Tết đến – nỗi sợ của những ‘bà cô’ ế chồng ở Trung Quốc

Hoàng Trang |

Quá ngán ngẩm thậm chí còn sợ cái cảnh khi về quê ăn Tết mà bị hỏi dồn “Khi nào lấy chồng?”, nhiều phụ nữ đã xin làm thêm cả dịp nghỉ lễ hoặc chọn cách nói dối bố mẹ.

Tết đến – nỗi sợ của những ‘bà cô’ ế chồng ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Một phụ nữ chụp ảnh đèn lồng đỏ trang trí đón Tết trong công viên ở Bắc Kinh ngày 24/1. Ảnh: AFP

Đối với những “bà cô” ế chồng ở Trung Quốc, ngày Tết Nguyên đán còn mang đến nỗi sợ khi phải đối mặt với gia đình và người thân. 

Bị trách mắng vì còn độc thân và bị gây áp lực chuyện chồng con đã trở thành điều kinh hoàng đến nỗi các “gái ế” – tên gọi quy chụp phụ nữ gần 30 tuổi mà chưa kết hôn – đang tìm cách đối phó.

Một số người xin sếp cho làm việc thêm giờ trong dịp Tết Kỷ Hợi, kỳ nghỉ lễ lớn nhất tại Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 5/2. 

Một số thì bịa chuyện đã có bạn trai hoặc thuê người đóng giả. Dù vậy, áp lực vẫn gia tăng. Các cơ sở y tế cảnh báo tình trạng thanh niên trẻ phải nhập viện điều trị vì tâm lý bất ổn.

“Năm ngoái tôi quá sợ nên không về nhà. Năm nay tôi cũng vậy nhưng chẳng có cách nào để trốn về quê”, cô Emily Liu, 31 tuổi, công tác tại một doanh nghiệp nhà nước chia sẻ. Cô sẽ về quê ở Đại Liên đầu tháng tới.

“Bố mẹ tôi nói: ‘Bạn bè của con đều con bồng con bế, còn con thì không có nổi bạn trai”, cô gái kể, “Đây là chủ đề duy nhất mỗi lần tôi về nhà, họ thậm chí còn huy động cả họ hàng vào nói giúp. Áp lực quá lớn”.

Rất nhiều phụ nữ độc thân trên 25 tuổi không dám về nhà ăn Tết và bị ám ảnh về việc không có bạn trai cũng như không ngừng nỗ lực mai mối. 

Theo một cuộc khảo sát năm ngoái của trang web hẹn hò phổ biến Zhenai.com, khoảng 85% những người độc thân từ 26 - 30 tuổi nói rằng cha mẹ của họ đã thúc giục họ nhanh chóng kết hôn.

Shen, 25 tuổi, đã dành một tháng để chỉnh sửa 10 bức ảnh cô đứng cạnh nam diễn viên nổi tiếng Liu Haoran. Cô gửi ảnh về khoe bố mẹ, giới thiệu người đàn ông là bạn trai cô. Bố mẹ cô đã rất vui mừng.

Một phụ nữ 35 tuổi có học vị tiến sĩ tên là Dong cũng muốn tránh mặt bố mẹ cùng những lời quở trách của họ. Cô không chỉ “ế”, cô còn thuộc vào tuýp “ba cao”:  học vấn cao, thu nhập cao và… cao tuổi. 

Cô phán ngán cái cảnh bị người thân dồn hỏi, vì vậy cô quyết định vùi đầu vào công việc. Dong đã đề nghị sếp cho mình làm việc xuyên kỳ nghỉ.

Tất nhiên, sếp của cô từ chối. Ông tầm tuổi bố mẹ cô nên rất đồng cảm với họ. “Bỏ trốn không thể thay đổi được sự thật. 

Cô chỉ có thể giải quyết vấn đề của mình bằng cách đối mặt với nó”, Dong thuật lại lời khuyên từ ông chủ của mình, “Tết là cơ hội tốt để hòa nhập và cô nên thử gặp gỡ nhiều người hơn… có thể cô sẽ tìm thấy người đàn ông lý tưởng”.

Tết đến – nỗi sợ của những ‘bà cô’ ế chồng ở Trung Quốc - Ảnh 2.

Hành khách chờ đợi lên tàu tại nhà ga Quảng Châu ngày 26/1. Ảnh: EPA

 

Phụ nữ bị xem là “ế” ở nhiều khu vực thuộc châu Á nếu họ không kết hôn ở khoảng giữa 20 – 30 tuổi. 

Tuy nhiên, thành tựu kinh tế của Trung Quốc trong vài thập kỷ gần đây và sự xuất hiện của một tầng lớp trung lưu đông đảo đã khiến nhiều phụ nữ chọn cách theo đuổi sự nghiệp thay vì kết hôn sớm.

Điều này góp phần làm tỷ lệ sinh ở Trung Quốc giảm nhanh chóng. Theo số liệu chính thức được công bố tuần trước, chỉ có 15,2 triệu ca sinh nở trong năm 2018, giảm 2 triệu so với năm trước nữa. 

Chính phủ Trung Quốc, lo ngại xu hướng này tạo ra một quả bom hẹn giờ khi dân số già đi, đã xóa bỏ chính sách một con nhằm khuyến khích các gia đình sinh thêm con.

Bất kể thực tế rằng nam giới Trung Quốc nhiều hơn nữ giới 33 triệu người, phụ nữ là đối tượng “ế” hơn đàn ông. Số lượng đám cưới ở quốc gia này đã giảm liên tiếp 5 năm. 

Có trên 200 triệu người trưởng thành sống độc thân ở Trung Quốc.

Hiện nay, một số công ty đã thể hiện nỗ lực để thay đổi tình trạng trên. Họ khuyến khích lao động nữ hẹn hò và kết hôn. 

Hai công ty quản lý công viên giải trí Song Dynasty Town ở Hàng Châu đã cho phép nữ nhân viên độc thân trên 30 tuổi nghỉ thêm Tết 8 ngày để họ có cơ hội hẹn hò. 

Nếu bất kỳ ai kết hôn trước năm 2019 sẽ nhận được thưởng thường niên cao gấp đôi.

Cũng tại Hàng Châu, một ngôi trường trung học đã cho phép giáo viên “nghỉ tình yêu” 2,5 ngày mỗi tháng. 

Khoảng 40% giáo viên chưa lập gia đình nên trường quyết định tạo ra “nghỉ tình yêu” để giúp họ. Đối với cả hai giới, giáo viên đã kết hôn nhưng chưa có con cũng có thể xin phép “nghỉ gia đình” hoặc “nghỉ hạnh phúc”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại