với môi trường hoạt động ở Biển Đen.
Sau khi hạ thủy chiếc Hetman Ivan Mazepa đầu tiên dành cho Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt tay đóng chiếc thứ hai vào giữa tháng 3/2023. Theo kế hoạch ban đầu, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chế tạo thân tàu, các hệ thống cơ khí và điện lực cơ bản. Đến cuối năm 2023, nước này sẽ chuyển giao cho Ukraine để lắp đặt các hệ thống vũ khí.
Trong bối cảnh xung đột diễn biến phức tạp, Ukraine khó có thể thực hiện công việc cuối cùng để hoàn thiện con tàu. Một số nhà phân tích cho rằng, nhiều khả năng nó sẽ được chuyển đến một quốc gia khác để lắp ráp lần cuối. Địa điểm trang bị vũ khí cho con tàu cũng như nơi huấn luyện và mức độ đào tạo dành cho các thủy thủ Ukraine vẫn chưa được tiết lộ.
Đã quá muộn đối với Kiev?
Một số nhà phân tích cho rằng Hải quân Ukraine sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi vận hành 2 con tàu mới và ổn định hoạt động của chúng ở Biển Đen, dù các lực lượng này đang nỗ lực diễn tập với tên lửa RGM-84 Harpoon và trực thăng H-60A Blackhawk.
Cây bút Craig Hooper của Forbes cho rằng, để giúp Ukraine củng cố lực lượng hải quân, các đối tác của nước này, chẳng hạn như NATO cần phải đặt các vùng biển của Ukraine dưới cơ chế bảo vệ kiểu NATO, hoặc hỗ trợ huấn luyện cho các thủy thủ đoàn của Ukraine để tạo ra một lực lượng hải quân đáng tin cậy.
Nói cách khác, nếu không có đủ nguồn lực và không có sự yểm trợ của lực lượng không quân, hải quân Ukraine sẽ rất khó đối phó các cuộc tấn công từ trên không và trên biển của Nga. Chưa kể, việc đánh chìm tàu chiến mới nhất của Ukraine có thể là ưu tiên hàng đầu của Nga nếu xung đột tiếp tục kéo dài.