“Bây giờ, tôi kêu gọi Mỹ, tôi muốn kích hoạt hiệp ước quân sự Mỹ - Philipiines. Tôi muốn Mỹ tập hợp toàn bộ lực lượng Hạm đội 7 tới đối đầu Trung Quốc”, AP dẫn tuyên bố của Tổng thống Duterte trong một bài phát biểu trên truyền hình.
Hiện phía Mỹ chưa lên tiếng về lời bình luận trên truyền hình của ông Duterte.
Hiệp ước quốc phòng song phương được Manila và Washington ký kết năm 1951 nhằm cho phép hai nước hỗ trợ quốc gia còn lại trong trường hợp một trong hai bên bị tấn công vũ trang vào lãnh thổ lục địa hoặc đảo ở Thái Bình Dương thuộc quyền tài phán của quốc gia đó, các lực lượng vũ trang, các tàu hoặc máy bay ở Thái Bình Dương.
Trước đó, Mỹ khẳng định phạm vi hoạt động của quân đội Mỹ bao gồm cả khu vực Biển Đông . Song Washington nhấn mạnh sẽ không đứng về bất cứ bên nào trong các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Tuyên bố của Tổng thống Duterte về việc muốn kích hoạt hiệp ước quốc phòng Mỹ - Philippines được đưa ra sau khi quan chức hai nước kết thúc phiên "đối thoại chiến lược" kéo dài 2 ngày vào hôm 16/7. Nội dung của phiên đối thoại là an ninh quốc phòng, sự phát triển và phối hợp ngoại giao toàn cầu.
“Hai bên nhận thức rõ tầm quan trọng của mối quan hệ liên minh hùng mạnh Mỹ - Philippines trong việc tăng cường hợp tác an ninh và thúc đẩy sự ổn định cũng như an ninh ở khu vực. Hai bên cũng tái khẳng định những cam kết duy trì tự do hàng hải, hàng không và các quy định luật pháp ở Biển Đông.
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình chiểu theo quy định của luật pháp quốc tế như trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển”, tuyên bố chung sau cuộc họp của quan chức Mỹ - Philippines cho hay.
Tuy nhiên, nhà khoa học chính trị Ramon Beleno III tại Đại học Ateneo de Davao nhận định, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không bị lung lay chỉ vì tuyên bố của Tổng thống Duterte. Thậm chí, theo ông Beleno, việc ông Duterte kêu gọi kích hoạt hiệp ước quốc phòng Mỹ - Philippines “chỉ là diễn”.
“Nếu như ông Duterte thực sự nghiêm túc, tuyên bố của ông Duterte sẽ ảnh hưởng lớn tới không chỉ quan hệ ngoại giao với Trung Quốc mà cả mối quan hệ thương mại giữa hai nước. Tôi cho rằng, ông Duterte chỉ đang nói đùa”, ông Beleno chia sẻ.
Trước khi ông Duterte trở thành Tổng thống Philippines vào năm 2016, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila liên tục rơi vào vòng xoáy căng thẳng bao gồm những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông .
Thậm chí, Trung Quốc còn lên tiếng khẳng định không tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế vào năm 2016 phủ nhận những tuyên bố chủ quyền phi lý theo cái gọi là “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Hồi tháng trước, người dân Philippines đã vô cùng bất bình trước cách giải quyết khủng hoảng của chính quyền Tổng thống Duterte sau vụ việc một tàu cá nước này bị tàu Trung Quốc tấn công, đâm chìm và bỏ mặc ngư dân ở Biển Đông. Theo ông Duterte, đây chỉ là một “vụ va chạm thông thường”.
Hôm 9/6, một tàu Trung Quốc được cho đã tấn công tàu cá FB Gimver 1 của Philippines khiến tàu này bị chìm trên khu vực Biển Đông. Đáng nói, sau vụ tấn công, tàu Trung Quốc nhanh chóng rời khỏi hiện trường để mặc 22 ngư dân Philippines chơi vơi trên biển. Rất may, một tàu của Việt Nam hoạt động gần đó đã cứu toàn bộ ngư dân Philippines.
Sau sự việc trên, một số quan chức Philippines nhận định hành động của Trung Quốc không khác gì là “gây tai nạn rồi bỏ chạy”.
Tuy nhiên, hôm 17/6, trong một tuyên bố cảnh báo tránh làm tình hình căng thẳng leo thang, Tổng thống Duterte cho rằng “những gì xảy ra chỉ giống như một vụ va chạm. Đây là một vụ va chạm hàng hải. Đừng tin vào những chính trị gia ngu dốt, những người muốn triển khai lực lượng hải quân tới đó”.
“Đây chỉ là va chạm và đừng làm cho nó trở nên tồi tệ hơn”, ông Duterte nhấn mạnh Philippines chưa sẵn sàng đấu lại Trung Quốc.
Về phần mình, Trung Quốc xác nhận một tàu cá nước này có liên quan tới vụ va chạm với tàu cá Philippines trên Biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh phủ nhận thông tin tàu Trung Quốc đâm và bỏ chạy khỏi hiện trường vụ va chạm.
Thậm chí, đại sứ quán Trung Quốc ở Manila tuyên bố tàu cá Trung Quốc bị “7 – 8 tàu cá Philippines ngăn cản” nên không thể giải cứu 22 thủy thủ trên tàu FB Gimver 1.